Thông tin này được tạp chí ô tô Đức Automobilwoche dẫn nguồn tin không tiết lộ danh tính cho hay.
Nguồn tin nói rằng trong kế hoạch cắt giảm chi phí mới, Daimler dự kiến sẽ thuê ngoài các dịch vụ công nghệ thông tin và cắt giảm nhiều vị trí ở mảng nghiên cứu và phát triển (R&D).
Theo hãng tin Bloomberg, vào tháng 11 năm ngoái, Daimler đã đưa ra kế hoạch cắt giảm 10.000 vị trí trong lực lượng lao động của toàn công ty trong thời gian đến hết năm 2022 nhằm tiết kiệm 1,4 tỷ Euro, tương đương 1,6 tỷ USD, chi phí nhân sự.
Trao đổi với Bloomberg, Daimler phủ nhận thông tin mà Automobilwoche đăng tải. “Chúng tôi mới chỉ đưa ra một con số, và đó là mục tiêu tiết kiệm 1,4 tỷ Euro chi phí. Tất cả những thông tin khác đều là đồn đoán”, Giám đốc truyền thông của Daimler, ông Joerg Howe, tuyên bố.
Cũng theo bài báo của Automobilwoche, hãng xe lớn nhất của Đức là Volkswagen sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất xe thương mại từ Đức sang Ba Lan, đồng thời sẽ cắt giảm khoảng 5.000 nhân viên tại cơ sở sản xuất chính của hãng quê nhà.
Dù những thông tin trên còn chưa được xác nhận, rõ ràng ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang trải qua một cuộc thử thách khắc nghiệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid1-19.
Tháng 5 vừa qua, doanh số thị trường ô tô châu Âu giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 78% trong tháng 4.
Số liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy từ khi đại dịch bắt đầu đến nay, ngành ô tô châu Âu đã công bố cắt giảm 50.000 việc làm.
Không chỉ các hãng sản xuất ô tô đại chúng của châu Âu gặp khó mà các nhà sản xuất siêu xe cũng đang đứng trước thách thức lớn. Trong đó, các hãng siêu xe của Anh quốc có vẻ “bết bát” hơn cả.
Đầu tháng này, Bentley Motors đưa ra kế hoạch sa thải 1.000 công nhân viên, tương đương gần 1/4 lực lượng lao động toàn công ty. Trước đó, đối thủ đồng hương của Bentley là Aston Martin tuyên bố cắt giảm. 500 vị trí, tương đương khoảng 20% tổng số công nhân viên. Hãng McLaren cũng buộc lòng phải đi đến quyết định sa thải hơn 1.200 nhân viên, tương đương hơn 25% trong tổng số 4.000 nhân viên của hãng.
Để giúp các hãng xe - lực lượng vốn là một trụ cột của nền kinh tế khu vực, chính phủ các nước châu Âu đang ra sức kích cầu thị trường ô tô bằng các gói hỗ trợ kinh tế lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả các chương trình này đều nhắm trực tiếp vào ngành ô tô.
Chính phủ Đức mới đây công bố một gói cứu trợ 130 tỷ Euro, tương đương 147 USD, tập trung vào việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và trợ giá cho ô tô điện. Gói kích cầu này bỏ qua đề xuất của các hãng xe Đức về một chương trình “thưởng dập xe cũ”. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha tuần này công bố một chương trình hỗ trợ 3,75 tỷ Euro dành trực tiếp cho ngành ô tô.