Trong lịch sử của ngành công nghiệp ô tô, có nhiều hãng xe từng tự tin rằng họ có thể đánh bại đối thủ. Nhưng mặt khác, thị trường không bao giờ đứng yên mà luôn có sự chuyển động trong các nhu cầu, từ sự hiệu quả và thoải mái, cho tới các xu hướng xe thân thiện với môi trường. Không phải mẫu xe nào và thương hiệu xe nào cũng có được khả năng thích ứng nhanh chóng với những nhu cầu đó.
Kết quả là, có những hãng xe tiếp tục tồn tại và phát triển, và cũng có những hãng xe bị nhấn chìm trong dòng chảy lịch sử.
Dưới đây là 15 thương hiệu ô tô phải chấm dứt hoạt động kể từ khi thế kỷ 21 bắt đầu, theo trang Hot Cars:
Plymouth
Plymouth được thành lập vào năm 1928, với tư các một bộ phận của hãng xe Mỹ Chrysler. Thương hiệu này đã gặt hái được nhiều thành công trong thập niên 1940 và 1950, chủ yếu nhờ những mẫu xe hiệu năng với giá phải chăng, cạnh tranh với xe do Ford và General Motors (GM) sản xuất. Vào tháng 6/2001, Daimler-Chrysler đã “khai tử” Plymouth.
Matra
Matra là một hãng xe thể thao của Pháp có quan hệ gần gũi với hãng Renault. Ra đời năm 1945, Matra dừng hoạt động vào năm 2003. Ngoài xe thể thao, Matra còn tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như vũ khí, phân phối sản phẩm âm nhạc, và thậm chí cả hàng không vũ trụ.
Oldsmobile
Vào giữa thế kỷ 20, có một giai đoạn mà GM kiểm soát một nửa thị trường ô tô Mỹ thông qua nhiều thương hiệu như Pontiac và Buick. Trong giai đoạn đó, Oldsmobile nằm ở phân khúc giữa hai thương hiệu này của GM. Oldsmobile là thương hiệu được thành lập vào năm 1897 bởi Ransom E. Olds. Sau hơn 1 thế kỷ hoạt động, Oldsmobile giải thể vào năm 2004 do thị phần giảm sút xuống mức thấp.
Rover
Rover là một trong những hãng xe lâu đời nhất thế giới, được thành lập vào năm 1878 tại Anh. Sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng này là chiếc Land Rover. Trong suốt chiều dài lịch sử, Rover đã thuộc quyền sở hữu của nhiều công ty mẹ khác nhau, như BMW và MG. Cuối cùng, Rover đã sáp nhập thành Jaguar Land Rover vào năm 2013.
Marcos
Jem Marsh và Franc Costin mở một công ty sản xuất ô tô thể thao vào năm 1959 ở Kenilworth, Anh, và đặt tên công ty là Marcos. Giấc mơ của hai nhà sáng lập là tạo ra những mẫu xe chạy nhanh nhất thế giới. Trong thời gian tồn tại, Marcos đã tung ra được hơn một chục mẫu xe. Năm 2007, hãng phải giải thể và thanh lý tài sản để có tiền trả nợ.
Hummer
Hành trình của Hummer bắt đầu vào năm 1992, khi thương hiệu này bắt đầu tung ra thị trường phiên bản dành cho đường phố của chiếc xe quân sự Humvee. 6 năm sau đó, GM mua lại Hummer, và các mẫu H2 và H3 của Hummer được đưa vào hạng mục xe tải của GM. Nhưng Hummer không tồn tại được lâu, bị “khai tử” vào năm 2010, do nhiều vấn đề về tài chính mà thương hiệu này gây ra cho GM.
Saturn
Saturn được thành lập vào năm 1985 với tư cách một công ty con của GM. Thương hiệu này được biết đến rộng rãi nhờ khẩu hiệu quảng cáo “different kind of car company” (tạm dịch: “một kiểu công ty ô tô khác”) hồi thập niên 1980 và 1990. Saturn giải thể vào năm 2010 sau một thời gian đối mặt với doanh số sa sút.
Pontiac
Trong số các thương hiệu ô tô bị “khai tử” từ đầu thế kỷ 21 tới nay, Pontiac là một trường hợp đáng tiếc. Hãng này từng có nhiều mẫu xe tốt với giá cả phải chăng như chiếc GTO. Pontiac dừng hoạt động vào năm 2010, sau khi chiếc G6 cuối cùng rời dây chuyền sản xuất.
Jensen
Jensen ra đời năm 1922 và giải thể vào năm 2011. Mẫu xe Interceptor sản xuất hoàn toàn thủ công mà hãng trình làng vào năm 1966 đã từng rất nổi tiếng.
Mercury
Trong những năm hoạt động, Mercury là một bộ phận của hãng Ford, chuyên tập trung vào những mẫu xe ở hạng dưới của phân khúc cao cấp. Sau 70 năm tồn tại, Mercury bị đóng cửa vào năm 2011 sau khi Ford được tư vấn đi đến quyết định như vậy. Mercury bị xem “hy sinh” vì sự tồn tại của các thương hiệu Ford và Lincoln.
Panhard
Panhard thành lập vào năm 1887 và đã tồn tại hơn 1 thế kỷ cho tới khi dừng hoạt động vào năm 2012. Sau đó, thương hiệu xe Pháp này được hãng xe đồng hương Renault mua lại, rồi cuối cùng sáp nhập vào bộ phận xe tải quân sự của Renault để tạo thành một công ty mới có tên Arquus vào năm 2018.
Saab
Saab ra đời năm 1945 với tư cách một công ty sản xuất ô tô trực thuộc Saab AB - một tập đoàn thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng của Thụy Điển. Saab đã có một số mẫu xe ăn khách, nhưng cuối cùng lâm cảnh phá sản vào năm 2012 và toàn bộ tài sản của hãng đã bị thâu tóm bởi một công ty ô tô điện Thụy Điển.
TVR
TVR là hãng xe Anh quốc thành lập năm 1946, chuyên sản xuất xe thể thao cao cấp. Có thời điểm, đây là hãng xe thể thao chuyên biệt lớn thứ ba thế giới. TVR dừng hoạt động vào năm 2012, và sau đó 1 năm, công ty được bán lại cho chủ mới - những người có ý định đưa TVR trở lại vào một thời điểm thích hợp.
Fisker
Fisker là một hãng xe tư nhân không tồn tại lâu: thành lập năm 2007 và giải thể vào năm 2013. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, vào 2016, Fisker đã được “hồi sinh” bởi một công ty do chính nhà sáng lập hãng, ông Henry Fisker, lập nên. Trước khi dừng hoạt động năm 2013, Fisker mới chỉ ra mắt được một mẫu xe duy nhất là chiếc Karma lấy cảm hứng từ công nghệ định lượng. Khi xuất hiện, chiếc xe đã khiến tất cả mọi người trong khán phòng cảm thấy choáng ngợp vì mức giá triệu USD của nó.
Holden
Holden được thành lập vào năm 1856 với tư cách một doanh nghiệp nhỏ ở Nam Phi, bởi anh em James và Alexander Holden. Ban đầu, Holden chuyên cung cấp toa xe ngựa và yên ngựa. Sau đó, anh em nhà Holden sang Mỹ và hợp tác với GM khi hãng này mới thành lập. Vào cuối năm 2013, Holden tuyên bố sẽ dừng sản xuất ô tô. Đầu năm nay, GM cho biết sẽ chính thức “khai thử” Holden vào năm 2021.