Việc lựa chọn hộp số, cũng giống như nhiều khía cạnh khác trong ngành công nghiệp ô tô, chủ yếu là một chức năng của thị trường. Việc phần đông người Mỹ quay lưng lại với xe số sàn (MT) không có nghĩa là tất cả phần còn lại của thế giới cũng lựa chọn như vậy.
Trên phương diện kỹ thuật, nhìn vào những con số thuần túy, có thể thấy rằng hộp số tự động (AT) chuyển số nhanh hơn so với hộp số sàn truyền thống. Với kỹ thuật lập trình hiện đại, nhiều hộp số tự động hiện nay còn chứng tỏ được khả năng ưu việt trong việc giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng so với một chiếc xe số sàn được điều khiển bởi tài xế giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề khác, xa hơn việc đổi số nhanh và tiết kiệm xăng dầu, có thể giúp hộp số sàn tiếp tục được trang bị ở một số loại xe trong tương lai gần, thay vì bị “khai tử” hoàn toàn như nhiều người dự báo.
Vậy đâu sẽ là những dòng xe cuối cùng trên thế giới sử dụng hộp số tay? Và những xe như thế sẽ được bán ở thị trường nào? InsideHook đã đưa ra câu trả lời.
Thị trường Mỹ và toàn cầu
Triển vọng của xe số sàn ở thị trường Mỹ là cực kỳ u ám. Dữ liệu từ Edmunds cho thấy trong số 327 mẫu xe mới được bán tại Mỹ trong năm nay, chỉ có 41 mẫu có bản số sàn, tương đương tỷ lệ 13%. Đây là sự sụt giảm mạnh so với thời điểm cách đây 1 thập kỷ, khi 37% số mẫu xe mới tại Mỹ trong năm 2011 có phiên bản số sàn.
Còn theo số liệu mà Green Car Reports công bố đầu năm nay, chỉ 1,1% số xe mới được bán ở Mỹ là xe số sàn, so với tỷ lệ 2% vào năm 2018.
Nhưng nếu nhìn trên phạm vi toàn cầu, tình hình của hộp số sàn không đến mức tệ như vậy. Hộp số tự động vẫn là lựa chọn chiếm ưu thế, nhưng hộp số điều khiển bằng tay vẫn chiếm tỷ lệ 37,7% trên thị trường. Tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, tương quan giữa xe số sàn và xe số tự động vào thời điểm năm 2018 là 50/50. Tại một số quốc gia khác như Anh, hộp số sàn thậm chí trang bị cho 60% số xe mới được bán.
Vì sao khác biệt?
Chênh lệch về tỷ trọng xe số sàn tại các quốc gia khác nhau có thể xuất phát từ những khác biệt căn bản trên thị trường mỗi nước.
Tại Mỹ, hộp số sàn vốn chiếm ưu thế mạnh nhất ở hai dòng xe là xe thể thao và xe giá rẻ.
Nhưng xe thể thao chưa bao giờ mang lại doanh số “khủng” cho các hãng xe. Ngoài ra, khi các nhà sản xuất xe thể thao cạnh tranh lẫn nhau về khả năng tăng tốc từ 0 lên 100 km/giờ, phương diện kỹ thuật của loại xe này quay lại dành sự chú trọng đặc biệt cho hộp số ly hợp kép (DCT) và thiết kế tự động chuyển đổi mô-men xoắn truyền thống. Hộp số DCT có thể hoạt động ở chế độ tự động hoàn toàn hoặc được điều khiển theo ý muốn của người lái thông qua 2 lẫy chuyển số nằm trên vô-lăng.
Về phần mình, xe giá rẻ đã trải qua một cuộc cách mạng của riêng nó trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, khi các nhà sản xuất nhận ra rằng những khách hàng đề cao giá trị vẫn muốn được tiếp cận với các thiết bị an toàn tân tiến và các tính năng công nghệ cao khác. Nhiều trong số những tính năng như vậy đòi hỏi xe phải được trang bị hộp số tự động, bởi chỉ hộp số tự động mới cho phép hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC) và phanh tự động hoạt động trơn tru.
Kết quả là ngay cả xe giá rẻ ở Mỹ cũng dần từ chối hộp số sàn, chưa kể tới việc xe giá rẻ cũng có “truyền thống” bán chậm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại châu Âu, một câu chuyện khác mở ra. Hộp số tự động chậm chạp hơn nhiều trong việc chiếm lĩnh những chiếc xe mà người dân ở khu vực này sử dụng hàng ngày, mà lý do chính nằm ở lợi ích tiết kiệm năng lượng mà xe số sàn có thể mang lại cho một tài xế có kỹ năng tốt. Giá xăng dầu ở nhiều nước châu Âu có thể cao gấp 2-3 lần so với ở Mỹ, nên điều này hoàn toàn không có gì khó hiểu. Sự phổ biến của xe chạy dầu diesel - loại nhiên liệu rẻ hơn xăng - ở châu Âu cũng là một nhân tố quan trọng đằng sau sự phổ biến của hộp số sàn ở khu vực này.
