Xe điện Hongguang Mini của liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile Co. Ảnh: Bloomberg.
Các startup xe điện Trung Quốc thu hút mạnh mẽ sự chú ý của giới truyền thông. Cuộc cách mạng xe điện bùng nổ ở Trung Quốc thường được nhắc đến cùng với những cái tên như Xpeng, Nio và cả Tesla của Elon Musk. Nhưng có nên bỏ qua những tên tuổi ô tô lâu năm của thị trường này?
SAIC Motor, công ty ra đời từ những ngày đầu của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vào những năm 1940, đang nỗ lực đảm bảo 15 năm thống trị của mình trên đỉnh bảng xếp hạng doanh số của quốc gia này sẽ không sớm kết thúc.
Chỉ trong năm nay, SAIC đã tung ra hai thương hiệu xe điện mới (trong đó có một thương hiệu EV để cạnh tranh với Tesla và Nio), công bố kế hoạch IPO của đơn vị phát triển xe chạy bằng hydro của mình, rót tiền vào hãng khởi nghiệp xe tự lái của Trung Quốc Momenta và đang tìm mua hai con tàu để tăng gần gấp đôi năng lực xuất khẩu. Họ cũng đang tìm cách củng cố đơn vị gọi xe Xiangdao Chuxing của mình để cung cấp nhiều dịch vụ hơn.
Gần đây hơn, hãng đã nộp khoảng 100 ứng dụng đăng ký tên thương hiệu có chứa các ký tự Trung Quốc cho “Metaverse” cho mọi thứ từ ga trải giường đến đồ dùng nhà bếp. SAIC đã kịp thời bước chân vào thế giới khoa học viễn tưởng thực tế ảo mà người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã khơi dậy và đặt cược vào tương lai.
Đó là một sự chuyển đổi đáng chú ý đối với SAIC, công ty do nhà nước kiểm soát, và là một điều không thể tưởng tượng được chỉ vài năm trước đây khi hãng chỉ là một nhà sản xuất ô tô.
Nhưng những “chuyển đổi đáng chú ý” và những điều “không thể tưởng tượng” cũng đang xảy ra với tất cả các nhà sản xuất ô tô cũ, từ GM đến Volkswagen (hai đối tác nước ngoài của SAIC tại Trung Quốc), đến Toyota, Nissan và Mercedes - tất cả đều đang đổ hàng chục tỷ USD vào tương lai xe điện.
Và SAIC không phải là tân sinh EV. Hãng đã sản xuất chiếc SUV thông minh đầu tiên của Trung Quốc, Roewe RX5, hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Alibaba, vào năm 2016. Hongguang Mini đáng yêu của SAIC, sản phẩm liên doanh với GM và Guangxi Auto, đã trở thành chiếc xe EV bán chạy nhất quốc gia nhờ vào đơn giá rất thân thiện với người tiêu dùng - 4.500 USD. Công ty có mục tiêu đầy tham vọng là nâng doanh số bán xe lên 1,2 triệu chiếc vào năm tới, gần bằng số lượng xe điện mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sản xuất vào năm 2020 cộng lại.
Thực tế, SAIC-GM-Wuling là cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Sau thành công với mẫu xe điện tí hon bán chạy số 1 thị trường Wuling Hong Guang Mini EV, liên doanh này vừa hé lộ hình ảnh teaser về mẫu ô tô 9 chỗ, nhằm đón trước nhu cầu mua xe cỡ lớn của các gia đình Trung Quốc, khi chính sách cho phép sinh 3 con được thông qua.
Wuling - sản phẩm của SAIC - là cái tên nổi tiếng gần đây tại Trung Quốc và các thị trường lân cận như Việt Nam, sau khi hãng rất thành công với mẫu xe điện nhỏ gọn với giá bán chỉ hơn 100 triệu đồng. Mới đây, liên doanh này đã ra mắt một lúc 4 phiên bản ô tô giá rẻ Baojun Valli. Mẫu xe có giá thấp nhất chỉ từ 287 triệu đồng.
Tuy nhiên, mặc dù thống trị thị trường nội địa, SAIC khá im ắng bên ngoài Trung Quốc. Câu chuyện bắt đầu thay đổi trong vài năm qua khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trở nên độc lập hơn với các đối tác nước ngoài và nỗ lực thúc đẩy sản xuất xe điện khi nhu cầu trong nước tăng vọt.
Chủ tịch Chen Hong hy vọng sự chuyển đổi này sẽ giúp hồi sinh giá cổ phiếu thấp. Cổ phiếu SAIC đã giảm 16% trong năm nay, trở thành công ty có hoạt động kém nhất trong Chỉ số ô tô thế giới Bloomberg gồm 24 thành viên.
Và với vốn hóa thị trường là 37,6 tỷ USD, SAIC được định giá ngang bằng với Xpeng, mặc dù SAIC bán chạy hơn đối thủ 7 năm tuổi của mình với hệ số khoảng 50-1.
“Trong mắt các nhà đầu tư, SAIC vẫn là một công ty sản xuất truyền thống, nhưng trên thực tế, chúng tôi đã và đang thay đổi”, Chen nói trong cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng Sáu. “Khi tỷ trọng doanh nghiệp mới tăng lên, tôi tin rằng giá cổ phiếu của chúng tôi sẽ tăng, nhưng quá trình này cần nhiều thời gian”.