Ô tô lắp ráp trong nước đang “thừa thắng xông lên”?

Xe nhập khẩu nguyên chiếc đang có xu hướng giảm, các mẫu xe lắp ráp trong nước đua nhau ra mắt trong khi kim ngạch nhập khẩu linh kiện ô tô đang tăng mạnh.

Nhà máy ô tô của Honda. Hãng xe Nhật đã quyết định chuyển mẫu xe CR-V 2020 về lắp ráp tại Việt Nam
Nhà máy ô tô của Honda. Hãng xe Nhật đã quyết định chuyển mẫu xe CR-V 2020 về lắp ráp tại Việt Nam

Tất cả những điều này đang cho thấy dấu hiệu “thừa thắng xông lên” của mặt hàng ô tô lắp ráp trong nước.

Xe nhập khẩu “xuống dốc”

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ có 3.552 ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 6/2020, tương ứng đạt giá trị là 97,9 triệu USD. So với tháng 5/2020, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm mạnh 27%, tương ứng giảm 1.314 chiếc.

Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam sụt giảm, đồng thời là mức giảm mạnh nhất tính từ đầu năm đến nay.

Trong đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chủng loại xe có mức tiêu dùng lớn nhất, trong tháng 6/2020, có 2.082 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá đạt 32,8 triệu USD, chiếm 58,6% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu.

Với kết quả này, số xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam trong tháng đã giảm tới 48,9% (tương đương giảm 1.989 chiếc) so với tháng trước. 

Cộng dồn cả 6 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu các loại đạt 40.288 chiếc, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 30.605 chiếc, giảm 44,2%.

Tăng mạnh nhập khẩu linh kiện ô tô

Trái ngược với tình hình ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, lượng linh kiện và phụ tùng ô tô nhập về trong tháng 6/2020 đạt 279 triệu USD, trong khi con số này của tháng trước là 162 triệu USD. Như vậy, linh kiện và phụ tùng ô tô các loại được nhập về Việt Nam trong tháng này tăng tới 72,7% so với tháng trước.

Liệu những thay đổi trong xu hướng nhập khẩu này có phải là do các hãng xe đang dịch chuyển dần sang sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để hưởng những chính sách ưu đãi mới có hiệu lực.

Nghị định 70/2020 đi vào thực thi từ ngày 28/6 sẽ giảm 50% phí trước bạ với dòng “ô tô nội” đến hết năm 2020.

Trong khi đó, Nghị định 57/2020 có hiệu lực từ 10/7 cũng cho phép ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được hưởng thuế suất 0% đối với thuế nhập khẩu các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được. 

Tổng cục Hải quan cho biết nhóm hàng phụ tùng, linh kiện ô tô được nhập khẩu về Việt Nam có xuất xứ rất đa dạng.

Trong tháng 6, lượng phụ tùng nhập về chủ yếu từ Hàn Quốc với 94,3 triệu USD, tăng gấp 2 lần; từ Nhật Bản với 55,2 triệu USD, tăng 46,2%; từ Trung Quốc với 47,1 triệu USD, tăng 40,9%; từ Thái Lan với 32,3 triệu USD, tăng 5,3% so với tháng trước.

Tính chung, linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 4 thị trường, nước xuất xứ này là 229 triệu USD, chiếm tỷ trọng 82% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô của cả nước trong tháng qua.

Những chính sách mới có hiệu lực ở trên đang khiến phân khúc xe lắp ráp có phần lợi thế hơn so với xe nhập khẩu.

Theo số liệu của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2020, lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước đạt 15.874 xe, tăng 43% so với tháng trước. So với mức tiêu thụ 8.155 chiếc của xe nhập khẩu, xe lắp ráp đang được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn.

Xe “nội” dồn dập ra mắt

Thực ra, điều này cũng khá dễ hiểu khi xe lắp ráp phần lớn có mức giá thấp hơn so với xe nhập khẩu - chủ yếu là các dòng xe có giá trị lớn. 

Đơn cử như Honda vừa chính thức cho xuất xưởng mẫu xe CR-V 2020 lắp ráp trong nước. Ra mắt tại Việt Nam vào năm 2017, sản lượng bán hàng của Honda CR-V thế hệ thứ 5 đã đạt được hơn 26.000 chiếc và trở thành mẫu SUV bán chạy nhất Việt Nam năm 2019.

Điều này cho thấy, CR-V là mẫu xe “quan trọng” của Honda tại Việt Nam, và đến nay hãng đã quyết định lắp ráp trong nước mẫu xe này để hưởng các chính sách ưu đãi đối với “xe nội”.

Trước đó, chỉ có mẫu sedan hạng B Honda City được lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc. Các mẫu ô tô Honda còn lại đều được nhập khẩu nguyên chiếc về nước. 

Từ năm 2019, một mẫu xe rất hút khách trên thị trường là Fortuner cũng đã được Toyota Việt Nam đưa về lắp ráp trong nước thay vì tiếp tục nhập khẩu từ Indonesia.

Tương tự Honda CR-V, Toyota Fortuner cũng từng là xe lắp ráp trong nước, được chuyển sang nhập khẩu vào năm 2017 khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Đông Nam Á giảm xuống 0%.

Chưa hết, mẫu xe MPV 7 chỗ ăn khách Mitsubishi Xpander cũng đã chính thức ra mắt phiên bản số tự động lắp ráp tại nhà máy Mitsubishi Bình Dương.

Mới đây nhất, thương hiệu ô tô “hồn Anh” MG Cars cũng đã quay trở lại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý là một số mẫu xe mang thương hiệu này cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

TC Service Việt Nam (TCSV) là đơn vị quản lý MG Cars tại Việt Nam. Đơn vị này thuộc tập đoàn Tan Chong (Malaysia) đang sở hữu nhà máy lắp ráp ô tô Nissan đặt tại tỉnh Đà Nẵng. Sau khi chấm dứt quyền phân phối Nissan, CT Brothers Automobile sẽ sử dụng nhà máy này để lắp ráp MG Cars.

Có phải tất cả những điều này cho thấy làn sóng chuyển dịch sản xuất của các hãng xe và phần nào cũng lý giải vì sao sản lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam lại giảm mạnh?

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.