Giới phân tích cho rằng, một phần câu trả lời chính là nằm ở tinh thần Nhật Bản, và một phần nằm ở văn hóa doanh nghiệp ở xứ sở hoa Anh Đào. Cả hai yếu tố đều hướng tới sự vượt trội và không dễ dàng chấp nhận vị trí thứ hai vì đứng sau có thể bị xem là mất mặt. Nhờ đó, công chúng - những người mua ô tô trên toàn cầu - là đối tượng hưởng lợi.
Tập đoàn ô tô Toyota ban đầu là một nhánh của Toyoda Automatic Loom Works - một công ty chuyên về sản xuất máy dệt. Năm 1933, dưới sự lãnh đạo của Kiichiro Toyoda - con trai của nhà sáng lập Sakichi Toyoda, công ty này bắt đầu nhảy vào lĩnh vực sản xuất xe hơi.
Trong suốt thời gian Thế chiến thứ hai, mảng ô tô mới được thành lập của công ty gia đình Toyoda phát triển vững chắc, giữ vai trò là nhà cung cấp xe tải cho quân đội đế quốc Nhật. Sau chiến tranh, Nhật Bản - với tư cách quốc gia bại trận - chứng kiến nền kinh tế quốc gia chìm vào suy thoái. Trong bối cảnh đó, Toyota đương nhiên không tránh khỏi khó khăn.
Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh khác là chiến tranh Triều Tiên lại nổ ra và Toyota được tiếp sức nhờ bán được nhiều xe tải. Ngoài ra, nước Mỹ - nước thuộc phe thắng trận trong Thế chiến thứ hai - đặt mua của Toyota 5.000 chiếc xe tải. Nhờ những đơn hàng này, Toyota hồi phục dần và mở rộng hoạt động sản xuất.
Hãy cùng nhìn lại những yếu tố góp phần tạo ra chất lượng đỉnh cao của xe Toyota :
Một xã hội có tính trật tự cao
Chìa khóa để tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản là hiểu rõ vị trí và bản chất của những lợi ích công nghiệp lớn ở Nhật trong thời hiện đại, cũng như nền tảng lịch sử của văn hóa doanh nghiệp nước này. Xã hội Nhật Bản rất lịch sự, đồng thời cũng có cấu trúc chặt chẽ và tính trật tự cao.
Quản trị theo hiến chương là một khía cạnh quan trọng trong trật tự xã hội Nhật Bản từ những năm 1600, khi nhiều công ty gia đình được thành lập để cung cấp các sản phẩm cần thiết cho người dân và chính quyền các địa phương trên toàn quốc. Các công ty này phát triển đạt tới quy mô, tài sản và quyền lực lớn, được gọi chung là các zaibatsu. Dần dần, các zaibatsu tạo được mối liên hệ mật thiết với quân đội Nhật, các chính quyền địa phương và cuối cùng là Chính phủ trung ương.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các zaibatsu bị thay thế bởi các keiretsu. Đó là những mạng lưới kinh doanh được tạo thành từ các công ty khác nhau, bao gồm nhà sản xuất, đối tác chuỗi cung ứng, nhà phân phối và đôi khi cả công ty tài chính. Các công ty trong keiretsu làm việc cùng nhau, có mối quan hệ chặt chẽ và đôi khi sở hữu cổ phần nhỏ lẫn nhau, trong khi vẫn hoạt động độc lập. Toyota không được coi là một zaibatsu, nhưng là thành phần trong một keiretsu.
Lòng tận trung với công ty
Trung thành với công ty luôn là một điều rất quan trọng đối với người lao động Nhật. Với tinh thần này, từ nhân viên cấp thấp đến lãnh đạo cấp cao nhất trong các công ty Nhật đều không ngừng phấn đấu để đạt kết quả công việc cao nhất có thể: hoàn thành nhiệm vụ đúng hoặc trước hạn, vượt tiêu chuẩn chất lượng, làm thêm việc để mang lại lợi nhuận và doanh thu tốt hơn cho công ty, và thể hiện sự tôn trọng đối với công ty.
