Trong bản báo cáo tài chính mới nhất, Daimler - công ty mẹ sở hữu thương hiệu hạng sang Mercedes, dự báo trong năm tới, hàng tỷ USD lợi nhuận có thể sẽ bị thâm hụt. Lý do chính dẫn tới dự báo này là việc các nước đang ngày càng xiết chặt các đạo luật về môi trường, liên quan tới vấn đề phát thải khí CO2 do xe hơi gây ra.
Có tới 4 nguồn tin (2 ở Đức và 2 ở Anh) xác nhận, đại diện công ty Daimler đã liên hệ với họ trong tuần vừa qua để chia sẻ, mức dự báo lợi nhuận 10 tỷ Euro cho năm 2020 được nhiều hãng thông tấn công bố, là cao hơn 20% so với dự tính của công ty.
Lý do được đại diện Daimler đưa ra, là công ty đang phải tốn một khoản chi phí lớn cho việc thương mại hóa các mẫu xe điện phổ thông. Kèm theo đó là sự sụt giảm nhu cầu về xe thương mại của thị trường châu Âu.
Cụ thể, theo đại diện các nhà đầu tư của Daimler, thì trong năm tới, lợi nhuận của thương hiệu Mercedes sẽ sụt giảm từ 1,3 - 1,6 tỷ USD và lợi nhuận của Daimler Truck (thương hiệu chuyên làm xe tải và xe thương mại) thì sẽ sụt giảm khoảng 800 triệu USD. Dù không đưa ra mục tiêu cụ thể, nhưng thương hiệu xe sang của Đức đang nhắm tới con số 8 - 10% lợi nhuận biên, tính từ giờ cho tới đầu năm 2021.
Còn theo các nhà phân tích thị trường, thì việc Daimler đưa ra dự báo thấp hơn 20% so với mức được công bố là điều bất hợp lý. Bởi lẽ bên kia chiến tuyến, đối thủ BMW cũng phải đối mặt với những vấn đề về cắt giảm khí thải tương tự như Mercedes-Benz, thế nhưng hãng này không hề phàn nàn gì, và mọi chi phí vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.
Trong một diễn biến khác, Daimler hiện phải đối mặt với án phạt lên tới hơn 1,1 tỷ USD, do phần mềm gian lận khí thải tại châu Âu. Cụ thể, các mẫu xe Mercedes C-Class và E-Class trang bị động cơ dầu diesel tại Đức đã bị các nhà chức trách phát hiện gian lận phần mềm. Hệ quả là hãng xe Đức đã phải triệu hồi hơn 280.000 sản phẩm để khắc phục hậu quả, với chi phí tạm tính khoảng 5.600 USD cho mỗi một chiếc xe.
Sự việc này được phát giác hồi tháng 5/2017, khi lực lượng chức năng Đức bất ngờ ập vào khám xét giấy tờ tại trụ sở công ty và phát hiện ra việc gian lận khí thải. Trước đó, Mercedes cũng đã phải triệu hồi một lượng lớn sản phẩm GLK 200, đời từ 2012 đến 2015, sử dụng máy dầu diesel. Đồng thời, hãng này cũng đã phải đối mặt với cuộc điều tra của cơ quan môi trường EPA tại Mỹ, liên quan tới vấn đề khí thải xe hơi, vào năm 2016.
Đây là khoảng thời gian tăm tối của nền công nghiệp xe hơi Đức, khi chứng kiến hàng loạt ông lớn vấp phải những án phạt nặng liên quan tới vấn đề khí thải xe hơi. Tháng 5 năm ngoái, các công tố viên Đức tại Stuttgart đã phạt Porsche 600 triệu USD, phạt Bosch 100 triệu USD. Tương tự, Volkswagen đã bị phạt 1,12 tỷ USD, còn Audi cũng đã phải nhận một án phạt gần 900 triệu USD.