Trả lời câu hỏi "Xe máy đâm vào ôtô đang đỗ, chủ ôtô có phải bồi thường?", luật sư Đặng Thành Chung, đoàn luật sư Hà Nội cho biết:
Thứ nhất, về quy định đỗ xe, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nếu chỉ căn cứ vào việc đoạn đường không có biển cấm đỗ xe là chưa đủ để kết luận tài xế đỗ xe đúng luật hay chưa. Bởi lẽ, luật còn có nhiều quy định khác khi đỗ xe như phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác, phải đỗ sát mép đường, không cách hè phố, lề đường quá 0,25 mét, không che khuất biển báo, đỗ cách xe đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét, không đỗ ở miệng cống thoát nước...
Thứ hai, về quy định bồi thường thiệt hại, Bộ luật dân sự 2015 quy định ai có hành vi xâm phạm tài sản, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại kkhoong phải bồi thường nếu thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Bộ luật dân sự 2015 quy định Nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (phương tiện giao thông vận tải cơ giới là một nguồn nguy hiểm cao độ) như sau:
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Căn cứ vào các quy định trên, có 2 trường hợp xảy ra liên quan đến vấn đề bồi thường của chủ ôtô như sau:
Trường hợp thứ nhất: Cả hai bên cùng có lỗi. Trường hợp này hai bên phải bồi thường đối với phần lỗi tương ứng hoặc có thể thỏa thuận việc bồi thường.
Trường hợp thứ hai: Lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển xe máy. Trường hợp này, chủ xe ôtô không phải bồi thường thiệt hại.
Theo các thông tin trong bài viết, chủ xe ôtô chỉ nói đã đỗ xe gọn gàng, còn việc đã tuân thủ quy định về khi đỗ xe như có tín hiệu cảnh báo, biển báo nguy hiểm khi đỗ xe chiếm phần đường xe chạy, vị trí đỗ xe theo Điều 19 Luật Giao thông đường bộ chưa rõ ràng. Trong khi đó người đi xe máy có dấu hiệu cơ thể "nồng nặc mùi cồn". Do đó, trường hợp này chưa thể loại trừ lỗi xảy ra từ cả hai bên, chủ xe ôtô vi phạm quy định về đỗ xe, còn người điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn vượt mức quy định khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, chủ xe ôtô đã chủ động gọi điện cho cơ quan chức năng, công an 113, CSGT và CSKV đang tiến hành công việc điều tra. Do đó, cần chờ kết luận của cơ quan chức năng về xác định lỗi và hậu quả trong vụ việc này.
Nếu hai bên có lỗi, gây hậu quả chết người hoặc gây thương tích tỷ lệ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự. Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bên có lỗi phải chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.