Tự hào và kỷ luật là nguồn động lực mạnh mẽ đối với công nhân ngành ô tô Nhật Bản, và đạo đức nghề nghiệp của các kỹ sư, nhà điều hành và công nhân làm việc trên các dây chuyền sản xuất Toyota chính là cô đọng của của tinh thần đó.
Các nhà quản lý doanh nghiệp Nhật thường làm việc 16-18 tiếng mỗi ngày. Sau giờ làm, họ thường cùng sếp ra phố ăn uống rồi tới hộp đêm - nơi mỗi cấp dưới có thể bị yêu cầu uống hết một chai whisky, hút 40 điếu thuốc, và ăn một con cá nóc. Sau đó, họ lảo đảo về nhà vào lúc khoảng 4 giờ sáng, chợp mắt một lúc, rồi quay trở lại công ty làm việc trước khi ánh bình minh ló rạng.
Đây là một quy trình khắc nghiệt, nhưng rất gần với sự thật ở Nhật, và phần nào giải thích tầm quan trọng to lớn mà người lao động Nhật đặt ra cho việc phải làm mọi thứ sao cho thật đúng đắn.
Trình độ kỹ thuật Nhật Bản phản ánh cam kết của người lao động với công ty, và chính cam kết này giữ vai trò trung tâm trong tiêu chuẩn và chất lượng mà nhờ đó Toyota và các công ty lớn khác của Nhật trở nên nổi tiếng toàn cầu.
Làm việc liên tục như vậy 6 ngày mỗi tuần trong 20 năm, bạn sẽ hiểu được một truyền thống khác của người Nhật: karoshi - nghĩa là chết vì làm việc quá sức. Đã có những kỹ sư và công nhân làm việc nhiều tới mức kiệt sức để có thể tạo ra những chiếc ô tô bền bỉ và an toàn.
Trình độ kỹ thuật
Trên phạm vi toàn cầu, Toyota cũng có các chương trình đào tạo và phát triển nhân viên, bao gồm thực tập kỹ thuật. Thông qua các chương trình đó, hãng phấn đấu duy trì và phát triển chất lượng của cả hệ thống sản xuất và sản phẩm cuối cùng. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của các chương trình này là tạo ra những kỹ sư và kỹ thuật viên luôn coi sự hoàn hảo là một tiêu chuẩn để đạt tới, thay vì chỉ là một mục tiêu gây cảm hứng đơn thuần.
Trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp ô tô và các ngành khác, các nhà sản xuất Nhật Bản thường bắt đầu bằng cách sao chép động cơ và hệ thống truyền động của người Mỹ và người Anh, làm chúng trở nên tốt hơn, rồi mới áp dụng những gì đã học được để thiết kế sản phẩm của riêng mình. Tính chính xác luôn là trung tâm trong cách làm này.
Khi có bất kỳ một linh kiện nào chưa chuẩn chỉ - chẳng hạn một ô tô Anh có thể có dung sai vận hành lên tới 0,3 mét theo cả hai chiều, kèm theo một nút điều chỉnh trên bảng điều khiển - người Nhật sẽ tìm mọi cách để làm cho linh kiện đó trở nên hoàn hảo, hoặc gần như hoàn hảo, với dung sai giảm còn chỉ 1/10 milimet.
Sự tỉ mỉ
Toyota bắt nguồn từ một công ty sản xuất máy dệt, và đã phát triển thành hãng xe hàng đầu thế giới. Nhưng không vì lớn mạnh trong ngành ô tô mà Toyota quên mất lĩnh vực hoạt động đầu tiên của mình. Ngày nay, Toyota vẫn sản xuất máy dệt và máy khâu. Ngoài ra, hãng còn sản xuất người máy (robot), tàu thuyền, và nhiều sản phẩm khác.
Mấu chốt của vấn đề là phương pháp tiếp cận của Toyota với máy dệt cũng giống như cách tiếp cận của hãng với các sản phẩm khác: hết sức tỉ mỉ, coi chất lượng tuyệt đối là kim chỉ nam.
Và đây có lẽ là “bí mật” quan trọng nhất phía sau việc Toyota sản xuất ra những chiếc ô tô đáng tin cậy nhất thế giới.