Ô tô Việt Nam sắp "ngấm" COVID-19?

Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ, châu Âu đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Còn Việt Nam thì sao, liệu “điểm sáng” VinFast có bù được sản lượng giảm của toàn ngành?

Ngành công nghiệp ô tô của nhiều nước trên thế giới lao đao vì COVID-19
Ngành công nghiệp ô tô của nhiều nước trên thế giới lao đao vì COVID-19

Nhiều thị trường ô tô lớn trên thế giới lao đao

Theo dữ liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, doanh số ô tô ở thị trường này trong tháng 2/2020 đã lao đến 79% xe xuống còn còn 310.000 xe. Đây cũng đã là tháng thứ 20 liên tiếp sức mua ô tô ở Trung Quốc sụt giảm.

Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 cũng khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải đóng cửa một số nhà máy, nguyên nhân một phần do gián đoạn nguồn cung linh kiện, phụ tùng ô tô từ Trung Quốc và doanh số sụt giảm đang diễn ra.

Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cũng đã trải qua một tháng Hai tồi tệ nhất trong 11 năm trở lại đây. Số liệu được tổng hợp từ 5 nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc cho thấy, trong tháng 2/2020, các hãng xeHyundai, Kia, Renault Samsung, Ssangyong và GM chỉ bán được tổng cộng 505.212 xe, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 5 hãng xe chỉ bán được 81.722 sản phẩm tại thị trường trong nước, giảm 21,7%. Trong khi đó, các lô hàng xuất ra nước ngoài giảm 8,6%.

Công nghiệp ô tô châu Âu cũng bắt đầu “ngấm đòn” với COVID-19. Các hãng ô tô và linh kiện lớn tại châu Âu vội vã đóng cửa nhà máy ở Italy và tính đưa nhân viên về nước - một trong những dấu hiệu đầu tiên ở châu thấy dịch Covid-19 bắt đầu gây gián đoạn ngành công nghiệp ô tô vốn dĩ đã gặp khó từ trước của khu vực này.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng linh kiện và số ca nhiễm bệnh tăng nhanh khiến giới chuyên gia tin rằng, chẳng sớm thì muộn ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng sẽ “chịu trận”. Những ca nhiễm Corona đầu tiên ở Michigan, bang chiếm ít nhất 17% sản lượng công nghiệp ô tô Mỹ, là diễn biến đặc biệt gây lo ngại.

Có thể thấy, dịch COVID-19 đang “càn quét” mạnh mẽ ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu. Các hãng sản xuất ô tô và nhà cung cấp linh kiện trên toàn cầu đang chật vật xoay sở để duy trì sản xuất, sau khi các nhà máy phải đóng cửa hàng loạt ở Trung Quốc vì dịch Covid-19. Giờ đây, một mối lo lớn hơn xuất hiện: người tiêu dùng có thể không còn tâm trạng nào để sắm xe mới.

Sẽ "ngấm" từ giữa tháng 3

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 2/2020 thị trường đã tiêu thụ được 17.616 xe, tăng 11% so với tháng liền trước và tăng đến 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, cộng dồn 2 tháng đầu năm, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường chỉ đạt 33.403 chiếc, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 25.278 chiếc, giảm 30%; phân khúc xe thương mại đạt 7.569 chiếc, giảm 17%; chỉ duy nhất phân khúc xe chuyên dụng là tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 556 chiếc.

VinFast chính thức vận hành nhà máy ô tô ở Hải Phòng từ tháng 6/2019
VinFast chính thức vận hành nhà máy ô tô ở Hải Phòng từ tháng 6/2019

Đáng chú ý, theo dự đoán của một số chuyên gia, dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường, sản xuất ô tô trong nước vào khoảng giữa tháng 3 hoặc cuối quý 1/2020. Sản lượng sản xuất trong nước sẽ bắt đầu giảm, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu Chính phủ không có các biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đang gặp khó khăn do thiếu hụt linh phụ kiện nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô từ khá nhiều thị trường. Cụ thể, trong tháng 2/2020 có 328 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô các loại được các doanh nghiệp nhập khẩu, chủ yếu từ Hàn Quốc với 66,6 triệu USD, giảm 41,8% so với tháng trước; từ Thái Lan với 62,5 triệu USD, tăng 72,1%; từ Nhật Bản với 62,1 triệu USD, tăng 41,2%; từ Trung Quốc với 59 triệu USD, giảm 2,3%; từ Indonesia với 14 triệu USD, giảm 6,1%.

Hầu hết các thị trường này đều đang phải đối phó với dịch COVID-19, phải đóng cửa nhà máy và gặp khó trong nguồn cung linh kiện.

Theo thông tin trên báo Giao thông, giám đốc một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam cho hay: “Ảnh hưởng của COVID-19 đến hoạt động sản xuất ô tô tại nhà máy chúng tôi tương đối lớn, việc sản xuất vẫn diễn ra nhưng ở mức độ cầm chừng. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn linh kiện phụ tùng từ các nhà máy ở Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tiếp theo là toàn bộ việc đi lại xuất nhập cảnh của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và kỹ thuật viên từ quốc gia có dịch bị cấm, việc họp hành hiện giờ đều phải thực hiện trực tuyến. Tác động của COVID-19 khiến sản lượng lắp ráp giảm khoảng 25%. Dự kiến những tháng tới sản lượng có thể giảm thêm”.

Về sản lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 10.261 xe ô tô nguyên chiếc các loại, tăng khá mạnh so với chỉ có 4.281 xe được nhập về trong tháng Một, là tháng rơi vào dịp tết Nguyên đán.

Dù vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 2/2020, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu các loại đạt 14.523 chiếc, giảm 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 10.768 chiếc, giảm 39,6%; ô tô vận tải là 3.425 chiếc, giảm 53,3%.

Trong bối cảnh này, VinFast được cho là một “điểm sáng” của thị trường. Lý do là hãng xe này hầu như không nhập khẩu linh phụ kiện trực tiếp từ Trung Quốc. Theo Zing, VinFast có thể sẽ gia tăng sản lượng trong năm nay. Tuy nhiên, e rằng “điểm sáng” VinFast cũng khó đủ sức bù lại sản lượng bị giảm của toàn ngành.

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.