Chiếc xe mang tính cách mạng và đã trở thành huyền thoại này được sản xuất lần đầu vào năm 1908 bởi hãng Ford Motor Company ở Detroit, Michigan - thành phố cho tới ngày nay vẫn là thủ phủ của công nghiệp ô tô Mỹ. Sự xuất hiện của Ford Model T ngay lập tức thay đổi quan niệm của thế giới về đi lại bằng ô tô.
Đây là một trong những chiếc ô tô giá cả phải chăng đầu tiên được sản xuất hàng loạt. Trên thực tế, giá của Model T rẻ đến nỗi chiếc xe góp phần quan trọng vào việc tạo ra cuộc cách mạng về việc sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển. Hiệu năng của Model T không có gì “khủng khiếp”, ngay cả so với những mẫu xe cùng thời. Động cơ 2,9 lít gồm 4 xilanh chỉ cho công suất 20 mã lực và vận tốc tối đa của chiếc xe chỉ đạt 45 dặm (hơn 72 km)/giờ, nhưng chừng đó cũng đủ để người tiêu dùng xếp hàng chờ tới lượt mua.
Một phương tiện trước đó tưởng như quá cao siêu và đắt đỏ đột nhiên trở nên trong tầm tay. Ngày càng có nhiều người tính đến chuyện sở hữu ô tô, điều mà họ chưa từng nghĩ tới. Tất cả đều nhờ mức giá phải chăng của Model T, và đó chính là cách mà chiếc xe này thay đổi thế giới.
Khi Model T xuất hiện, nhiều người mới dám nghĩ chuyện mua ô tô. Khi đã có một chiếc Model T, việc đi lại cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn trước nhiều. Sở hữu xe hơi không còn là “đặc quyền” của tầng lớp tinh hoa, ô tô là thứ người ta dễ dàng bắt gặp trên phố. Hầu như gia đình nào ở Mỹ cũng có một chiếc Model T. Một cuốn sách lịch sử nói rằng việc sản xuất hàng loạt ModelT “trực tiếp giúp người Mỹ ở các vùng nông thôn có sự kết nối tốt hơn với phần còn lại của đất nước”, và từ đó dẫn tới sự ra đời hệ thống đường cao tốc được đánh số của nước này.
Sau khi nhanh chóng trở thành cỗ máy được ưa thích nhất ở Mỹ, Model T được gán cho nhiều biệt danh (nickname). Trong số này, biệt danh gắn bó với chiếc xe lâu hơn cả là “Tin Lizzie” (“Lizzie Kẽm). Ngoài ra, còn có những nickname khác như Leaping Lena, Jitney hay Flivver. “Lizzie” là một cái tên mà người Mỹ thường dùng để đặt cho những con ngựa. Cho dù được gọi là gì, Model T đã trở nên phổ biến với một tốc độ khó tin.
Thiết kế của Ford Model T rất đặc trưng và không thể nhầm lẫn với một chiếc xe nào khác, khiến nó được nhận ra ngay lập tức, ngay cả ở thời điểm hiện nay. Ở thời điểm năm 1908, thiết kế của Model T thể hiện một tư duy hiện đại, tiên tiến. Ban đầu, thân xe được làm chủ yếu bằng gỗ và được phủ bằng một tấm kim loại mỏng. Tuy nhiên, thiết kế này hoàn toàn phù hợp với tốc độ của chiếc xe.
Sự ra đời của Model T là một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với Ford. Hoạt động chế tạo và sản xuất xe của hãng tăng vọt bởi tiếng vang mà mẫu xe này tạo ra dẫn tới doanh số bùng nổ. Mọi thứ đều diễn ra nhanh chóng và thương hiệu Ford thực sự bắt đầu được định nghĩa bởi thành công của Model T.
Từ lúc này, thương hiệu trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Ford. Bởi vậy, Ford muốn tất cả nhân viên của mình đều phải làm một việc đúng đắn để góp phần phát triển thương hiệu Ford. Vì lý do đó, tất cả mọi công nhân viên của Ford đều buộc phải ký vào một bản cam kết nói rằng họ sẽ mua ngay một chiếc Model T khi nào họ có thể.
