Sự trung thực này có thể giúp Nissan vớt vát chút thiện cảm của công chúng Nhật Bản và các công tố viên - những người cáo buộc hãng và Ghosn có hàng loạt sai phạm về tài chính liên quan đến các khoản lương, thưởng của ông cựu Chủ tịch. Tuy nhiên, việc Nissan thừa nhận những vấn đề ở đỉnh cao nhất của công ty cũng khiến hãng phải trả một cái giá không hề rẻ, và có nguy cơ trở thành một “mỏ vàng” cho giới luật sư vốn quen với việc kiếm hàng triệu USD từ các vụ kiện doanh nghiệp.
Nissan “tự bắn vào chân mình”?
Một quỹ lương hưu có tên Jackson County Employees’ Retirement System ở bang Michigan của Mỹ đã đâm đơn kiện Nissan lên một tòa án liên bang ở bang Tennessee. Quỹ cho biết nắm 14.000 cổ phiếu Nissan và giá trị số cổ phiếu này đã sụt giảm một nửa kể từ khi Nissan thừa nhận công bố thấp hơn thực tế thù lao trả cho ông Ghosn và đưa ra những tuyên bố không đúng sự thật về quản trị công ty.
Theo ông Darren Robbins - một trong những luật sư của Jackson County Employees’ Retirement System - vụ kiện của quỹ lương hưu này có thể trở thành một vụ kiện tập thể của tất cả các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Nissan tại Mỹ. Ông Robbins cho rằng, trong lúc Nissan tìm cách hướng mũi dùi dư luận chống lại Ghosn, thì chính hãng cũng đối mặt với nghĩa vụ pháp lý lớn.
Nói cách khác, có thể Nissan đang “tự bắn vào chân mình”.
“Họ đã thừa nhận nhiều thành tố trong tội gian lận chứng khoán”, ông Robbins nói. “Điều này cho thể giúp ích cho công ty trong cuộc đấu với Ghosn, nhưng cũng có thể đẩy họ vào thế bất lợi xét trên phương diện luật chứng khoán”.
Những tổn thất đối với Nissan nhiều khả năng còn tăng lên. Hãng có thể đã phải trả hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD để tự vệ trong vụ kiện trên. Hãng có đối mặt nguy cơ bị kiện ở Nhật Bản, dù các vụ kiện chứng khoán ở đất nước mặt trời mọc là khá hiếm và không nặng nề như ở Mỹ. Chưa kể, hãng còn có thể chịu sự trừng phạt của cơ quan chức năng ở cả hai nước.
Nissan không phải là công ty đầu tiên và duy nhất bị kiện vì lý do nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu mất tiền. Ở Mỹ, các vụ kiện như vậy thường được giải quyết bằng cách doanh nghiệp bồi thường cho nhà đầu tư để tránh phải ra tòa, nhưng mức bồi thường không lớn. Theo dữ liệu của Trường Luật Stanford, trong thời gian từ 1996-2017, có 1.700 vụ kiện chứng khoán ở Mỹ được giải quyết bằng thỏa thuận bồi thường, với số tiền bồi thường trung bình là 8,6 triệu USD.
Tuy nhiên, số tiền bồi thường có thể tăng mạnh trong những vụ kiện có sự vi phạm quá đáng về trách nhiệm của công ty đối với cổ đông. Năm ngoái, công ty dầu khí Petrobras của Brazil phải bồi thường khoảng 3 tỷ USD trong một vụ kiện chứng khoán tập thể ở Mỹ cho rằng công ty này thổi phồng giá trị tài sản và không công bố một vụ bê bối tham nhũng nhiều triệu USD.
Theo các chuyên gia, tiền bồi thường trong vụ kiện của Nissan có thể nhỏ hơn nhiều, nhưng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm có bao nhiêu nhà đầu tư tham gia kiện. Theo luật của Mỹ, tất cả nhà đầu tư mua cổ phiếu Nissan niêm yết tại Mỹ, tức chứng khoán lưu ký, đều có thể tự động trở thành nguyên đơn kiện hãng.
Mặc dù vậy, lượng cổ phiếu này chỉ là một con số nhỏ. Với mục đích tạo một vụ kiện lớn, nhóm luật sư của ông Robbins đang tìm cách đưa cả các nhà đầu tư Mỹ nắm cổ phiếu Nissan niêm yết tại Nhật Bản vào vụ kiện. Những cổ đông này được đại diện bởi một quỹ lương hưu khác đặt ở Rhode Island.
Càng gỡ càng rối
Về phần mình, Nissan đổ phần lớn sai phạm về phía Ghosn, nói rằng ông đã thông đồng với các nhà điều hành cấp cao khác của hãng để che giấu các hành vi này.
