Tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam năm 2019 đã đạt con số rất đáng nể 322.322 chiếc, tăng trưởng 12% so với năm 2018.
Trong đó, các loại xe du lịch vẫn chiếm đa số với 237.221 chiếc, tăng 20% so với năm 2018; phân khúc xe thương mại đạt 79.911 chiếc, giảm 5,6%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 5.190 chiếc, giảm 27%.
Đáng chú ý là trong bối cảnh tăng trưởng (12%) của toàn thị trường thì các loại xe lắp ráp trong nước (CKD) lại chịu sự sụt giảm 12% so với năm trước đó.
Ngay từ đầu năm, nhiều hãng xe đã sớm nhận ra xu hướng này nên đã liên tiếp tung ra những chương trình kích cầu nhằm kéo người tiêu dùng trở lại.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của ô tô lắp ráp trong nước cũng khó tránh khỏi khi các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ Thái Lan và Indonesia nắm lợi thế rất lớn về giá.
Cũng theo số liệu của VAMA, nếu như sản lượng bán hàng ô tô CKD giảm 12% thì lượng xe nhập khẩu lại tăng đến 82%. Cụ thể, lượng xe CKD bán ra thị trường trong năm 2019 đạt tổng cộng 189.450 chiếc; lượng xe CBU đạt 132.872 chiếc
Việc xe CKD giảm trong khi xe CBU tăng mạnh cũng khiến cho 2019 là năm đầu tiên mà khoảng cách dung lượng giữa 2 nhóm ô tô này được rút lại khá gần nhau.
Lý giải cho hiện tượng này, không gì khác, chính là mặt bằng giá bán lẻ. Sau khi các hãng xe hoàn tất các thủ tục nhập khẩu mới theo Nghị định 116, lượng xe nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN lập tức tăng mạnh. Thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) trở thành một đòn bẩy vững chắc cho cuộc đổ bộ của ô tô CBU xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia.
Không chỉ tăng mạnh trên diện rộng mà xe nhập khẩu năm 2019 cũng chứng kiến những “kẻ thách thức” mới tại thị trường ô tô Việt Nam.
Đơn cử là cái tên hoàn toàn mới Mitsubishi Xpander. Năm vừa qua, mẫu MPV cỡ nhỏ 7 chỗ ngồi của Mitsubishi đạt sản lượng bán hàng đến 20.098 chiếc, nhảy vọt lên vị trí xe bán chạy thứ 2 trên thị trường, chỉ còn chịu thua kém mẫu xe Toyota Vios.
Như vậy, có thể thấy rằng, 2019 chính là năm kém vui của các loại ô tô lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, tình trạng này có thể sẽ không còn kéo dài. Bởi lẽ, trong nỗ lực phát triển công nghiệp ô tô, các hãng xe trong nước đang tăng cường sức mạnh cho nhà máy.
Bên cạnh đó, yếu tố giá thành cũng sẽ dần được giải quyết. Lý do là cùng thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực thì Nghị định 125 cũng được áp dụng. Nghị định 125 của Chính phủ có một số chính sách hỗ trợ tốt ngành công nghiệp ô tô trong nước, chẳng hạn là động thái miễn thuế nhập khẩu cho các loại linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong vòng 5 năm.
Khi lợi thế về linh kiện nhập khẩu miễn thuế đã “thấm” sâu vào giá thành, các loại xe CKD sẽ có giá bán lẻ thấp hơn nữa để cạnh tranh với xe nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN.