Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, trong khi các nhà sản xuất ô tô triển khai thay đổi quan trọng nhất về công nghệ xe cộ trong cả một thế hệ trở lại đây, vẫn chưa có một tiêu chuẩn nào về an toàn hay vận hành để họ tuân thủ.
Được khuấy động bởi thành công ban đầu của Tesla và mong muốn sớm thu được lợi nhuận từ việc chi hàng tỷ USD vào nghiên cứu công nghệ tự lái, các hãng xe đang thúc đẩy kế hoạch riêng của họ nhằm tự động hóa những nhiệm vụ đã trở thành thói quen của các tài xế, chẳng hạn lái thẳng đều trên đường cao tốc, giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước, giữ-chuyển làn… Các nhà điều hành trong ngành ô tô cho biết các tính năng lái tự động như vậy trên ô tô sẽ trở nên phổ biến trong vòng 5 năm tới.
Cho tới gần đây, hầu hết các hãng xe truyền thống vẫn chống lại ý tưởng cho phép tài xế bỏ tay khỏi vô lăng trong khoảng thời gian dài trong khi lái xe. Lý do nằm ở vấn đề an toàn: nhà sản xuất không muốn gánh chịu những hậu quả có thể xảy ra từ sự rảnh tay này. Nhưng giờ đây, các hệ thống lái xe rảnh tay lại đang trở thành một nguồn lợi nhuận mới mẻ và cân thiết cho các hãng xe và những nhà cung ứng linh kiện, nhất là khi công nghệ này nằm trong những gói tùy chọn mà người mua xe phải trả thêm tiền nếu muốn xe họ có.
“Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm, đôi khi là trả thêm nhiều tiền, để có công nghệ và tính năng hiện đại nhằm mang lại sự thoải mái cho họ, thay vì nhất quyết tập trung vào vấn đề an toàn”, nhà phân tích Jeremy Carlson thuộc công ty phân tích thị trường IHS phát biểu.
Để giải quyết mối lo trách nhiệm, một số hãng xe lắp đặt camera bên trong xe, kết hợp với hệ thống cảnh báo, nhằm đảm bảo tài xế vẫn giữ sự chú ý và sẵn sàng điều khiển bằng tay khi cần thiết.
Các nhà phê bình thì cho rằng các tính năng tự lái trên đường cao tốc, tự động đưa xe vào chỗ đỗ, dừng đỗ trước đèn giao thông… đang được triển khai trong môi trường khoảng trống pháp lý. Họ nói rằng, tình trạng thiếu vắng các tiêu chuẩn áp dụng toàn ngành và một bộ thuật ngữ chung đang tạo ra sự mập mờ, khó hiểu về những gì mà các hệ thống lái tự động có thể làm một cách an toàn.
Trao đổi với Reuters, Cơ quan An toàn giao thông đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết vẫn đang nghiên cứu và tập hợp dữ liệu vê công nghệ xe tự lái. Cơ quan này cho rằng công nghệ tự lái “chưa đủ chín muồi” để đòi hỏi các tiêu chuẩn chính thức của liên bang.
Cựu Giám đốc NHTSA Mark Rosekind nhận định, ngành công nghiệp ô tô có thể phải phát triển thêm nữa công nghệ tự lái thì nhà chức trách liên bang mới cần ban hành quy chế. Dù vậy, ông Rosekind cũng thừa nhận rằng nhiều vấn đề về công nghệ này đang khiến người tiêu dùng băn khoăn, khó hiểu.
“Nếu mọi người không biết chắc họ có được thứ gì và thứ đó thực sự vận hành ra sao, thì đó là một vấn đề về an toàn”, ông Rosekind nhấn mạnh.
Theo ông Jason Levine, người đứng đầu tổ chức về lái xe an toàn Center for Auto Safety, cho rằng NHTSA nên đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về vận hành của các hệ thống tự lái trên ô tô. “Cho dù người tiêu dùng có biết là tính năng tự lái có thể làm những gì đi chăng nữa, thì hiện vẫ chưa có tiêu chuẩn nào để đảm bảo chắc chắn rằng tính năng đó hoạt động đúng như được quảng cáo”, ông Levine phát biểu.
Autopilot của Tesla, một trong những hệ thống lái bán tự động đầu tiên trong ngành ô tô, đã bị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) chỉ trích là để cho tài xế mất tập trung vào việc lái xe, dẫn tới một số vụ tai nạn chết người. NHTSA đã tiến hành điều tra 15 vụ tai nạn xảy ra từ năm 2016 có liên quan đến xe Tesla trang bị Autopilot.
Ban đầu, Autopilot được Tesla quảng bá là “rảnh tay”, nhưng hãng sau đó nhanh chóng thay đổi lập trường. Giờ đây, Tesla khẳng định tài xế cần giữ tay trên vô lăng ngay cả khi tính năng Autopilot được bật. Cách đây ít lâu, một tòa án ở Đức đã ban lệnh không cho phép Tesla lặp lại những tuyên bố gây hiểu lầm khi quảng bá về hệ thống tự lái của hãng, trong đó có tuyên bố rằng xe Tesla có khả năng lái tự động.
Trong lúc chưa có các quy chế hay tiêu chuẩn đối với công nghệ tự lái, một nhóm gồm các tổ chức đánh giá ô tô uy tín như JD Power, Consumer Reports và AAA đang tìm cách thuyết phục các hãng xe nhất trí về một bộ thuật ngữ và định nghĩa chung trong lĩnh vực này. Đây là một sáng kiến được Bộ Giao thông Mỹ ủng hộ.
Dù vậy, ngay cả những công ty nghiên cứu hàng đầu cũng chưa thống nhất được tên gọi của công nghệ này. Thay vì “rảnh tay” (hands free), JD Power sử dụng từ “hỗ trợ lái chủ động”(active driving assistance), còn IHS Markit lại dùng “lái xe không dùng tay trong thời gian dài” (extended hands-off driving).
Về phần mình, các hãng xe truyền thống của Mỹ tỏ ra thận trọng hơn Tesla. Thay vì gọi hệ thống của mình là “lái tự động”, họ gọi là “lái bán tự động”.
Chuyên gia Kristin Kolodge của JD Power cho biết ngày càng có nhiều người tiêu dùng ở Mỹ mua hoặc thuê xe mới có hệ thống hỗ trợ lái hiện đại, bao gồm các tính năng như giữ làn tự động (chiếm 70% xe mới được bán) hay kiểm soát hành trình (77%). Đây là hai tính năng chủ yếu của hầu hết các hệ thống lái rảnh tay.
Các nhà sản xuất ô tô nói rằng việc triển khai rộng hơn công nghệ lái tự động sẽ giúp giảm số vụ tai nạn và giảm phí bảo hiểm cho người tiêu dùng. Nhưng đến nay, các hãng bảo hiểm vẫn chưa chắc chắn về điều này, nói rằng họ cần thu thập thêm dữ liệu mới có thể khẳng định công nghệ tự lái giúp giảm chi phí liên quan đến các vụ tai nạn hay không.