Vài năm trở lại đây, các loại xe đa dụng (SUV, MPV) hay bán tải (pick-up) đang ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Với bán tải, sau thời hoàng kim của Mitsubishi Triton là đến trào lưu Ford Ranger. Với MPV thì đương nhiên Toyota Innova là cái tên không thể không nhắc đến. Ngay ở phân khúc cao cấp hơn thì Kia Sedona cũng đang làm mưa làm gió. Và mới đây nhất thì mẫu MPV cỡ nhỏ Mitsubishi Xpander thậm chí đã có 2 tháng liên tiếp chễm chệ trên ngôi vị xe đắt khách nhất thị trường.
Ở đất nước có đặc thù giao thông đa dạng như Việt Nam thì đương nhiên, SUV là kiểu loại xe không thể bỏ qua. Đây cũng chính là phân khúc có nhiều dư địa nhất để các hãng xe tập trung khai thác. Và đó là câu trả lời cho hiện tại, tất cả các hãng xe phổ thông đều đã và đang cố “chèn” sản phẩm của mình vào phân khúc béo bở này, từ SUV cỡ nhỏ cho đến full-size.
Thậm chí các hãng xe sang vốn nắm lợi thế ở kiểu loại sedan cũng đang giãn ra với truyền thống để lao vào SUV. Ngay như Mercedes-Benz, hãng xe Đức đang tập trung mạnh mẽ vào phân khúc SUV từ cỡ nhỏ như GLA đến cỡ lớn GLE và tới đây, mẫu xe GLS còn được nâng cấp lên siêu sang khi gắn thương hiệu Maybach. BMW cũng tham chiến với đầy đủ các dòng từ X1 cho đến X7 và sắp tới sẽ thêm X8; Audi cũng góp mặt từ “em út” Q2 đến “anh cả” Q8…
Thế nhưng, sedan cỡ B mới thực sự là chiếc bánh béo bở nhất, dễ “thò dĩa” nhất và chắc hẳn trong một thập niên tới, đó vẫn sẽ là “chiếc bánh Thạch Sanh” hễ cắt mất một miếng là lại lập tức được lấp đầy.
Con số ấn tượng
Một năm trở lại đây, danh sách 10 mẫu xe bán chạy trên thị trường luôn xuất hiện ít nhất 2 cái tên thuộc phân khúc sedan cỡ B. Trong đó, Toyota Vios không chỉ là “ông vua” của phân khúc mà còn đứng đầu của cả thị trường. Đứng ngay sau và không thua kém nhiều là đối thủ Hyundai Accent.
Honda City cũng là một đối thủ đầy mạnh mẽ. Có lẽ, nếu Honda Việt Nam chia bớt mối quan tâm từ mảng xe máy sang cho ô tô thì City sẽ chẳng kém cạnh gì. Thực tế là cho dù ít được chăm bẵm song City vẫn thường xuyên lọt vào Top 10 ô tô bán chạy.
Và một bất ngờ khi mới đây nhất, “tân binh” Kia Soluto không những lần đầu tiên lọt vào danh sách đầy tự hào này mà thậm chí còn vượt qua cả đối thủ Honda City để leo lên vị trí thứ 7.
Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ riêng trong Top 10 xe bán chạy nhất tháng 11/2019 thì có đến 4 mẫu sedan cỡ B. Và nếu xét riêng doanh số của danh sách này thì 4 mẫu sedan cỡ B đóng góp đến 6.397 chiếc, chiếm gần 42% tổng sản lượng bán hàng 15.275 chiếc của cả danh sách.
Trong đó, Toyota Vios đứng ở vị trí thứ 2 khi đạt sản lượng bán hàng 2.561 chiếc, Hyundai Accent xếp ngay sau với 1.987 chiếc, Kia Soluto đứng thứ 7 với 1.016 chiếc và Honda City đứng cuối bảng với 833 chiếc bán ra trong tháng 11/2019.
Rõ ràng, cho dù có là trào lưu, cho dù có là xu hướng thì so với sedan cỡ B, chỉ riêng sedan cỡ B, các phân khúc đầy ồn ào như SUV, MPV hay bán tải cũng đều đang có phần lép vế.
“Đặc khu” của thị trường ô tô
Có một điểm rất đáng chú ý là sự áp đảo của phân khúc sedan cỡ B lại đang diễn ra trong bối cảnh kiểu loại ô tô sedan đang dần đi vào thoái trào.
Nếu tính từ thập niên 2000 đổ về trước thì các loại xe sedan luôn thống trị trên thị trường. Thậm chí giai đoạn đó, Toyota Camry còn được xem như một tiêu chuẩn thành đạt của người Việt. “Đàn em” Toyota Corolla Altis cũng không chịu kém cạnh, và nếu chỉ xét trên doanh số, còn vượt qua cả Camry để hầu như mọi thời điểm đều chiếm vị trí xe đắt khách nhất.
