Cuộc thiên di của xe nhập khẩu giá rẻ
Mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Dựa trên lẽ thường, ô tô nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN đã phải đổ bộ ồ ạt ngay trong năm 2018.
Tuy nhiên, do vướng mắc bởi các thủ tục quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ nên phải đến năm nay, cuộc thiên di của xe nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam mới thực sự diễn ra.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cộng dồn 11 tháng của năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 130.347 ô tô nguyên chiếc từ 12 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt giá trị kim ngạch 2,806 tỷ USD.
Như vậy, tính bình quân mỗi ô tô nhập khẩu về nước trong năm nay có giá trị 21.528 USD.
Đáng chú ý là các loại xe giá thấp nhập khẩu từ 2 nước khu vực Đông Nam Á chiếm đa số cả về lượng lẫn giá trị.
Đơn cử, chỉ tính các loại xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia trong 11 tháng đã đạt con số 117.218 chiếc, chiếm 89,9% tổng lượng xe nhập khẩu từ 12 nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam nhập khẩu xe nguyên chiếc. Tương ứng với đó là mức giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Thái Lan và Indonesia cộng lại đạt 2,072 tỷ USD, chiếm hơn 73,8%. Bình quân mỗi xe nhập khẩu từ 2 nước trong khu vực có giá trị 17.681 USD.
Nếu loại trừ các loại xe nhập khẩu có xuất xứ ASEAN kể trên thì giá trị ô tô nhập khẩu tăng lên rất cao. Ví dụ, sau khi bỏ các loại xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, trong 11 tháng 2019 Việt Nam nhập khẩu 13.129 ô tô nguyên chiếc từ 10 nước và vùng lãnh thổ còn lại với giá trị nhập khẩu lên đến 55.877 USD/chiếc.
“Bẻ lái” trở về lắp ráp trong nước
Quy định về thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của ATIGA giữa các nước thành viên ASEAN đã thúc đẩy nhiều hãng xe vào một quyết định được cho là thức thời hồi năm 2017.
Đơn cử, Toyota đã chuyển mẫu SUV 7 chỗ ngồi Fortuner từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu từ Indonesia để hưởng thuế 0%. Tương tự, Honda cũng nhanh chóng dừng lắp ráp mẫu xe CR-V để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Thế nhưng, cùng thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% thì Chính phủ cũng ban hành đồng thời 2 chính sách mới. Nghị định 116 áp dụng các quy định về thủ tục nhập khẩu và đăng kiểm mới khiến cho hoạt động nhập khẩu ô tô gần như đóng băng suốt giai đoạn nửa đầu năm 2018. Ở chiều ngược lại, Nghị định 125 lại mở ra những cơ hội lớn đối với xe lắp ráp trong nước khi miễn thuế nhập khẩu hàng chục nhóm linh kiện ô tô mà trong nước chưa sản xuất được.
Các chính sách mới đã và sẽ còn góp phần “bẻ lái” đối với nhiều hãng xe đang có nhà máy tại Việt Nam. Toyota là liên doanh đi đầu khi nhanh chóng đưa Fortuner trở về lắp ráp tại Vĩnh Phúc, chỉ giữ lại một phiên bản nhập khẩu từ Indonesia.
Mitsubishi cũng đã nhập khẩu mẫu MPV 7 chỗ cỡ nhỏ Xpander. Tuy nhiên, cùng với các chính sách mới và sức mua mạnh mẽ thậm chí vượt xa kỳ vọng, hãng xe Nhật Bản đã tuyên bố sẽ chuyển Xpander về lắp ráp trong nước.
Và theo tiết lộ, liên doanh Honda cũng đang tính toán đến khả năng lắp ráp CR-V trở lại thay vì tiếp tục nhập khẩu, tương tự với trường hợp Toyota Fortuner.
Rõ ràng, những thay đổi về chính sách nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước đã và sẽ còn tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hãng ô tô tại Việt Nam. Và cũng có thể đây sẽ là một khởi đầu mới cho bước ngoặt của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Bớt “chiều chuộng” xe bán tải
Do đặc thù vừa có thể chở người vừa có thể chở hàng, từ nhiều năm nay, các loại xe đã được hưởng lợi lớn so với xe du lịch, cụ thể là tỷ lệ đóng phí trước bạ thấp hơn rất nhiều.
Chính sách ưu đãi nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và kinh tế cá thể đã góp phần tạo nên giai đoạn phát triển bùng nổ của ô tô bán tải.
