Đường “vá chằng vá đụp"
Theo phản ánh của một số người dân tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), tuyến đường Yên Hòa thường xuyên bị nứt, vỡ, tạo thành địa hình gồ ghề, gây khó khăn rất nhiều cho việc đi lại của người dân trong khu vực.
Tuyến đường này có mật độ giao thông đông đúc, nhưng đa số là xe máy, xe đạp và một số phương tiện ôtô cá nhân. Người dân cho biết, hầu như năm nào cũng có đơn vị duy tu đến sửa chữa mặt đường, những chỉ được vài tháng đến nửa năm thì tình trạng xuống cấp lại thấy rõ.
Hay tại khu vực đường Thành Thái, đoạn tiếp giáp Công viên Cầu Giấy, tình trạng đường xuống cấp còn nặng nề hơn. Sau mỗi trận mưa, khu vực trước cổng Trung tâm Music Talent Dịch Vọng trở thành những hố nước lớn, nhỏ. Các phương tiện ôtô, xe máy hầu như không thể tránh né “ổ gà” vì đường hẹp, người đi lại đông đúc.
Ông Thịnh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi thường xuyên đưa đón cháu đến đây đi học và cũng đã có lần bị ngã ở đoạn ổ gà trước cổng trường. Đường xuống cấp cũng đã lâu nhưng chưa thấy đơn vị nào đến tu sửa. Xe máy, ôtô liên tục lao vào các hố, rãnh, vừa hại xe, vừa bắn nước lên người đi bộ. Thậm chí một số phụ huynh phải phi xe máy lên vỉa hè để tránh ổ gà và tắc đường”.
Tại tuyến đường Đại Cồ Việt, đoạn nút giao với đường Lê Đại Hành cũng bị xuống cấp từ khá lâu. Mặt đường nhựa bị bong tróc, tạo nên các khe, rãnh chứa nước.
Anh Long (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần lỡ đi vào lại bị sập bánh rất khó chịu. Những ổ gà như thế này khá nguy hiểm cho người đi xe máy vì dễ bị trượt bánh vào khe, rãnh. Một số tuyến đường khác ở gần nhà tôi cũng bị tình trạng tương tự như thế này”.
Anh Hoàng (Lái xe công nghệ) bức xúc nói: “Đường đông, xe ôtô làm sao tránh được ổ gà. Đó là còn chưa kể chúng tôi phải đóng phí bảo trì đường bộ. Nghĩa vụ công dân chúng tôi đã thực hiện. Vậy khi đường xấu, hư hại thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm khắc phục?”.
Giải ngân vốn bảo trì đường bộ chưa hiệu quả
Năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao trên 2.000 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản và gần 10.500 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ. Trong đó, với các tuyến đường có tên trên bản đồ, trách nhiệm duy tu thuộc về Sở Giao thông Vận tải cấp tỉnh. Việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp các ngõ, ngách được giao cho UBND cấp huyện thực hiện hàng năm.
Một trong những vấn đề đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra đó là, dù nguồn vốn cho quỹ bảo trì vẫn còn thiếu nhưng thực tế lại dư chi nhiều. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc giao dự toán chậm hoặc không sát thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần. Cuối năm, dư ngân sách tương đối lớn, nhưng không thể chuyển sang nhiệm vụ chi cho năm sau.
Điều này cho thấy một thực trạng, việc cân đối vốn tại một số cơ quan được cấp vốn bảo trì đường bộ chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, với những tuyến đường “vá víu” nhiều lần vẫn xuống cấp, ngoài nguyên nhân do áp lực giao thông thì trách nhiệm chính thuộc về Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông trực thuộc Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh và đơn vị giám sát thi công.