Một nhà máy sản xuất nam châm sẽ giúp Anh, quốc gia chủ trì cuộc đàm phán về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Scotland, đạt được mục tiêu cấm ô tô chạy xăng và động cơ diesel vào năm 2030 và cắt giảm lượng khí thải carbon xuống 0 vào năm 2050.
Việc sản xuất nam châm đất hiếm của Anh đã biến mất vào những năm 1990 khi ngành công nghiệp nhận thấy không thể cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng với sự tăng trưởng nhu cầu khổng lồ, Chính phủ đang muốn đảm bảo đủ nguồn cung.
Mới đây nhất, Chính phủ Anh đã đặt ra kế hoạch để đạt được chiến lược bao gồm chi 850 triệu bảng Anh (1,15 tỷ USD) để hỗ trợ việc triển khai xe điện (EV) và chuỗi cung ứng liên quan.
Nghiên cứu cũng vạch ra cách một nhà máy có thể được xây dựng vào năm 2024 và cuối cùng sản xuất đủ nam châm mạnh để cung cấp 1 triệu EV mỗi năm.
"Chúng tôi đang tìm cách xoay chuyển làn sóng vận chuyển tất cả các loại hình sản xuất này đến Viễn Đông và phục hồi sự xuất sắc trong sản xuất của Vương quốc Anh", một trong những nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên Chính phủ Anh từ chối bình luận về các chi tiết liên quan đến một nhà máy sản xuất nam châm được đề cập.
"Chính phủ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư thông qua Quỹ Chuyển đổi Ô tô (ATF) của chúng tôi để tiến hành các kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng xe điện cạnh tranh toàn cầu ở Anh", một người phát ngôn cho biết.
Hiện công ty đất hiếm Less Common Metals (LCM) của Anh đã tổng hợp nghiên cứu khả thi và đang xem xét tìm kiếm đối tác để cùng xây dựng nhà máy. LCM là một trong những công ty duy nhất bên ngoài Trung Quốc biến nguyên liệu đất hiếm thành các hợp chất đặc biệt cần thiết để sản xuất nam châm vĩnh cửu.
Các nhà sản xuất ô tô sẽ cần nam châm khi họ tăng sản lượng EV ở Anh. Ford cho biết vào tháng trước họ sẽ đầu tư tới 230 triệu bảng Anh vào một nhà máy ở Anh để sản xuất khoảng 250.000 đơn vị điện EV mỗi năm từ giữa năm 2024.
Nam châm đất hiếm làm bằng neodymium được sử dụng trong 90% động cơ EV vì chúng được coi là cách hiệu quả nhất để cung cấp năng lượng.
Những chiếc xe điện có nam châm này cần ít năng lượng pin hơn so với những chiếc xe có nam châm thông thường, vì vậy xe có thể đi được quãng đường xa hơn trước khi sạc lại.
Theo Liên minh châu Âu, một cuộc chạy đua của các nhà sản xuất ô tô nhằm tăng cường xe điện và các quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng gió là do nhu cầu về nam châm vĩnh cửu ở châu Âu tăng gấp 10 lần vào năm 2050.
Sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ rất quan trọng để Anh có thể cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia sản xuất 90% nguồn cung. Chiến lược này phản ánh những nỗ lực tương tự của EU và Mỹ nhằm tạo ra các ngành công nghiệp nguyên liệu thô, chế biến đất hiếm và nam châm vĩnh cửu trong nước.