Trang CNN Business dẫn số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (EAMA) cho biết việc đóng cửa nhà máy đến nay đã ảnh hưởng đến khoảng 40% số công nhân làm việc trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất ô tô ở khu vực. Ngoài ra, sản lượng ô tô châu Âu hiện cũng đã giảm khoảng 1,2 triệu xe vì các nhà máy tạm dừng hoạt động.
“Vào lúc này, mối lo chính là kiểm soát cuộc khủng hoảng mà ngành ô tô đang đương đầu. Hoạt động sản xuất của ngành đã đột ngột ngưng trệ. Đây thực sự là điều mà ngành chưa từng trải qua trước đây”, Tổng giám đốc EAMA Mark Huitema phát biểu.
Các hãng xe gồm Volkswagen, BMW, Daimler, Honda, Fiat Chrysler, và PSA đều phải đóng cửa nhà máy ở Italy, Pháp, Đức, Anh và nhiều quốc gia châu Âu khác khi chính phủ các nước này triển khai các biện pháp hạn chế di chuyển và cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lan rộng của virus Corona chủng mới.
Sau hai năm suy thoái liên tiếp vào 2018 và 2019, ngành ô tô giờ đây đối mặt cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - theo nhận định của công ty phân tích GlobalData.
“Chuỗi cung ứng ô tô chịu tác động và lực lượng lao động của ngành này bị ảnh hưởng. Rất khó có thể sản xuất ô tô và linh kiện mà không đặt người lao động vào nguy cơ lây nhiễm”, nhà phân tích Calum MacRae của GlobalData nói.
Trong một báo cáo mới đây, công ty phân tích S&P Global cho rằng doanh số ô tô toàn cầu sẽ giảm 15% trong 2020, xuống mức 80 triệu xe, từ mức hơn 90 triệu xe vào năm ngoái. S&P nhận định biện pháp hỗ trợ của các chính phủ chỉ có thể giải quyết được một phần sức ép đối với các hãng xe.
EAMA cho biết gần 14 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào sản xuất ô tô. 83% nhà cung cấp trong ngành ô tô ở châu Âu đang “như ngồi trên lửa” vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại địch, theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu IHS Markit.
Continental, một nhà cung cấp linh kiện lớn có trụ sở ở Đức, ngày 1/4 rút lại dự báo kết quả kinh doanh 2020 dã đưa ra trước đó. Động thái gây lo ngại này xuất phát từ tình trạng bấp bênh khiến hãng phải tạm thời đóng cửa 40% trong số 249 địa chỉ sản xuất trên toàn cầu. Riêng tại Đức, 30.000 người trong số nhân viên của Continental đã đăng ký làm việc thời gian ngắn - một chương trình cho phép các công ty cho nhân viên ở nhà để giảm số giờ làm việc mà không sa thải.
“Trong các cuộc khủng hoảng, đảm bảo thanh khoản tài chính là ưu tiên hàng đầu”, Tổng giám đốc (CEO) Elmar Degenhart của Continental nói trong một tuyên bố. “Để đạt được điều đó, chúng tôi đang cắt giảm chi phí, tối ưu hóa vốn lưu động, và tạm hoãn các dự án và kế hoạch đầu tư không cấp thiết”.
Volkswagen, hãng xe lớn nhất thế giới, đã dừng hoạt động toàn bộ nhà máy ở châu Âu, bao gồm nhà máy lớn nhất của hãng ở Wolfsburg, Đức - một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất trên thế giới. Hãng Fiat Chrysler cũng đóng cửa hết nhà máy ở châu Âu, nhưng chưa tiến hành sa thải vĩnh viễn.
“Do dịch bệnh lan rộng, chúng tôi ưu tiên đảm bảo một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, nhưng cũng nỗ lực để giữ việc làm cho người lao động”, CEO Mike Manley của Fiat Chrysler viết trong một lá thư gửi nhân viên hôm 30/3. Công nhân của Fiat Chrysler ở châu Âu nghỉ việc tạm thời và được nhận lương trợ cấp của Chính phủ.
Hãng Daimler, chủ thương hiệu Mercedes-Benz, sẽ triển khai chương trình rút ngắn thời gian làm việc cho công nhân và nhân viên hành chính tại Đức trong thời gian từ 6/4 cho tới ít nhất 17/4.
Hãng Honda có 3.000 công nhân làm việc tại nhà máy ở Swindon, Anh, nơi sản xuất đã tạm ngưng từ ngày 14/4 theo yêu cầu của Chính phủ nước sở tại. Công nhân của nhà máy nghỉ việc trong thời gian này vẫn được nhận lương.