Một báo cáo được công bố vào tháng 4 năm nay của một ủy ban độc lập nói rằng kiểm soát nội bộ ở Nissan đã là một mớ hỗn độn trong suốt nhiều năm. Theo báo cáo, Tổng giám đốc (CEO) Hiroto Saikawa của Nissan đã ký những văn bản có thể liên quan đến việc công bố sai về lương thưởng của Ghosn. Báo cáo cũng phát hiện nhiều lần Nissan công bố thông tin sai lệch tới cổ đông, làm sai lệch tài liệu, và có những cuộc họp hình thức chỉ kéo dài trung bình 20 phút đồng hồ.
Giáo sư luật Adam Pritchard thuộc Đại học Michigan cho rằng báo cáo này, dù có thể giúp Nissan ghi điểm về lòng trung thực và hối cải, nhưng cũng khiến nỗ lực của công ty trong việc bảo vệ mình gặp khó khăn lớn hơn.
Theo ông Pritchard, một trong những điều kiện quan trọng nhất để thắng trong các vụ kiện chứng khoán ở Mỹ là bên nguyên đơn phải chứng minh được rằng công ty cố tình phạm luật. Một công ty được cho là cố tình phạm luật nếu một thành viên hội đồng quản trị cố tình phạm luật.
Thách thức đối với Nissan hiện nay là làm thế nào để Ghosn gánh hết tội và gỡ bỏ trách nhiệm cho các nhà điều hành hiện nay của hãng. Trong một báo cáo gửi tòa án, Nissan lập luận rằng bản báo cáo độc lập tháng 4 chứng minh ông Saikawa không hay biết về “sự gian lận được che đậy kỹ lưỡng” của ông Ghosn.
Nhưng chính cách lập luận như vậy lại đẩy Nissan vào thế bất lợi. “Rất hiếm khi các công ty nói rằng họ được điều hành bởi một tên tội phạm. Cho dù họ nghĩ người đó là kẻ xấu”, ông Pritchard nói. “Nói vậy chẳng khách gì đề nghị công lý được thực thi ở Mỹ”.
Theo luật của Mỹ, nếu chịu hợp tác với nhà chức trách, doanh nghiệp bị kiện có thể được hoãn truy tố hoặc giảm nhẹ tội danh.
Theo ông Nicholas Benes, chuyên gia thuộc Viện Đào tạo thành viên hội đồng quản trị Nhật Bản, nếu chấp nhận ra tòa, nhiều khả năng Nissan sẽ nhận tội trong vụ kiện ở Mỹ. “Nếu bạn nhận tội, bạn sẽ được xử nhẹ và sớm thoát khỏi vụ kiện”, ông Benes nói.
Nhưng nếu làm vậy, thì Nissan sẽ tự đẩy mình vào một rắc rối mới. Bất kỳ một sự nhận tội hay bằng chứng nào trong phiên tòa xét xử có thể được sử dụng để chống lại Nissan trong các vụ kiện dân sự ở Nhật mà hãng có thể phải đối mặt trong tương lai.
Thông thường, những công ty như Nissan thường mua sẵn bảo hiểm để bảo vệ mình và lãnh đạo công ty trước các vụ kiện tập thể và nghĩa vụ pháp lý khác. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo hiểm đó thường không bao gồm những tình huống mà công ty hoặc lãnh đạo công ty bị phát hiện gian lận. Trong những trường hợp như vậy, bị đơn có thể phải tự bỏ tiền túi ra để trang trải.
Tóm lại, để thoát khỏi Ghosn, Nissan tự đặt mình vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, càng gỡ càng rối.
Nỗ lực lấy lại niềm tin
Các nhà đầu tư cổ phiếu Nissan ở Nhật Bản có thể cũng đang tính kiện Nissan, nhưng một vụ kiện như vậy ở Nhật sẽ không gây nhiều thách thức cho Nissan như vụ kiện ở Mỹ. Ở Nhật, các nhà đầu tư không được tự động đưa vào các vụ kiện chứng khoán tập thể như ở Mỹ.
Theo giới chuyên gia, nếu có kiện Nissan, các nhà đầu tư Nhật Bản làm vậy không phải vì tiền mà để thể hiện sự giận dữ với công ty này.
Nissan có vẻ đã nhận thức được vấn đề và đang có những nỗ lực để tự vệ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng trước, bà Keiko Ihara, một thành viên độc lập trong Hội đồng Quản trị Nissan, cho biết công ty “phải khôi phục niềm tin của cổ đông” để tránh bị kiện thêm.
“Chúng tôi đang đi theo hướng đó”, bà Ihara cho hay.