Bên cạnh đó, giá xe ở nhiều nước trên thế giới có thể đắt hơn nhiều so với ở Mỹ, do những yếu tố như thuế, phí. Nếu chọn xe số tự động, người tiêu dùng ở các quốc gia như vậy sẽ phải chi thêm một khoản không nhỏ cho việc mua xe.
Có thể xem đây như nguyên nhân chính cho sự phổ biến của xe số sàn ở Trung Quốc, nơi việc sở hữu ô tô được xem như một biểu tượng địa vị quan trọng. Với niềm khao khát sở hữu ô tô, nhiều người Trung Quốc nóng lòng mua xe trong khi điều kiện tài chính chưa thực sự dồi dào. Trong những trường hợp như vậy, họ sẵn sàng chấp nhận mua xe số sàn, bởi xét cho cùng, chỉ cần thiên hạ trầm trồ khi bạn có xe, chứ việc xe số sàn hay số tự động đâu có gì quan trọng!
“Thủ phạm” xe tải nhẹ
Có một vấn đề mấu chốt nhưng hiếm khi được đề cập khi nói về sự thất thế của xe số sàn ở Mỹ. Loại xe bán chạy nhất ở Mỹ là tải nhẹ (light truck), với 12,2 triệu xe được bán trong năm 2019, chiếm hơn 71% toàn thị trường.
Trong số này, không có bất kỳ một mẫu pickup (dòng tải nhẹ được chuộng nhất ở Mỹ hiện nay) cỡ lớn này có bản số sàn. Chỉ có một vài mẫu SUV (cụ thể là 3 mẫu Jeep, 1 Subaru, và 1 Hyundai, và 1 Mini) có bản số sàn. Nissan và Toyota mỗi hãng đưa ra thị trường Mỹ duy nhất một mẫu pickup cỡ trung có bản số sàn.
Tại các thị trường ngoài Mỹ, xe tải nhẹ ít phổ biến hơn nhiều, và ở những nơi chúng có mặt, các mẫu xe thường có bản đổi số bằng tay.
Suy giảm từ từ
Tất cả những gì đã nói ở trên chỉ là câu chuyện của hiện tại, và sẽ thay đổi trong tương lai. Dù tỷ lệ xe số sàn trong tổng số xe mới bán ra ở châu Âu chưa giảm xuống tới mức một con số như ở Mỹ, doanh số xe trang bị hộp số tự động tại khu vực này đang tăng vững. Sự gia tăng đó diễn ra trong bối cảnh các hãng xe tiếp tục tinh gọn hoạt động sản xuất và sử dụng chung nền tảng xe cho nhiều thị trường khác nhau.
Được điều khiển bằng máy tính, hộp số tự động ngày càng cạnh tranh mạnh với hộp số tay về khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Cùng với đó, chi phí kỹ thuật của hộp số tự động cũng giảm dần theo thời gian. Vì vậy, lý do thực dụng để sắm một ô tô số sàn cũng yếu dần. Chưa kể, nhiều thành phố lớn của châu Âu đang thắt chặt các quy định về khí thải, trong đó tiến tới cấm ô tô máy dầu, đồng nghĩa với hộp số sàn mất đi một trụ đỡ quan trọng khác.
“Khẩu vị” ô tô của người Trung Quốc cũng có khuynh hướng ngày càng giống người Mỹ. Xe sedan vẫn phổ biến ở Trung Quốc, nhưng xe SUV đã bắt đầu nổi lên ở nước này, và đi cùng với đó là hộp số tự động thay cho số sàn.
Có thể nói rằng ngày “tận thế” của xe số sàn vẫn còn khá xa - có lẽ khoảng 1 thập kỷ nữa hộp số tự động bằng tay mới biến mất hoàn toàn khỏi lựa chọn khi sắm một ô tô mới. Xe thể thao có lẽ sẽ không phải là loại ô tô cuối cùng dùng loại hộp số lâu đời này, mà đó sẽ là những loại xe cơ bản và quen thuộc hơn trong việc vận chuyển hàng hóa và con người.
InsideHook cho rằng loại xe cuối cùng trên thế giới dùng số sàn sẽ là những chiếc xe tải thương mại cỡ nhỏ và những chiếc hatchback nhỏ nhắn. Và thị trường cuối cùng có xe số sàn ắt sẽ là một quốc gia nào đó khác chứ không phải Mỹ.