Nhà máy lớn nhất thế giới của Toyota Motor có diện tích trên 5 triệu mét vuông, bao quanh là những cánh đồng xanh của vùng nông thôn Kentucky, Mỹ. Với diện tích sàn tương đương khoảng 170 sân bóng đá, nhà máy Georgetown có hơn 2.000 robot công nghiệp, 6 quán ăn tự phục vụ, 2 cửa hàng sơn và một sân bóng rổ trong nhà.
Susan Elkington, kỹ sư 48 tuổi, trở thành quản lý nhà máy từ năm ngoái, vừa nhận được đơn đặt hàng đầu tiên: phiên bản hybrid xăng-điện của chiếc SUV phổ biến vào một trong ba dây chuyền lắp ráp của nhà máy.
Nhà máy Georgetown đang cố giữ vững vị thế là nhà máy lớn nhất của Toyota trên toàn cầu khi nhu cầu xe mui trần giảm mạnh, trong khi đó nhà máy với tuổi đời ba thập kỷ này lại có chi phí cố định cao, năng suất giảm, và rất nhiều nhà máy khác đang sản xuất những chiếc crossover, SUV và xe tải phổ biến hơn.
Khai trương vào năm 1988, Georgetown là nhà máy đầu tiên hoàn toàn thuộc sở hữu của Toyota tại Mỹ. Nó được thiết kế để lắp ráp hàng trăm ngàn phương tiện giao thông đại chúng, như chiếc Camry cỡ trung. Trong 27 năm qua, đó là chiếc xe bán chạy nhất của Toyota tại Mỹ. Sản lượng của nhà máy Georgetown đạt đỉnh 514.590 xe trong năm 2007, ngay trước cuộc Đại suy thoái.
Toyota đã tăng công suất hàng năm tại cơ sở ở Kentucky lên 550.000 xe sau khi bổ sung dây chuyền lắp ráp thứ ba vào năm 2015 cho dòng xe sang Lexus, vốn có nhiều điểm chung với Camry. Nhưng nhà máy chỉ đạt nửa triệu công suất một lần duy nhất kể từ đó. Vào năm 2016, nhà máy đã tạo ra 500.766 xe. Trong năm 2018, nhà máy Georgetown ra đời tổng cộng 430.224 xe, một dấu hiệu cho thấy thị hiếu ô tô thay đổi nhanh chóng. Bây giờ, Jim Jordan, một giám đốc kỹ thuật phụ trách dự án nhà máy RAV4, trọng tâm là tăng công suất. Ông nói rằng, đó là một niềm tự hào đối với chúng tôi.
Điều đó có nghĩa là Toyota sẽ rót số tiền đầu tư 238 triệu USD vào Kentucky để bổ sung dòng xe RAV4 hybrid cùng với phiên bản hybrid của chiếc Lexus ES, đưa tổng vốn đầu tư của Toyota vào nhà máy lên 7 tỷ USD kể từ khi nó được công bố lần đầu tiên vào năm 1985.
Tất cả đều đáng tự hào. Georgetown có ít đối thủ trong và ngoài công ty. Nhà máy cũng giành được một loạt các giải thưởng chất lượng. Nhà máy chiếm vị trí hàng đầu, sản xuất ra những chiếc xe ít lỗi nhất trong bảng xếp hạng của J.D. Power năm 2016 cho dây chuyền lắp ráp mới của Lexus.
Tuy nhiên, tình hình ngày càng cạnh tranh. Năm 2017, Wil James, người tiền nhiệm của Elkington, đã cảnh báo các nhân viên rằng nhà máy phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn nếu nó không giảm chi phí. Ông nói rằng sản xuất một chiếc Camry ở Nhật Bản và vận chuyển nó đến Kentucky sẽ ít tốn kém hơn so với việc sản xuất một chiếc tại địa phương. James kêu gọi các công nhân nỗ lực nhiều hơn để giảm chi phí và tăng hiệu quả, an toàn và chất lượng.
Thông điệp của ông rất rõ ràng: Nếu nhà máy không cạnh tranh, công nhân có thể gặp rủi ro ở Georgetown.
Điều đó đã tạo ra tiếng vang lớn với 8.000 công nhân toàn thời gian, không ai trong số họ bị sa thải ngay cả khi Toyota hoàn toàn ngừng sản xuất trong vài tuần trong thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất. Tuy nhiên, 1.600 công nhân tạm thời không có cùng lợi ích và bảo đảm công việc. Các nhà phê bình cho rằng Toyota đã sử dụng những nhân viên tạm thời này như một bộ đệm và trả lương thấp cho họ trong nhiều năm.
Toyota phủ nhận các cáo buộc và nói rằng họ luôn tuân thủ các yêu cầu pháp lý. Nhưng công ty cũng đã phải giải quyết một vụ kiện tập thể hồi năm ngoái do các công nhân tạm thời chống lại Toyota với các cáo buộc vi phạm thanh toán trong khoảng thời gian sáu năm bắt đầu vào năm 2013. Các điều khoản thỏa thuận hoàn toàn giữ bí mật. Một phát ngôn viên của nhà máy cho biết đã ra một nghị quyết sớm và chấm dứt các vụ kiện tụng tốn kém. Toyota coi trọng các thành viên và cung cấp các khoản thanh toán, lợi ích hợp lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, nhà máy đang đứng trước nhiệm vụ sản xuất xe SUV hybrid và rất có thể, trong tương lai, Georgetown sẽ chuyển mình sản xuất cả mẫu RAV4 phiên bản hybrid mới. Tất cả nhằm chào đón xu hướng xe điện, xe lai của ngành công nghiệp ô tô.