Porsche cho biết hãng sẽ chi hơn 6 tỷ Euro, tương đương 6,6 tỷ USD, để phát triển xe chạy điện trong thời gian từ nay đến năm 2022. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Taycan được đầu tư kỹ lưỡng. Không chỉ là một mẫu xe mạnh mẽ (bản Turbo S được trang bị động cơ 750 mã lực), Taycan còn được hậu thuẫn bởi một mạng lưới các điểm xạc rộng lớn.
Tại Bắc Mỹ, các điểm xạc xe Taycan là một phần trong sáng kiến của Volkswagen, tập đoàn mẹ của Porsche, có tên Electrify America. Mạng lưới xạc xe này có tới 300 điểm nằm trên các tuyến đường cao tốc.
Dưới đây là quy trình lắp ráp cuối cùng để tạo ra những chiếc xe điện Taycan tại nhà máy Stuttgart-Zuffenhausen của Porsche ở Đức:
Phần thân vỏ của một chiếc Taycan đang được di chuyển bằng cần trục trên dây chuyền sản xuất. Thay vì sử dụng dây truyền lắp ráp truyền thống có phần cứng nhắc, quy trình sản xuất Taycan sử dụng một dây chuyền linh hoạt, với một hệ thống vận chuyển không người lái để di chuyển các bộ phận của xe. Sự linh hoạt này đồng nghĩa với việc những yêu cầu riêng biệt của từng khách hàng có thể được thực hiện dễ dàng hơn. Ngoài ra, kiểu dây chuyền này cũng đơn giản hóa cấu trúc của nhà máy, giúp dễ dàng thực hiện các điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Một chiếc Taycan chuẩn bị được lắp ráp hệ thống điều khiển. Taycan là chiếc xe không tạo ra khí thải khi vận hành, và quy trình sản xuất chiếc xe này cũng là một quy trình trung tính carbon (carbon-neutral). Nhà máy sản xuất xe Taycan sử dụng năng lượng điện tái sinh và khí gas sinh học để tạo hơi ấm trong các tòa nhà.
Một hệ thống khá phức tạp được lắp đặt bên dưới hệ thống điều khiển của một chiếc Taycan. Khi hoàn thiện, hệ thống điều khiển của xe trông tối giản nếu nhìn từ bên ngoài. Phía sau vô-lăng sẽ là một màn hình lớn hiển thị các thông số như tốc độ, vòng quay động cơ, chế độ lái… Các chức năng như điều khiển âm thanh, khí hậu trong xe, điều hướng, camera ngoài, độ ấm của ghế, giải trí… sẽ được điều khiển thông qua một màn hình cảm ứng.
Thân vỏ của một chiếc Taycan đang được kiểm tra chất lượng. Porsche cho biết hãng sử dụng 35.000 tấn thép để xây dựng nhà máy sản xuất Taycan. Số thép này đủ để sản xuất 140.000 chiếc Porsche 911.
Cánh tay robot đang lắp ráp cửa sổ một chiếc Taycan. Nhà máy sản xuất Taycan mất 4 năm để đi từ kế hoạch xây dựng nhà máy cho tới bắt đầu sản xuất xe. Quá trình này diễn ra nhanh hơn gần nửa năm so với dự kiến.
Logo của Porsche có thể được nhìn thấy rõ trên đĩa phanh của một chiếc Taycan. Loại xe này được trang bị hệ thống phanh tái sinh (regenerative braking) giúp hồi pin khi người lái đạp thắng.
Các robot vận chuyển tự động đang di chuyển trục trước và trục sau của xe. Taycan Turbo S và bản rẻ hơn là Taycan Turbo đều có hai động cơ điện, một nằm ở trục trước và một nằm ở trục sau của xe, nhờ đó chiếc xe được truyền động cả bốn bánh. Ngoài ra, Taycan là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được trang bị hộp số hai cấp dành cho trục sau. Cấp thứ nhất giúp chiếc xe tăng tốc mạnh, trong khi cấp thứ hai giúp duy trì sức mạnh khi chiếc xe di chuyển ở tốc độ cao.
Một chiếc Taycan chưa hoàn thiện đang được vận chuyển trong dây chuyền sản xuất. Hệ thống pin với điện áp cao Performance Battery Plus được lắp bên dưới gầm xe, giúp chiếc xe hạ thấp trọng tâm, nhờ đó bám đường tốt hơn. Porsche cho biết, khoang lắp đặt hệ thống pin là một linh kiện chịu tải của cấu trúc xe, bên trong còn có bộ phận làm mát và các linh kiện điện khác, giúp bảo vệ những bộ phận này khỏi điều kiện thời tiết xấu hay đường xấu. Taycan là chiếc xe được sản xuất hàng loạt đầu tiên có hệ thống điện áp 800 volt, so với mức 400 volt thường gặp ở các xe điện khác.
Những cánh tay robot được trang bị camera đang kiểm tra chất lượng các mối hàn trên thân vỏ của một chiếc Taycan.
Một công nhân đang kiểm tra kỹ lưỡng thân vỏ của một chiếc Taycan còn đang trong dây chuyền sản xuất. Porsche có 10 màu sơn khác nhau cho Taycan, còn nội thất của chiếc xe có 9 biến thể và 3 tông màu. Trong số này, riêng chỉ có màu đỏ son là khách hàng phải trả thêm 3.150 USD.
Các công nhân đang tiến hành kiểm tra chất lượng dưới mui xe.
Một chiếc Taycan gần hoàn thiện đang được kiểm tra chất lượng trên dây chuyền. Bản Turbos S với động cơ 750 mã lực có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong vòng 2,6 giây, đạt vận tốc tối đa 260 km/h. Bản Turbo có động cơ 670 mã lực, tăng tốc từ 0-100 km/h trong 3 giây.
Một chiếc Taycan được chạy thử ở khu vực kiểm tra chất lượng cuối cùng trên dây chuyền sản xuất. Porsche đã nhận được hơn 30.000 đơn đặt hàng Taycan, cao gấp rưỡi so với kế hoạch ban đầu là sản xuất 20.000 xe mỗi năm.
Một chiếc Taycan Turbo đang xạc pin tại một trạm xạc trong nhà máy của Porsche. Người dùng xe Taycan cũng có thể xạc chiếc xe này bằng một ổ cắm đơn giản với dòng điện xoay chiều 11 kW tại nhà. Vơi 5 phút xạc, chiếc xe có thể đi được quãng đường 100 km. Chiếc xe có thể xạc đầy trong vòng khỏang 20 phút đồng hồ tại các trạm xạc điện áp cao 800 volt. Nếu được xạc đầy, xe có thể đi được quãng đường khoảng 450 km.
Một chiếc Porsche Taycan chạy hoàn toàn bằng điện xuất hiện trên sân khấu lễ ra mắt chính thức hôm 9/9, chính thức “khai mạc” việc sản xuất Taycan tại nhà máy ở Stuttgart. Chiếc sedan 4 cửa này đã được bán, và thời gian giao hàng dự kiến bắt đầu từ tháng 3/2020. Bản Turbo có giá từ 153.510 USD, trong khi bản Turbo S có giá từ 187.610 USD. Bản Taycan 4S với hệ thống pin Performance Battery có giá từ 103.800 USD, còn bản Taycan 4S với pin Performance Battery Plus có giá từ 110.380 USD.