Sản xuất xe hơi sau đó bán ra để công chúng sử dụng là một công việc không hề dễ tí nào. Để đảm bảo chiếc xe đạt tiêu chuẩn và vượt trội so với đối thủ cạnh tranh, các nhà sản xuất ô tô phải kiểm tra xe của họ trong tất cả các loại môi trường. Nhiều thử nghiệm được thực hiện trên đường đua kín, song cũng có nhiều thử nghiệm phải diễn ra trong thế giới thực ở các điều kiện thực. Kết hợp dữ liệu từ đường đua kín với dữ liệu lái thử trên đường công khai, các nhà sản xuất ô tô đã tạo ra những chiếc xe mà họ hy vọng sẽ làm hài lòng thị trường.
Quá trình thử nghiệm bao gồm mọi thứ, từ hiệu suất và sự thoải mái đến độ tin cậy và an toàn. Nó cũng bao gồm chất lượng và thiết kế. Quá trình thử nghiệm xe hơi cho phép các nhà sản xuất giải quyết tất cả các vấn đề tiềm ẩn của một mẫu xe trước khi sản xuất hoàn chỉnh. Như vậy sẽ rẻ hơn nhiều so với việc sản xuất hàng loạt rồi sau đó lại phát hiện ra các vấn đề và lúc đó mới cố khắc phục.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét một số đặc điểm trong quá trình thử nghiệm xe hơi, làm thế nào các hãng quyết định thiết kế và đi vào sản xuất ô tô. Kiểm tra và tinh chỉnh giúp ô tô trở nên tốt hơn mỗi năm, trong khi giá vẫn ổn định hoặc thậm chí giảm nếu vẫn trang bị chừng đó tính năng.
Tuy nhiên, cuối cùng thì, thử thách xe hơi nghĩa là lạm dụng nó để tìm ra giới hạn của nó.
Nếu bạn sở hữu một chiếc xe và muốn tốn ít chi phí sửa chữa và bảo trì nhất, bạn sẽ chăm sóc nó cực kỳ tốt. Chẳng hạn, bạn lái xe một cách từ tốn, tránh lái xe trong điều kiện khắc nghiệt, như thời tiết cực kỳ nóng hoặc lạnh. Bạn bảo quản xe trong gara. Nghĩa là, bất cứ thứ gì bạn có thể làm để làm tăng tuổi thọ của xe.
Có thể hiểu rằng, bạn gìn giữ chiếc xe của mình bao nhiêu, thì các nhà sản xuất lại “tàn phá” nó bấy nhiêu trong các màn thử thách xe. Các nhà sản xuất cố gắng “thả nổi” những chiếc xe để phát hiện các vấn đề và khắc phục chúng. Họ muốn tự khắc phục sự cố, trước khi người tiêu dùng bắt gặp và phàn nàn. Để làm điều này, các nhà sản xuất ô tô sẽ tìm kiếm những môi trường khắc nghiệt như Thung lũng chết (Death Valley) ở Mỹ, các cơ sở thử nghiệm tư nhân do các công ty sở hữu hoặc do một bên thứ ba sở hữu, hay đường đua Nurburgring nổi tiếng ở Đức….
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng đưa ô tô cho một số cơ quan báo chí lái thử để tạo tiếng vang trước khi bán sản phẩm cho người tiêu dùng.
Tất nhiên, các mẫu xe mới sẽ được các nhà sản xuất đưa vào thử thách, nhưng thú vị nhất có lẽ vẫn là màn thử thách những mẫu xe hiệu suất cao. Tại đường thử Nurburgring nổi tiếng chông gai ở Đức, những mẫu xe nhanh nhất thế giới phải hoàn thành chặng đường “xoắn quẩy” dài từ 21-24 km.
Thử nghiệm tại Nurburgring và các đường đua tốc độ cao khác giúp các nhà sản xuất ô tô thu thập thông tin về khả năng tăng tốc của xe, phanh và các khả năng xử lý của xe thử nghiệm. Những màn thử nghiệm này cũng trở thành một công cụ tiếp thị, khi các nhà sản xuất hàng đầu tìm cách lật đổ những đối thủ kỷ lục mỗi năm. Những màn khoe khoang này sau đó được đưa vào các tài liệu tiếp thị chiếc xe, với mục đích nâng cao uy tín của cả mẫu xe lẫn thương hiệu xe.
Video các mẫu xe chạy trên đường thử Nurburgring (Đức)
Thử nghiệm xe ở Mỹ là một quá trình dài và tốn kém. Mục tiêu của các nhà sản xuất là tạo ra một chiếc xe đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của chính phủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường của người tiêu dùng sao cho phát sinh ít yêu cầu bảo hành nhất, đồng thời đạt giao điểm tố nhất giữa nhu cầu khách hàng và lợi nhuận của công ty.
Một trong những thử nghiệm “kịch tính” hơn là thử nghiệm sự cố. Có thể bạn đã biết về những thước phim quay chậm, trong đó những chiếc xe được thử thách qua tai nạn, xe có “người giả” làm hành khách ngồi bên trong. Tùy thuộc vào mục đích của bộ phim, người nộm có thể bay qua kính chắn gió hoặc được dây an toàn và túi khí bảo vệ. Các nhà sản xuất muốn các phương tiện của họ, đặc biệt là xe hướng đến gia đình, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra an toàn va chạm độc lập và của chính phủ.
Tại Mỹ, có hai cơ quan chính thực hiện thử nghiệm an toàn va chạm là Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc và Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc lộ. Cả hai hoạt động độc lập với ngành công nghiệp ô tô.
Ngoài thử nghiệm sự cố, các nhà sản xuất ô tô phải theo dõi rất nhiều phép đo chất lượng, chẳng hạn như họ phải đo xem tiếng ồn trong cabin như thế nào, có bao nhiêu tiếng ồn phát ra từ động cơ, tiếng ồn của gió là bao nhiêu hay mức độ tiếng ồn tạo ra do lốp xe tiếp xúc với mặt đường.
Không phải tất cả các nhà sản xuất đều tuân theo các quy trình kiểm tra chính xác giống nhau cho tất cả xe hơi, xe tải và SUV của họ.