Nhưng trên thực tế, đa số cá nhân mua ô tô bán tải song vẫn chỉ sử dụng để chở người thông thường giống các loại xe du lịch (chở người dưới 10 chỗ ngồi). Điều này đã đưa đến quyết định giảm hỗ trợ đối với loại hình ô tô “lai”.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 có hiệu lực từ ngày 10/4/2019 theo đó thay đổi cách tính lệ phí trước bạ đối với ô tô bán tải bằng 60% so với mức thu của xe du lịch. Quy định mới khiến cho lệ phí trước bạ xe bán tải tăng 3 lần so với trước đây lên mức 6%, riêng Hà Nội áp dụng tỷ lệ thu 7,2%.
Việc tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ lên gấp 3 lần, dù vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với xe du lịch, song vẫn sẽ khiến sức mua trên thị trường đối với các loại ô tô bán tải giảm đi đáng kể.
Những cuộc soán ngôi doanh số
Thị trường ô tô Việt Nam năm 2019 đã chứng kiến những cuộc soán ngôi đầy thú vị về sản lượng bán hàng.
Trước năm 2019, có lẽ chưa từng ai nghĩ đến trường mẫu sedan cỡ nhỏ Toyota Vios sẽ bị mất ngôi vương về doanh số. Thế nhưng, điều dường như bất khả thi đó đã bị thay đổi bởi một cái tên lạ lẫm là Mitsubishi Xpander.
Tháng 10/2019, cái tên nằm ở đỉnh bảng xếp hạng xe bán chạy nhất Việt Nam đã được “làm mới” bởi Mitsubishi Xpander thay vì cái tên đầy nhàm chán Toyota Vios.
Đến tháng 11/2019, dù đã rất nỗ lực bằng những chương trình kích cầu song Toyota Vios vẫn chưa thể tái lập vị thế của mình. Mitsubishi tiếp tục nắm giữ ngồi vương xe bán chạy tháng thứ 2 liên tiếp bằng mức sản lượng bán hàng cao hơn 131 chiếc so với mẫu xe đồng hương.
Giai đoạn cuối năm 2019 cũng chứng kiến một cái tên mới trong danh sách xe bán chạy. Gần như ngay sau khi ra mắt thị trường, mẫu sedan cỡ nhỏ Kia Soluto thậm chí đã kịp nhảy lên vị trí xe bán chạy thứ 7 trên thị trường. Mức giá bán thấp gần như ngang với phân khúc cỡ A giúp Soluto trở thành lựa chọn ưu tiên đối với nhiều người tiêu dùng mua xe lần đầu.
Những cuộc ngược dòng doanh số của Kia Soluto, Honda CR-V hay màn lật đổ ngôi vương đầy ngoạn mục của Mitsubishi Xpander cũng đang cho thấy những xu hướng mới trên thị trường ô tô Việt Nam.
Ưu đãi liên tu bất tận
Tháng đầu năm, không khí thị trường ô tô có phần sôi động do vẫn nằm ở giai đoạn trước Tết nguyên đán. Lúc này, một số đại lý ô tô đã thậm chí “ép” người tiêu dùng mua xe theo kiểu “bia kẹp lạc”.
Nhưng từ cuối tháng 2, khi sức mua bắt đầu hạ nhiệt, các hãng xe bắt đầu tiến hành các đợt kích cầu, ban đầu là hình thức quà tặng, sau đó đến giảm giá bán.
Từ nửa cuối năm, khi lượng xe tồn kho ngày càng dày lên trong khi sức mua chưa cho thấy tín hiệu khả quan, các nhà sản xuất và phân phối bắt đầu tung ra những chương trình giảm giá khá sâu.
Thậm chí hãng xe vốn chỉ “quen” tăng giá như Toyota cũng đã chấp nhận vừa giảm giá vừa tặng quà với giá trị lên đến cả trăm triệu đồng. Một số thương hiệu khác cũng áp dụng mức giảm giá khá cao lên đến vài ba trăm triệu đồng.
Đây là hiện tượng khá bất ngờ bởi trước đó, mặt bằng giá bán lẻ các loại ô tô phổ thông đã được kéo xuống đáng kể do xe nhập khẩu ASEAN được hưởng thuế 0% và xe lắp ráp trong nước được ưu đãi thuế linh kiện.
Cuối năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã dự báo tổng sức mua ô tô năm 2019 sẽ tăng khoảng 30%. Nhưng trái với kỳ vọng đầy màu hồng đó, nếu tạm tính đến hết tháng 11/2019 thì sức mua ô tô nói chung chỉ tăng khoảng 14% so với năm trước. Điều này đã phần nào lý giải hiện tượng các hãng xe đua nhau giảm giá, kích cầu gần như xuyên suốt năm 2019.