Thay vào đó, Mazda dự kiến sẽ tiếp tục đưa những cải tiến nho nhỏ vào các mẫu xe hiện có với hy vọng duy trì được sức hút với người tiêu dùng. Tuy nhiên, khách hàng có thể sẽ không thỏa mãn với những thay đổi nhỏ này của Mazda và sẽ tìm đến những mẫu xe được thiết kế lại toàn bộ hoặc các mẫu xe mới hoàn toàn thuộc cùng chủng loại của các nhà sản xuất khác.
Động cơ tiết kiệm nhiên liệu Skyactiv-X mà hãng xe Nhật Bản giới thiệu vào năm ngoái được xem là chìa khóa để vượt qua được quãng thời gian 2 năm không có sản phẩm mới.
Lần gần đây nhất việc ra mắt sản phẩm mới bị gián đoạn ở Mazda là quãng thời gian từ 2009-2012. Sau khi trình làng mẫu Axela được thiết kế lại toàn bộ vào năm 2009 (hiện nay là chiếc Mazda3), phải đến năm 2012, Mazda mới ra mắt chiếc xe SUV CX-5 thế hệ thứ nhất.
Hãng xe có trụ sở ở thành phố Hiroshima cho biết, dự kiến đến tháng 3/2021 sẽ bắt đầu nhận đơn hàng cho chiếc xe điện đầu tiên của hãng, chiếc MX-30. Tuy nhiên, các nhà cung cấp của Mazda nói rằng mẫu xe điện này sẽ không được sản xuất nhiều và sẽ không đóng góp nhiều vào doanh số của hãng.
Thông thường, cứ mỗi chu kỳ khoảng 5 năm thì Mazda sẽ cho ra đời thế hệ hoàn toàn mới của một mẫu xe. Đây là một công việc đòi hỏi sự đầu tư và chuẩn bị tốn kém. Trong khoảng thời gian 5 năm đó, hãng thường “lấp chỗ trống” bằng cách thực hiện những cải tiến nho nhỏ và chuẩn bị nguồn lực cho đợt nâng cấp tiếp theo.
Những thay đổi nhỏ như vậy nhằm giúp các đại lý xe thuyết phục người tiêu dùng mở ví, nhưng không đủ sức hấp dẫn trong bối cảnh các hãng xe khác cạnh tranh quyết liệt bằng cách liên tục nâng cấp sản phẩm cũ và tung ra sản phẩm mới.
“Đúng là những thay đổi đó cũng có ích như một phương thức cuối cùng để thuyết phục khách hàng mua xe”, chủ một đại lý xe Mazda ở miền Tây Nhật Bản phát biểu. “Nhưng chẳng mấy khách hàng tìm đến một đại lý xe chỉ để mua một chiếc xe với thay đổi không đáng kể so với xe cũ”.
“Nhiều khách hàng mới của chung tôi tìm đến các đại lý Mazda chỉ vì họ muốn một mẫu xe nhất định”, chủ đại lý xe nói trên cho biết. “Có vẻ như họ không phải là fan hâm mộ thực sự của thương hiệu Mazda, nên việc chuyển sang một thương hiệu khác cũng hết sức dễ dàng”.
Trong năm 2019, Mazda tung mẫu Mazda3 được thiết kế loại hoàn toàn và mẫu CX-30 mới. Ngoài ra, hãng bắt đầu bán xe được trang bị Skyactiv-X, hệ thống kết hợp giữa động cơ đốt trong tốt nhất để tạo sức mạnh và sức kéo cho xe với khả năng giảm ô nhiễm. Mazda muốn Skyactiv-X sẽ giữ vai trò phát triển hình ảnh thương hiệu cho hãng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Skyactiv-X chưa được áp dụng phổ biến cho sản phẩm của Mazda. Hãng cho biết hệ thống này mới được sử dụng cho 4% xe Mazda3 và 2% xe CX-30, còn ít hơn nhiều so với tỷ lệ 25% và 30% mà hãng đặt mục tiêu.
Rào cản ở đây nằm ở vấn đề chi phí: Skyactiv-X khiến giá xe đội thêm 6.300 USD đối với xe sử dụng động cơ xăng thông thường.
“Bạn phải là người thực sự yêu xe mới cảm nhận được sự khác biệt”, nhân viên một đại lý xe cho biết. “Thuyết phục một khách hàng mua xe vì động cơ tốt hơn không phải là việc dễ”.
Ngoài ra, Mazda cũng khuyến nghị người dùng xe có Skyactiv-X sử dụng xăng có chỉ số octane cao cho xe.
Mazda hiện đang chế tạo một kiến trúc xe lớn mới với động cơ 6 xi-lanh cho năm 2023. Với mức giá cho xe sử dụng kiến trúc này dự kiến sẽ cao hơn hẳn so với các sản phẩm hiện có, Mazda nhắm đến đối tượng khách hàng quan tâm tới xe hạng sang của những hãng khác, chẳng hạn xe Lexus của Toyota. Những khách hàng này cũng sẽ đòi hỏi mức độ cao cấp hơn trong dịch vụ bán hàng và hậu mãi.
Mazda không muốn sử dụng đến biện pháp giảm giá để kích cầu, vì lo ngại cách làm này sẽ gây tổn hại cho thương hiệu. Vì vậy, khoảng thời gian hai năm tới đây sẽ là một “bài kiểm tra” về khả năng của Mazda trong việc thu hút khách hàng bằng sức mạnh của sản phẩm và dịch vụ.