Công nghệ trong giải đua Công thức 1 đã vượt ra ngoài 21 chặng Grand Prix mỗi năm và 20 xe đua. Trong thực tế, tính ứng dụng của công nghệ F1 rất nhiều, chứ không chỉ dừng lại ở thời gian vòng đua nhanh nhất và danh hiệu vô địch. Sau đây là cách công nghệ F1 làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Trên đường cao tốc
Tất nhiên, động cơ trên xe F1 là một điều kỳ diệu - không nghi ngờ nữa, đó là những động cơ hiệu quả nhất hành tinh. So sánh động cơ hybrid turbo V6 mới nhất trên xe F1 với động cơ V8 hút khí thông thường được sử dụng từ năm 2013 cho thấy: công suất V6 cao hơn 20%, nhưng phát thải CO2 ít hơn 26%.
Trong thế giới của ô tô, “hiệu suất nhiệt” thường được sử dụng khi nói về hiệu suất động cơ. Nói một cách đơn giản, nó mô tả phần trăm năng lượng từ quá trình đốt cháy để đẩy chiếc xe chạy về phía trước. Trong kỷ nguyên V8, hiệu suất nhiệt đạt đỉnh là 29%. Với sự ra đời của động cơ turbo hybrid vào năm 2014, con số đó đã nhảy vọt gần như ngay lập tức lên khoảng 40% - và hiện tại nó đã ở mức hơn 50%. Đúng thế, động cơ F1 đã trở nên hiệu quả hơn 10% trong sáu năm, đó là một tốc độ phát triển nhanh chóng.
Động cơ turbo-hyrbid cũng nhanh hơn động cơ V8. Ở chặng đua dài nhất lịch F1 - Spa-Francorchamp tại Bỉ - năm 2013, vòng đua nhanh nhất là 1 phút 50.756 giây do tay đua Sebastian Vettel của Red Bull thiết lập đã sử dụng khoảng 135kg nhiên liệu. Năm 2019, Vettel một lần nữa thiết lập vòng đua nhanh nhất tại GP Bỉ, nhưng lần này là vòng đua 1 phút 46.409 giây – và chỉ sử dụng 100kg nhiên liệu (trong một chiếc xe nặng hơn).
Với tất cả những thành quả trên, không có gì ngạc nhiên khi công nghệ này đã được áp dụng. Chiếc hypercar Project One của Mercedes-AMG sử dụng bộ năng lượng hybrid 1.6 lít có nguồn gốc từ F1. Bên cạnh hypercars, Mercedes cũng sử dụng công nghệ turbo hybrid có nguồn gốc từ chiếc xe F1 của mình trong các mẫu xe ứng dụng như S-Class. Trong khi đó, hộp số sang số được phát triển ở F1 vào cuối những năm 80 và đầu thập niên 90, hiện đang có mặt trên những chiếc xe đường trường.
KERS – hệ thống thu hồi động năng (Kinetic energy recovery system) được giới thiệu vào năm 2009 trên xe F1 giờ đây không chỉ được sử dụng trong xe hybrid mà cả trên xe buýt, giúp các thành phố xanh hơn.
Xe thể thao
Công nghệ khí động học và ứng dụng chất liệu sợi carbon trên xe F1 đã trở thành một “yêu cầu” trong nhiều phương tiện xe thể thao khác, bao gồm chèo thuyền, bơi lội và đạp xe.
Ví dụ, McLaren hợp tác với công ty xe đạp Specialized tạo ra chiếc xe đạp đua Venge, trọng lượng nhẹ bằng sợi carbon, vừa nhẹ hơn lại vừa cứng hơn so với mẫu xe tiêu chuẩn - bất ngờ giành chiến thắng cuộc đua mà gần như không gặp khó khăn gì.
Thay đổi thành phố
Giao thông công cộng cũng được hưởng lợi từ F1. McLaren Applied Technologies đã sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ F1 để phát triển cơ sở hạ tầng 5G nhằm kết nối giao thông đường bộ, đường sắt và đường ngầm. Các cảm biến và công cụ dữ liệu bắt nguồn từ F1 hiện đang được sử dụng trong hệ thống Singapore Mass Rapid Transit cùng nhiều công trình khác.
Hoạt động cứu hộ
Dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng. Các bệnh viện hiện đang ứng dụng hệ thống dữ liệu của McLaren, để liên tục theo dõi bệnh nhân tại các khoa chăm sóc đặc biệt, không chỉ giúp bác sĩ chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân của họ mà còn tìm ra xu hướng và tiến hành nghiên cứu quan trọng. Các cảm biến F1 được đặt trên khuỷu tay của các bác sỹ phẫu thuật trong khi họ tiến hành ca mổ, cho phép họ nhận được các phản hồi chi tiết theo thời gian thực.
Công nghệ ứng dụng trong các pit stop nhanh nhất của F1 cũng được đưa vào hoạt động cấp cứu. Các bệnh viện như Great Ormond Street Hospital (Anh) và University Hospital of Wales (Anh) đều ứng dụng công nghệ này để cải thiện sự liên lạc giữa các bác sĩ phẫu thuật, y tá và bác sĩ gây mê trong các ca phẫu thuật.
Tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithKline cũng sử dụng công nghệ hiệu quả trong pit stop của McLaren, để tăng cường dây chuyền sản xuất, tăng gấp đôi lượng kem đánh răng có thể sản xuất mỗi năm mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.