Rõ ràng, bộ phận khởi động kiểu quay tay (crank starter) không phải là thứ được lòng nhiều người, bởi sự thiếu thuận tiện mà nó gây ra. Cần quay tay của Model T thậm chí còn khó sử dụng hơn. “Cần khởi động này có thể rất nguy hiểm, nó có thể bật ngược trở lại và khiến bạn gãy tay như chơi. Trong một số trường hợp, chiếc cần có thể bắn ra khỏi chiếc xe như một tên lửa vậy”, trang Car Throttle miêu tả.
Nhưng lạ thay, khi các phiên bản sau của Model T có tùy chọn nâng cấp lên bộ phận khởi động bằng điện, nhưng lại chẳng có mấy khách hàng chọn lựa. Tùy chọn này đòi hỏi người mua Model T phải chi thêm tiền, trong khi người tiêu dùng nói chung bị hấp dẫn nhiều hơn bởi mức giá thấp nhất của chiếc xe.
Khi nói về sự linh hoạt công dụng, chắc chắn không có mẫu xe nào cùng thời bì kịp Mode T. Chiếc xe này được thiết kế để làm được tất cả những điều tuyệt vời mà một cỗ máy ở thời đó có thể làm. Vào thời điểm năm 1908, lao động chân tay là một thực tế của cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, nhiều người đã dựa vào chiếc Model T của mình để không chỉ di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác.
Chiếc xe còn được sử dụng để ủi tuyết, kéo cối xay ngũ cốc, kéo cưa, làm máy kéo… Những cuốn tạp chí thời đó còn đăng những bài báo hướng dẫn mọi người cách thức chính sửa Model T để làm những công việc khác nhau. Do hữu dụng như vậy, Model T là chiếc xe mà bất kỳ gia đình Mỹ nào cũng cảm thấy cần. Trong chưa đầy 20 năm Model T được sản xuất, có 16,5 triệu chiếc được bán.
Sau khi xem nhiều hình ảnh của Model T, bạn có thể rút ra một điều rằng chiếc xe này không có bất kỳ đồng hồ hiển thị thông tin nào. Thật khó tưởng tượng việc lái một chiếc xe mà không có đồng hồ tốc độ, đồng hồ cây số, hay đồng hồ báo mức nhiên liệu. Nhưng sự thật là trước mặt tài xế lái một chiếc Model T chỉ có duy nhất chiếc vô lăng.
Một trong những sự thật thú vị nhất về Model T là ảnh hưởng của chiếc xe này đối với hoạt động sản xuất tại nhà máy của Ford. Thành công lớn tới mức không thể tưởng tượng được mà Model T mang lại cho Ford đi kèm với một vấn đề: dây chuyền sản xuất của hãng bị quá tải. Và Henry Ford đã đi đến một giải pháp “lạ” để giải quyết.
Lúc đầu, Model T có nhiều lựa chọn màu sắc. Người mua có thể chọn một trong các màu sơn xe là xám, xanh dương, đen, đỏ, hay xanh lá. Khi nhận thấy phải đẩy nhanh việc sản xuất, Henry Ford dừng hoàn toàn việc cho phép chọn màu. Ông có một tuyên bố về quyết định này: “Bất kỳ khách hàng nào cũng có thể tự mang chiếc xe của mình đi sơn màu mà họ thích, miễn sao chiếc xe có màu đen”.
Cái tên của mỗi sản phẩm đều ẩn chứa một câu chuyện. Cái tên Model T cũng là một câu chuyện thú vị và hàm chứa nhiều ý nghĩa. Ban đầu, Henry Ford đặt tên các mẫu xe của ông theo thứ tự bảng chữ cái Alphabet, đầu tiên là Model A, rồi đến Model B… Mỗi mẫu xe mới đều được nâng cấp và cải thiện so với mẫu trước. Đến Model T - chiếc xe là đỉnh cao của thành công và khẳng định tên tuổi của Ford - quy trình đặt tên này chính thức dừng lại.
Với thành công lớn như vậy của Model T, cũng như tầm ảnh hưởng của nó trong ngành công nghiệp ô tô, bạn có thể cho rằng chiếc xe đã được quảng cáo nhiều. Nhưng thực tế lại không hề như vậy: Henry Ford đã tạo ra được một sản phẩm có sức hút cực lớn mà không cần tới một chiến dịch quảng cáo nào. Thành công của Model T hoàn toàn đến từ kiểu quảng cáo truyền miệng, sự cân bằng giữa mức giá mềm và tính hữu dụng của chiếc xe. Những yếu tố này đủ để tạo ra mức doanh số đưa Model T làm nên lịch sử.