Ô tô đã biết cách tự đỗ xe, cảnh báo khi lái xe buồn ngủ, lái trở lại đúng làn đường và đề xuất bản đồ tuyến đường các điểm đến. Không những thế, những chiếc xe Mazda đang được sản xuất trong năm tới tại Nhật Bản sẽ biết khi nào người lái xe bị đột quỵ hoặc đau tim.
Theo nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, vào năm 2025, những chiếc xe thậm chí còn biết khi nào người lái xe sắp gặp vấn đề sức khỏe đột ngột và cảnh báo họ.
Để đạt được trình độ “như bác sỹ” này, ô tô chỉ sử dụng dữ liệu từ camera bên trong ô tô mà không cần dùng đến cảm biến la-de hoặc các công nghệ theo dõi khác. Tính năng “khám sức khỏe” này sẽ được cung cấp trong các mô hình có giá cả phải chăng, không chỉ xe hạng sang. Công nghệ này rất hứa hẹn cho một trong những xã hội già hóa tiên tiến nhất trên thế giới.
Mazda nói với các phóng viên gần đây rằng họ đã làm việc với các chuyên gia y tế, bao gồm cả Bệnh viện Đại học Tsukuba, nghiên cứu dữ liệu hình ảnh thu thập được để xác định một người lái xe khỏe mạnh trông như thế nào, trái ngược với một người lái xe có vấn đề về sức khỏe, đột nhiên đổ người về phía trước qua vô lăng.
Một khi nhận ra vấn đề, Co-Pilot Concept, vẫn chưa có tên chính thức, sẽ đưa chiếc xe đó dừng lại ở một điểm an toàn, chẳng hạn như lề đường, càng nhanh càng tốt.
Theo Mazda, chiếc xe sẽ bấm còi, nháy đèn, nhấp nháy đèn nguy hiểm, mặc dù các tín hiệu cảnh báo chính xác vẫn chưa được quyết định. Một cuộc gọi khẩn cấp đến xe cấp cứu và cảnh sát cũng sẽ được chuyển tiếp.
Các nhà sản xuất ô tô lớn khác, bao gồm Volkswagen của Đức và đối thủ Toyota Motor Corp của Nhật, cũng đang nghiên cứu công nghệ tương tự.
Sau thị trường Nhật Bản, Mazda có kế hoạch cung cấp công nghệ này trong những mẫu xe bán ở châu Âu. Mazda muốn thử nghiệm tính năng, phản ứng của thị trường trước khi triển khai rộng rãi.
Đối với các mối quan tâm về quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân không được để lại trên xe, theo Mazda.
Takahiro Tochioka, kỹ sư phụ trách, cho biết Mazda đang làm việc để dự đoán lái xe có gặp vấn đề sức khỏe nào không, ngay cả khi người lái xe có thể không tỉnh táo.
Mục đích của nghiên cứu trên là giúp mọi lái xe tập trung tầm nhìn, bởi vì một vài cái lắc lư đầu do mỏi mắt hay đau đầu, hay những sai lệch nhỏ trong thói quen lái xe và những thay đổi tinh tế khác, cũng có thể gây ra hậu quả.
“Ô tô sẽ cảnh báo những người lái xe ngay cả trước khi các triệu chứng thực sự xuất hiện”, Mazda cho biết, “Nhưng sự hiểu biết và hợp tác của người lái xe là yếu tố quan trọng để công nghệ này hoạt động”.
Công nghệ này sẽ cho phép mọi người tiếp tục lái xe trong suốt cuộc đời của họ và sẽ giúp các gia đình và bạn bè yên tâm không phải lo lắng, Tochioka nói. Ông cho biết, việc cung cấp Co-Pilot cũng sẽ cho phép Mazda nhận được phản hồi từ người dùng thực tế.