Năm 2007, Honda chính thức gia nhập thị trường ô tô Việt Nam bằng cái tên Civic. Ngay lập tức, mẫu sedan hạng C này làm mưa làm gió trên thị trường, nhiều thời điểm vượt qua đối thủ sừng sỏ Toyota Corolla Altis.
Nhưng đến nay, ngay lúc này, thì cả Camry lẫn Corolla Altis đều đã mất hút trên thị trường. Báo cáo bán hàng hằng tháng được VAMA công bố thường không giúp liên doanh Nhật Bản cảm thấy vui vẻ với Camry và Corolla Altis cho dù đã nỗ lực rất nhiều.
Còn với Civic, mẫu xe này đã biến mình trở thành một chú thằn lằn đổi màu khi phát triển chất thể thao trong hình hài của một chiếc sedan nhằm tìm kiếm đối tượng khách hàng mới.
Thoái trào của sedan cũng phần nào được chứng minh khi Ford từ lâu đã loại bỏ Mondeo và mới đây nhất Focus và Fiesta.
Nhưng tại sao phân khúc sedan cỡ B lại vẫn đang béo bở như một “chiếc bánh Thạch Sanh”?
Không khó để nhận thấy hiện tượng thoái trào hầu như chỉ diễn ra ở các phân khúc sedan từ cỡ C trở lên. Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng các dòng xe sedan cũng sẽ được nâng tầm. Các doanh nhân khi cần sử dụng xe sedan sẽ tìm đến những thương hiệu cao cấp hơn, như Mercedes, BMW, Audi hay thậm chí là những thương hiệu siêu sang như Bentley, Rolls-Royce…
Nền kinh tế phát triển sẽ thường tạo nên một khoảng cách, một sự phân biệt mà dân dã hay gọi là “đẳng cấp”. Người giàu sẽ thể hiện mình bằng xe sang còn người có khả năng tài chính vừa phải sẽ chấp nhận việc sử dụng các loại xe thấp hơn hẳn.
Thế nhưng, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn đang quá nhỏ bé với tỷ lệ sở hữu ô tô cực thấp, chỉ khoảng 23 xe/1.000 dân. Do đó, dư địa để phát triển thị trường ô tô là vô cùng lớn.
Điều đó cũng chỉ ra một thực tế là nhu cầu sở hữu xe của người dân là rất lớn. Trong khi đó, ngoài phân khúc xe cỡ A thì sedan cỡ B chính là nhóm xe dễ được người tiêu dùng mua xe lần đầu hoặc khả năng tài chính có hạn dễ tiếp cận nhất.
Các hãng ô tô cũng sớm nhận ra điều này để tranh thủ tiếp cận khách hàng mới. Có thể ví dụ Toyota, hãng xe bị coi là bảo thủ nhất đã liên tiếp kéo mặt bằng giá bán lẻ của Vios xuống thấp. Nếu so với cách đây chứng 5 năm, giá xe Vios đã thấp hơn đến gần 100 triệu đồng, một con số quá hấp dẫn cho dù lúc này, Vios vẫn đang là mẫu xe đắt khách nhất phân khúc.
Sự nhún nhường của Toyota cũng là khó tránh khỏi bởi để thò dĩa vào chiếc bánh sedan cỡ B, nhiều hãng xe đã và đang cùng nhau kéo mặt bằng giá bán lẻ xuống rất gần với hạng xe “cỏ” nhất thị trường.
Minh chứng là Kia Soluto. Hồi giữa tháng 9/2019, không ít người đã phải giật mình bởi khi ra mắt, Thaco đã công bố mức giá bán lẻ của Soluto chỉ từ 389 triệu đồng cho đến cao nhất 445 triệu đồng. Khoảng giá này đã được kéo về gần như tương đương với giá của các loại xe cỡ A như Hyundai Grand i10, Toyota Wigo, Honda Brio, Kia Morning hay VinFast Fadil…
Rõ ràng, cho dù loại hình sedan có đang đi vào thoái trào thì phân khúc cỡ B vẫn đang là một “đặc khu” riêng để trở thành một chiếc bánh Thạch Sanh trong thị trường ô tô còn rộng mênh mông như Việt Nam.
Tuy nhiên, chiếc bánh Thạch Sanh sedan cỡ B hiện nay lại đang hầu như bị chiếm trọn bởi 4 cái tên Toyota Vios, Hyundai Accent, Kia Soluto và Honda City. Trong khi đó, những mẫu xe còn lại như Nissan Sunny, Suzuki Ciaz, Mitsubishi Attrage hay Mazda2 dù vẫn đang cầm dĩa trên tay nhưng chưa thể thực sự nhập cuộc.