Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường ô tô LMC Automotive, có tổng cộng 90,3 triệu ô tô mới được bán trên toàn cầu trong năm 2019, giảm từ mức 94,4 triệu xe trong năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 95,2 triệu xe thiết lập vào năm 2017.
Khó khăn về doanh số càng làm trầm trọng hơn những thách thức của ngành công nghiệp ô tô, trong lúc ngành này đang phải xoay sở với cuộc dịch chuyển từ động cơ đốt trong sang động cơ điện để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Một số chuyên gia bắt đầu đồn đoán rằng thế giới có thể đã đi qua thời kỳ đỉnh cao của ô tô, nghĩa là nhu cầu ô tô bắt đầu bước vào giai đoạn suy giảm không thể đảo ngược.
Suy thoái công nghiệp ô tô gây ra những ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngành này chiếm 5,7% sản lượng kinh tế và 8% xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Ô tô cũng là ngành tiêu thụ thép và nhôm nhiều thứ nhì.
Cú sốc lớn nhất đối với các hãng sản xuất ô tô trong năm 2019 đến từ Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc sụt tốc mạnh và việc Chính phủ nước này cắt giảm chính sách hỗ trợ người tiêu dùng mua xe điện đã khiến nhu cầu mua xe mới sụt giảm. Dữ liệu của LMC cho thấy doanh số thị trường ô tô Trung Quốc năm 2019 giảm 2,3 triệu xe so với 2018.
Tại Ấn Độ - một thị trường xe lớn khác nơi các hãng xe đã đầu tư mạnh trong những năm gần đây - người tiêu dùng ngần ngại với những khoản chi lớn như mua xe do tình trạng thắt chặt tín dụng và tăng trưởng kinh tế yếu đi.
Tình hình cũng không mấy sáng sủa ở châu Âu, nơi cuộc “ly hôn” giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, và vụ bê bối khí thải của Volkswagen tiếp tục là lý do khiến người tiêu dùng ngại mở ví mua xe và buộc các hãng xe phải xem xét lại các kế hoạch đầu tư.
Sức ép lớn đã dẫn tới một làn sóng hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô. Fiat Chrysler đang tiến hành các thủ tục sáp nhập với PSA, hãng mẹ của thương hiệu Peugeot. Volskwagen bắt tay Ford để phát triển xe chạy điện. Hai hãng xe Đức Daimler và BMW chung tay phát triển mảng chia sẻ xe và xe không người lái.
Nhưng triển vọng năm 2020 của công nghiệp ô tô toàn cầu cũng chẳng mấy sáng sủa. Ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trung Quốc Miao Wei nói rằng năm nay và năm tới sẽ là hai năm rất quan trọng đối với thị trường ô tô nước này. Theo ông Miao, doanh số ô tô ở Trung Quốc có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ trong 2020.
Về phần mình, các chuyên gia của LMC dự báo doanh số thị trường ô tô toàn cầu giảm dưới 90 triệu xe trong năm nay, thấp hơn 0,3% so với năm ngoái.
“Doanh số xe tại các thị trường phát triển như Tây Âu và Mỹ chắc sẽ không có bất kỳ sự hỗ trợ thực sự nào cho tổng doanh số xe toàn cầu”, ông Jonathon Poskitt, Giám đốc dự báo doanh số toàn cầu thuộc LMC, nhận định.
Một câu hỏi đặt ra lúc này là liệu ngành công nghiệp ô tô có thể tăng trưởng trở lại, và nếu có thì khi nào.
Ông Poskitt nói rằng mức doanh số kỷ lục thiết lập vào năm 2017 khó có khả năng được tái lập hay vượt qua trong vài năm tới đây, một phần bởi nhu cầu mua xe suy giảm tại nhiều thành phố lớn đang phải vật lộn với tình trạng tắc đường và ô nhiễm gia tăng. Tại những thành phố như vậy, người tiêu dùng có khuynh hướng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ chia sẻ xe hoặc phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, LMC dự báo nhu cầu tại những khu vực kém phát triển hơn sẽ trở thành nhân tố đưa doanh số ô tô toàn cầu lên mức kỷ lục mới, có thể từ năm 2023.
“Thị trường tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa đạt tới mức bão hòa, và khi thu nhập tăng lên, khả năng sở hữu ô tô cũng tăng”, ông Poskitt nói. “Xét tới mật độ ô tô còn thấp ở Trung Quốc và Ấn Độ, tiềm năng tăng trưởng doanh số vững chắc là vẫn còn, một khi những trở ngại trước mắt lắng xuống”.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe chạy điện có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số. Chưa kể, nhu cầu sở hữu xe hơi cá nhân cũng có thể giảm một khi xuất hiện những đội xe không người lái sẵn sàng cung cấp dịch vụ di chuyển theo yêu cầu.
Trong số những thách thức trước mắt của ngành công nghiệp ô tô, phải kể tới việc phát triển xe chạy điện đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn nhiều hơn so với xe truyền thống, nhưng lại sử dụng ít nhân công hơn và gây rút ngắn mạnh mẽ chuỗi cung ứng. Ít nhất ở châu Âu, các chuỗi cung ứng công nghiệp ô tô đang đứng trước nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng vì Brexit.
“Các hãng xe đang đối mặt những thách thức đòi hỏi họ phải có sự thay đổi cả về mô hình kinh doanh chứ không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật”, IMF nhận định trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 10.