Một báo cáo của Viện Rocky Mountain (RMI) cuối tuần qua dự đoán chi phí pin sẽ giảm một nửa trong thập kỷ này, từ 151 USD mỗi kilowatt giờ (kWh) vào năm 2022 xuống còn từ 60 đến 90 USD mỗi kWh, khiến xe điện "lần đầu tiên có giá rẻ như xe chạy xăng ở mọi thị trường vào năm 2030 cũng như chạy rẻ hơn”.
Pin đắt tiền và chiếm khoảng 40% giá của xe điện, một mức chi phí cho đến nay khiến nhiều người tiêu dùng không thể mua được.
Nhưng những mức giá đó đang giảm dần khi các nhà sản xuất ô tô đầu tư vào hóa chất pin, vật liệu và phần mềm mới để tạo ra những chiếc xe điện hiệu quả hơn, Kingsmill Bond, người đứng đầu của RMI nói.
Theo phân tích của RMI, sự tăng trưởng nhanh chóng của các mẫu xe điện ở châu Âu và Trung Quốc “ngụ ý rằng doanh số bán xe điện sẽ tăng ít nhất sáu lần vào năm 2030, chiếm thị phần từ 62% đến 86% doanh số”.
Doanh số bán xe điện ở Liên minh Châu Âu đã tăng gần 61% trong tháng 7 so với cùng tháng năm 2022, chiếm 13,6% tổng doanh số bán ô tô.
Liên minh châu Âu đặt mục tiêu cấm bán các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới từ năm 2035.
Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa cam kết về ngày chấm dứt bán các mẫu xe động cơ đốt trong, nhưng California và New York đều đang nhắm mục tiêu đến năm 2035 để chuyển sang chỉ bán các mẫu xe không phát thải.
Bond nói: “Không có gì quá đáng khi chứng kiến sự tăng trưởng liên tục theo cấp số nhân của xe điện. Đây là điều người ta nên mong đợi”.
Theo nghiên cứu của RMI, nhu cầu dầu cho ô tô đạt đỉnh vào năm 2019 và sẽ giảm ít nhất 1 triệu thùng/ngày mỗi năm sau năm 2030.
Nghiên cứu được công bố đồng thời từ dự án Kinh tế Đổi mới Năng lượng và Chuyển đổi Hệ thống (EEIST) của Đại học Exeter cũng dự đoán doanh số bán xe điện sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.
Nó cho thấy xe điện sẽ đạt đến "điểm bùng phát" về mức giá tương đương với các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất là vào năm 2024 ở châu Âu, 2025 ở Trung Quốc, 2026 ở Mỹ và 2027 ở Ấn Độ "đối với ô tô cỡ trung bình và thậm chí sớm hơn đối với các loại xe nhỏ hơn".
Trung Quốc thì đang hướng tới mục tiêu doanh số bán 90% xe điện vào năm 2030, tăng so với mức 1/3 hiện nay, với số lượng thị trường ngày càng tăng trên các “đường cong” tương tự để đạt tới 80% thị phần, khi cuộc đua giành quyền thống trị về xe điện tăng tốc, nghiên cứu từ RMI cho thấy.
Năm ngoái, Trung Quốc đã bán được nhiều xe điện hơn phần còn lại của thế giới cộng lại nhờ chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Trung Quốc thống trị việc sản xuất xe điện, pin và các linh kiện khác, điều này càng làm giảm chi phí pin và khiến việc áp dụng xe điện trên toàn thế giới trở nên dễ dàng hơn.
Theo nghiên cứu riêng biệt được công bố của Phòng thí nghiệm Thay đổi Hệ thống, một sáng kiến do Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Quỹ Trái đất Bezos, giờ đây, nhiều quốc gia khác nhau đang thể hiện mô hình tăng trưởng theo cấp số nhân tương tự khi doanh số bán xe điện ở các quốc gia này nhanh chóng tăng tốc theo Đường cong chữ S khi doanh số bán xe điện đạt 1% tổng doanh số bán ô tô.
Các quốc gia áp dụng muộn hơn, chẳng hạn như Ấn Độ và Israel, hiện đang chứng kiến doanh số bán xe điện tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu do chi phí giảm và công nghệ tiên tiến, nghĩa là họ có cơ hội bắt kịp những quốc gia dẫn đầu. Doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện của Ấn Độ đã tăng gấp ba lần trong một năm từ 0,4% lên 1,5%, một kỳ tích khiến phần còn lại của thế giới phải mất tới ba năm, cho thấy quốc gia này đang ở giai đoạn đầu của xu hướng đường cong chữ S.
“Điểm tới hạn” ngang bằng giá mua này dự kiến sớm nhất là vào năm 2024 ở Châu Âu, 2025 ở Trung Quốc, 2026 ở Mỹ và 2027 ở Ấn Độ đối với ô tô cỡ trung bình, và thậm chí sớm hơn đối với các loại xe nhỏ hơn.
Ở Trung Quốc, chi phí trọn đời của xe điện cỡ nhỏ đã rẻ hơn so với các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Khi tính cả chi phí vận hành và mua hàng, việc sở hữu xe điện đã rẻ hơn so với ô tô chạy bằng xăng hoặc dầu diesel ở EU và Trung Quốc, và Mỹ sẽ đạt được điều tương tự trong vòng một hoặc hai năm tới.
Mỹ, EU và Trung Quốc sắp xếp quỹ đạo pháp lý của họ để tất cả doanh số bán ô tô mới của họ không phát thải vào năm 2035, có thể đẩy điểm tới hạn ngang bằng giá mua này lên tới ba lần. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho quá trình chuyển đổi của các thị trường lớn nhất mà còn đẩy nhanh quá trình giảm chi phí trên toàn cầu, tạo điều kiện cho tất cả mọi người chuyển đổi nhanh hơn. Ba thị trường lớn này có tầm ảnh hưởng toàn cầu, cùng nhau chiếm 60% thị trường ô tô toàn cầu.
Trong khi đó, theo Liên minh Tăng tốc hướng tới không phát thải, hơn 220 bên ký kết tuyên bố về phương tiện không phát thải (ZEV) - bao gồm các quốc gia chiếm 12% thị trường ô tô và xe tải toàn cầu đã cam kết đạt 100% doanh số ZEV trên toàn cầu vào năm 2040 và 2035 tại các thị trường hàng đầu - đang giúp thúc đẩy sự tiến bộ rộng rãi thông qua một con đường chung. Ngoài ra, hơn 100 thành viên công ty của EV100 đang giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và thúc đẩy các quyết định đầu tư trên quy mô lớn.