Theo nhận định của hãng tin Reuters, có thể xem Mach E như một phần trong “bài kiểm tra” khắc nghiệt mà Ford tự đặt ra cho mình để đánh giá về cuộc tái cơ cấu công ty vốn đang gặp trở ngại bởi hàng loạt cảnh báo lợi nhuận, vấn đề chất lượng sản phẩm, và cuộc ra mắt không được suôn sẻ của một mẫu xe quan trọng khác trong năm nay - chiếc SUV Explorer.
Đối với Tổng giám đốc (CEO) Jim Hackett của Ford, thiết kế mạnh mẽ và nội thất mang màu sắc tương lai của Mach E chính là hiện thân rõ nét của cuộc cải tổ quy trình sáng tạo sản phẩm ở Ford. Suốt 2 năm qua, ông Hackett đã mất nhiều công sức để giải thích về sự đổi mới này với các nhà phân tích đầy sự hoài nghi về Ford trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong một cuộc trao đổi với Reuters, ông Hackett cho biết Ford đã cải cách quy trình tạo ra sản phẩm mới bằng các biện pháp quyết liệt, bao gồm rút ngắn thời gian phát triển mẫu xe mới, cắt giảm số kiến trúc sản phẩm chồng lấn từ 13 xuống 5, và áp dụng những thương hiệu thành công nhất của công ty cho các sản phẩm mới. Bằng cách này, Ford có thể tiết kiệm chi phí 20 tỷ USD trong kế hoạch sản phẩm 5 năm từ 2018-2023.
“Đây là thứ đầu tiên mà chúng tôi tạo ra được từ lối tư duy mới này”, ông Hackett nói trước khi ra mắt Mach E. “Và chúng tôi sẽ còn tạo ra được nhiều điều mới mẻ nữa”.
Đối với Chủ tịch Ford, ông Bill Ford Jr., Mach E là “một mũi tên trúng 2 đích”, đạt được cùng lúc hai mục tiêu đối lập nhau: một bên là tâm nguyện của ông muốn đưa Ford thành hãng xe đi đầu trong lĩnh vực xe sạch và trở thành carbon trung tính (carbon-neutral, tức có dấu ấn carbon bằng 0) vào năm 2020; một bên là tình yêu của ông đối với Mustang và động cơ V-8 mạnh mẽ của mẫu xe này.
“Chúng tôi thực sự đang đặt tất cả những gì mình có lên bàn với mẫu xe này”, ông Ford nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước khi Mach E ra mắt. Ford đã lên kế hoạch chi 11,5 tỷ USD để phát triển xe chạy điện và xe lai (hybrid) trong thời gian từ nay đến 2022.
Thực ra, Mach E khởi nguồn với những mong muốn khiêm tốn của Ford. Ban đầu, hãng xe này chỉ muốn điện hóa Mustang như một biện pháp tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng - tạo ra biến thể điện của một mẫu xe động cơ đốt trong truyền động bánh trước nhằm tạo ít khí thải hơn, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Trong ý tưởng ban đầu, Mustang Mach E không có mối liên hệ gì với hình ảnh xe “cơ bắp” của Mustang.
Những mẫu xe điện tẻ nhạt vốn đã trở thành điều quen thuộc với Ford và các hãng xe truyền thống khác. Nhưng Tesla thì khác. Vào năm 2013, hãng xe chuyên về xe điện này trình làng Model S, một mẫu xe điện trông giống như một chiếc sedan hạng sang của châu Âu, mang hơi hướm thể thao, có một màn hình lớn cho giải trí và các tính năng khác.
Và chính nhờ những sáng tạo như vậy, Tesla giờ đây có mức vốn hóa thị trường còn lớn hơn cả Ford.
Theo ông Ted Cannis, Giám đốc phụ trách điện hóa xe toàn cầu của Ford, các cuộc thăm dò ý kiến khách hàng do hãng thực hiện đã cho thấy những mẫu xe chạy điện tẻ nhạt chính là sai lầm lớn.
Mối hoài nghi này được đặt lên vị trí hàng đầu vào giữa năm 2017, khi CEO Hackett - khi đó vừa mới nhậm chức - đánh giá thiết kế của Mach E cùng với Phó chủ tịch điều hành Jim Farley.
“Thiết kế đó không đủ tốt”, ông Hackett nhớ lại. Ông Farley đồng tình, và ông Hackett tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận thiết kế này”.
Sau đó, nhóm thiết kế Mach E bắt đầu lại từ đầu, sử dụng luôn một kiến trúc mới của xe chạy điện, thay vì sử dụng một phiên bản điều chỉnh của kiến trúc xe chạy động cơ hơi đốt như kế hoạch trước đó.
Thiết kế phần đầu xe mang âm hưởng “khuôn mặt cá mập” đặc trưng và tỷ lệ thân xe của xe Mustang “cơ bắp” được áp dụng sang cho Mach E. Bên dưới sàn xe là một hệ thống pin có thể cung cấp năng lượng để xe chạy quãng đường lên tới 300 dặm (483 km) đối với phiên bản chặng dài (extended range version).
Thay đổi thiết kế Mach E tiêu tốn không ít tiền, nhưng Giám đốc phát triển sản phẩm của Ford, ông Hau Thai-tang nói rằng kiến trúc xe điện chuyên biệt cho mẫu xe này sẽ giúp cải thiện hiệu quả sản xuất 25-30%, theo đó giúp bù đắp chi phí của việc điều chỉnh thiết kế.
Việc sử dụng tên gọi Mustang cho mẫu xe điện này đến không dễ dàng. “Lúc đầu, tôi hoàn toàn phản đối”, ông Bill Ford tiết lộ. Ông cho biết dần trở nên cởi mở hơn với ý tưởng này khi xem xét thiết kế và các thông số kỹ thuật của Mach E. Và cuối cùng, ông Ford đã chấp nhận dùng cái tên Mustang cho Mach E, khi ông lái thử một chiếc xe mẫu vào đầu năm nay.
“Tôi có cảm giác đúng như lái một chiếc Mustang vậy”, ông nói.
Đây không phải là lần đầu tiên các kỹ sư của Ford mạnh dạn phá vỡ khuôn mẫu với Mustang trong bối cảnh công ty trải qua một giai đoạn khó khăn trong lịch sử hãng.
Chiếc Mustang đầu tiên ra đời năm 1964 dựa trên chiếc xe compact Falcon vốn đã nổi tiếng trước đó của Ford. Sau khi ra mắt, Mustang nhanh chóng trở thành một mẫu xe đắt khách, bán chạy hơn nhiều so với kỳ vọng.
Vào đầu thập niên 1990, khi kinh tế Mỹ sụt giảm, Ford cùng với đối tác khi đó là hãng xe Nhật Bản Mazda đã chuyển đổi Mustang từ xe truyền động bánh sau thành xe truyền động bánh trước, nhờ đó cắt giảm chi phí.
Chiếc Mach E là một bước ngoặt nữa của Mustang nói riêng và Ford nói chung, ông Hackett khẳng định.