Thế chân kiềng ở ngành ô tô Việt Nam

Thaco, Toyota và TC Motor đang tạo nên thế chân kiềng ở ngành ô tô Việt Nam khi cùng nhau áp đảo phần còn lại về doanh số.

Thị trường ô tô Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn bởi những biến động ở các hãng xe dẫn đầu.
Thị trường ô tô Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn bởi những biến động ở các hãng xe dẫn đầu.

Áp đảo doanh số

Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cộng dồn 9 tháng năm 2019, Toyota đã bán ra thị trường tổng cộng 56.805 xe, tăng đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ tính 3 thương hiệu đang lắp ráp trong nước gồm Kia, Mazda và Peugeot, tổng sản lượng bán hàng các loại ô tô du lịch của tập đoàn Thaco cũng đã đạt con số 48.372 chiếc. Nếu tính thêm các thương hiệu nhập khẩu là BMW và MINI, Thaco sẽ nghiễm nhiên trở thành hãng chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.

Với TC Motor, thương hiệu quản lý mảng ô tô của tập đoàn Thành Công, động thái “ngắt” hầu hết nguồn xe nhập khẩu để chuyển sang lắp ráp trong nước đã giúp quy mô thị trường ngày càng mở rộng.

Thống kê cho thấy, cũng trong giai đoạn này, TC Motor đã bán ra thị trường tổng cộng 55,473 chiếc ô tô mang thương hiệu Hyundai.

So với các hãng xe còn lại, doanh số của cả Thaco, Toyota và TC Motor đều tạo nên khoảng cách rất xa. Hãng xe có sản lượng bán hàng gần nhất với 3 “đại gia” này là Honda cũng chỉ đạt 23.992 chiếc, tiếp đến là Ford đạt 23.320 chiếc và xa hơn nữa là Mitsubishi với 19.449 chiếc. Sản lượng bán hàng của những hãng xe còn lại đều nằm dưới mốc 10.000 chiếc.

Đáng chú ý là không chỉ nắm giữ thị phần áp đảo, các hãng xe này đều đang cho thấy khả năng tiếp tục bứt tốc của mình sau giai đoạn phát triển rất mạnh vừa qua.

Sải tay rộng của Thaco

Khi đưa 2 thương hiệu Mazda và Kia về lắp ráp và phân phối, Thaco đã chính thức sắm vai “ông lớn” trong ngành ô tô Việt Nam. Thậm chí, với nỗ lực đẩy nhanh doanh số của thương hiệu Mazda nhằm sớm đạt mục tiêu chuyển giao nhà máy và công nghệ từ tập đoàn Mazda Nhật Bản về khu kinh tế mở Chu Lai, Thaco đã tạo nên bước tăng trưởng mạnh mẽ cho thương hiệu này trong suốt 5 năm trở lại đây.

Đến thời điểm hiện tại, cả 2 thương hiệu ô tô du lịch phổ thông Kia và Mazda đều lọt vào nhóm các thương hiệu ô tô lớn tại Việt Nam với tổng lượng xe bán ra thị trường mỗi năm đạt trên dưới 40.000 chiếc. Trong khi đó, ở mảng xe tải nhẹ và xe bus giường nằm, Thaco vẫn hầu như không có đối thủ.

Gặt hái thành công với các thương hiệu xe bus, xe tải, Mazda và Kia, Thaco tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng của mình với việc thâu tóm thêm quyền phân phối và lắp ráp 3 thương hiệu ô tô cao cấp là BMW, MINI và Peugeot.

Thời điểm này, sải tay rộng đã giúp Thaco trở thành một tập đoàn ô tô lớn ở trong nước. Nếu chỉ xét về quy mô, Thaco hiện thời đang nắm giữ vị trí đầu bảng khi cùng lúc nằm trong tay quyền lắp ráp và phân phối 5 thương hiệu ô tô lớn trải dài từ xe phổ thông đến xe hạng sang. Cụ thể, tập đoàn kinh tế trong nước đang một mình “ôm” các thương hiệu gồm Kia, Mazda, BMW, MINI và Peugeot, chưa kể 2 mảng xe truyền thống là xe tải nhẹ và xe bus.

Thương hiệu Mazda đang ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.
Thương hiệu Mazda đang ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.

