Tổng giám đốc (CEO) tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản Nissan, ông Hiroto Saikawa, tuyên bố từ chức sau khi một cuộc điều tra nội bộ phát hiện những tài liệu bị làm sai lệch khiến khoản thù lao của ông trong năm 2013 tăng thêm khoảng 900.000 USD. Sự việc này đẩy Nissan chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng nổ ra sau vụ bắt giữ cựu Chủ tịch hãng, ông Carlos Ghosn, vào năm ngoái.
“Ông Hiroto Saikawa gần đây đã thể hiện quan điểm sẵn sàng từ chức”, Nissan nói trong một tuyên bố ra ngày 9/9. “Sau khi thảo luận, Hội đồng Quản trị đã đề nghị ông rời cương vị Tổng giám đốc công ty từ ngày 16/9 và ông đã đồng ý”.
Thời điểm khó khăn của Nissan
Nissan cũng cho biết Giám đốc hoạt động (COO) Yasuhiro Yamauchi sẽ tạm thời đảm nhiệm ghế CEO thay ông Saikawa và hãng dự kiến sẽ bổ nhiệm CEO mới trước tháng 10.
Tuần trước, ông Saikawa đã thừa nhận được hưởng thù lao cao hơn mức lẽ ra ông đáng được nhận. Trong một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 9/9, ông nói muốn giải quyết xong các vấn đề của công ty trước khi từ chức, đồng thời xin lỗi vì chưa làm được việc này. Ông cũng hứa sẽ trả lại khoản thù lao đã nhận thừa từ Nissan.
Lời thú nhận về khoản thù lao vượt mức của ông Saikawa, được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, có nguy cơ kéo dài cuộc khủng hoảng xảy ra ở Nissan, hãng xe lớn thứ nhì đất nước mặt trời mọc, kể từ vụ bắt giữ ông Ghosn vào tháng 11 năm ngoái.
“Việc này xảy ra vào một thời điểm rất khó khăn”, nhà phân tích Michelle Krebs của Autotrader nhận xét. “Nissan đã có quá nhiều việc để làm, và không có một đội ngũ lãnh đạo vững vàng, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”.
Trước khi trở thành CEO của Nissan vào tháng 4/2017, ông Saikawa đã có sự nghiệp 40 năm ở Nissan. Trước đó, ông giữ vai trò đồng CEO với ông Ghosn từ tháng 11/2016.
Nissan cho biết cuộc điều tra nội bộ của hãng - ban đầu nhằm vào ông Ghosn và ông Greg Kelly, một thành viên Hội đồng Quản trị - phát hiện thấy vấn đề của ông Saikawa bắt đầu khi ông phàn nàn về thù lao của mình vào năm 2013.
Một bản tóm tắt dài 5 trang của báo cáo sau cuộc điều tra nói trên đã được Nissan công bố ngày 9/9. Trong đó nói rằng sau khi ông Saikawa phàn nàn, các nhà điều hành của Nissan không điều chỉnh lương thưởng tiền mặt của ông, nhưng thực hiện các điều chỉnh đối với một khoản thưởng cổ phiếu khiến ông được nhận thêm 96,5 triệu Yên, tương đương khoảng 900.000 USD.
Loạt sai phạm của Ghosn
Tính chung, Nissan tin rằng ông Ghosn và ông Kelly đã che đậy tổng số tiền khoảng 327 triệu USD trả quá cho chính họ và các nhà điều hành khác của Nissan, trong đó có 187 triệu USD là những khoản chi trả không được công bố và 140 triệu USD là khoản chi sai.
“Đây là một số tiền lớn, và Nissan hoàn toàn có ý định theo đuổi tất cả các thủ tục pháp lý, bao gồm đòi bồi thường”, tuyên bố của Nissan cho biết.
Nissan không có ý định trừng phạt hay yêu cầu chịu trách nhiệm bất kỳ ai khác hưởng lợi từ hành vi của Kelly và Ghosn. Hãng nói rằng “không có lý do nào để cho rằng bất kỳ cá nhân nào trong số này thông đồng với hành vi sai trái”. Tuy nhiên, hãng đề nghị những người hưởng lợi từ những khoản trả quá này trả lại số tiền dư, “cho dù họ có biết hay không biết về hành vi sai trái đó”.
Cũng theo báo cáo của Nissan, số tiền trả vượt mức nói trên bao gồm 84,8 triệu USD tiền mặt và 21,2 triệu USD cổ phiếu mà ông Ghosn nhận được.
Báo cáo còn nói rằng cuộc điều tra xác nhận việc ông Ghosn đã sử dụng nhiều tài sản công ty cho mục đích cá nhân, bao gồm các bất động sản có tổng trị giá 27 triệu USD ở Beirut và Rio de Janeiro; khoản tiền 750.000 USD chuyển cho em gái của ông Ghosn như một phần trong một “hợp đồng ‘ma’ về tư vấn”; cũng như việc ông sử dụng máy bay và tiền công ty cho người thân trong gia đình.
Ông Ghosn, người hiện đang bị tạm giam chờ ngày xét xử, đã bác bỏ tất cả những cáo buộc nhằm vào ông.
Số phận liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi
Nhà phân tích Krebs nói rằng việc ông Saikawa từ chức không phải là điều gây ngạc nhiên. Tuy vậy, vụ từ chức này làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của Nissan cũng như liên doanh toàn cầu của hãng này với hãng xe Pháp Renault và hãng xe Nhật Mitsubishi. Ông Ghosn là “kiến trúc sư” của liên minh này và đã giữ vai trò Chủ tịch của liên minh.
“Những câu hỏi lớn nhất là Nissan sẽ làm gì từ giờ trở đi? Và điều gì sẽ xảy ra với liên minh?” bà Krebs nói. “Trước đây, liên minh này có vẻ hoạt động rất tốt, nhưng rồi ông Ghosn bị bắt và tất cả mọi chuyện bên trong liên minh bị lộ ra”.
Vụ bắt Ghosn đã khui ra căng thẳng ngày càng lớn giữa Renault và Nissan về cấu trúc của liên minh, đặc biệt là về quyền bỏ phiếu. Hãng xe Pháp là cổ đông lớn nhất của Nissan và có quyền bầu, trong khi Nissan là cổ đông lớn thứ nhì của Renault nhưng lại không có quyền bầu.
Liên minh Renault, Nissan và Mitsubishi đã được xây dựng trong 2 thập qua và được coi là một trong những liên minh thành công nhất trong lịch sử công nghiệp ôtô thế giới. Nissan và Chính phủ Pháp mỗi bên nắm cổ phần 15% trong Renault. Về phần mình, Renault nắm cổ phần 43% trong Nissan.