Michelin tiết lộ rằng họ đã thử nghiệm thành công công nghệ tái chế nhựa với Carbios. Quá trình này dựa vào một loại enzyme có thể khử trùng hợp polyethylene terephthalate (PET) được sử dụng trong các sản phẩm nhựa thông thường như chai lọ và quần áo polyester.
Thông qua quy trình phức tạp này, hai công ty có thể tạo ra một loại polyester có độ bền cao phù hợp với lốp xe nhờ khả năng chống vỡ, dẻo dai và ổn định nhiệt.
“Chúng tôi rất tự hào là đơn vị đầu tiên sản xuất và thử nghiệm công nghệ lốp xe tái chế. Những sản phẩm này được làm từ các chai màu và được tái chế bằng công nghệ enzyme của Carbios”, Nicholas Seeboth, giám đốc nghiên cứu polymer tại Michelin, cho biết.
Michelin đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là sử dụng vật liệu tái tạo hoặc tái chế cho 40% sản phẩm sản xuất của mình vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Mỗi năm, 1,6 tỷ lốp xe ô tô được bán ra trên toàn thế giới tương ứng với 800.000 tấn sợi PET mỗi năm.
“Vào năm 2019, chúng tôi đã sản xuất những sản phẩm với 100% axit Terephthalic tinh khiết (rPTA), được tạo ra từ quá trình tái chế enzyme của chất thải PET. Sắp tới với sự hợp tác của Michelin, chúng tôi đang chứng minh toàn bộ quy trình của mình bằng cách thu được từ chính chất thải nhựa này, PET tái chế phù hợp với các loại sợi kỹ thuật cao như loại được sử dụng trong lốp xe của Michelin”, Alain Marty, giám đốc khoa học của Carbios, cho biết.