Người khổng lồ TC Motor vươn vai

Không “ôm” nhiều thương hiệu song TC Motor, bộ phận quản lý mảng ô tô của tập đoàn Thành Công (tương tự Thaco PC thuộc tập đoàn Thaco), cũng vẫn nhanh chóng trở thành một “đại gia” trong ngành ô tô Việt Nam.

Bước ngoặt để TC Motor trở thành một ông lớn thực sự chính là quyết định đi “ngược dòng” thị trường. Trước 2018, trong khi nhiều hãng xe đua nhau chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á nhằm hưởng mức thuế suất 0% thì TC Motor lại gấp rút thu gọn danh mục xe nhập khẩu để chuyển sang lắp ráp trong nước.

Lợi thế về giá, hệ thống phân phối - dịch vụ và danh mục sản dày đặc đã góp phần giúp TC Motor tăng trưởng ngoạn mục trên thị trường. Chưa kể, cùng với Kia và Mazda (thuộc Thaco) thì Hyundai là thương hiệu ô tô được người tiêu dùng Việt Nam ưa chọn bởi thiết kế mới và nhất là các trang bị công nghệ phong phú hơn hẳn so với các sản phẩm đồng hạng.

Cho đến nay, nếu chỉ xét trên từng thương hiệu thì Hyundai do TC Motor lắp ráp và phân phối đứng thứ 2 thị trường, chỉ sau Toyota.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng sau khi thành lập TC Motor, hãng xe này cũng sẽ tạo nên một bước phát triển mới bằng việc mở rộng thêm các thương hiệu mới.

Mẫu SUV 7 chỗ ngồi Hyundai SantaFe do TC Motor lắp ráp.
Mẫu SUV 7 chỗ ngồi Hyundai SantaFe do TC Motor lắp ráp.

Thế lực truyền thống Toyota

Vốn nổi tiếng bảo thủ và tưởng như điều đó sẽ khiến Toyota tụt lùi tại thị trường ô tô Việt Nam. Thế nhưng, cho đến lúc này, thương hiệu ô tô Nhật Bản vẫn đang là một “ông lớn” thực thụ.

Vài năm trở lại đây, xu hướng thiết kế mới và cuộc chạy đua công nghệ đang giúp các thương hiệu ô tô Hàn Quốc bứt tốc mạnh mẽ. Thậm chí, một số hãng xe “đồng hương” Nhật Bản khác mà dẫn đầu là Mazda cũng lao vào cuộc chạy đua công nghệ nhằm phục vụ nhóm khách hàng trẻ thì Toyota vẫn tiếp tục bảo thủ và tự phụ vào những giá trị xưa cũ của mình.

Nhưng suy cho cùng, sự bảo thủ của Toyota không phải không có lý. Ô tô là phương tiện giao thông và là tiêu sản. Bởi vậy, yếu tố bền chắc và giá trị kinh tế khi sử dụng vẫn luôn là một lợi thế lớn. Điều này đúng không chỉ với người tiêu dùng Việt Nam. Điều đó cũng lý giải cho thực tế Toyota tiếp tục nắm giữ ngôi đầu trên thị trường toàn cầu.

Ở thị trường Việt Nam, giá trị bán lại vẫn là ưu điểm số 1 của Toyota khi so sánh với nhiều thương hiệu ô tô khác trên thị trường. Chính giá trị bán lại đang duy trì là một thế lực khó lật đổ để những chiếc xe Toyota thường trở thành lựa chọn ưu tiên đối với những người tiêu dùng mua xe lần đầu hoặc những khách hàng mua xe cho mục đích kinh doanh dịch vụ vận chuyển.

Giá trị bán lại vẫn luôn đem đến lợi thế lớn cho Toyota.
Giá trị bán lại vẫn luôn đem đến lợi thế lớn cho Toyota.

Dẫn dắt thị trường

Với việc nắm giữ quá nửa tổng dung lượng của toàn thị trường, bộ 3 hãng xe này đang tạo nên thế chân kiềng vững chắc cho cả ngành.

Đáng chú ý là cả 3 “đại gia” đều đang hoạt động ở cả mảng lắp ráp trong nước lẫn phân phối xe nguyên chiếc. Do đó, mỗi động thái của các “ông lớn” sẽ luôn tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường. Chỉ cần một cú tăng tốc hay một lần “hắt hơi” của một trong ba chân kiềng cũng có thể khiến thị trường lung lay.

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.