Vừa qua, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và lệ phí trước bạ (LPTB) trong 5 năm với ô tô điện do Tập đoàn Vingroup đề xuất.
Trong quá trình trao đổi văn bản giữa các bộ ngành, Bộ Tài chính nêu ra những kinh nghiệm quốc tế, hiện đang áp dụng ở một số quốc gia trong việc vận dụng chính sách thuế để kích thích sản xuất và tiêu dùng xe điện, cụ thể:
Hàn Quốc: Miễn thuế TTĐB, miễn thuế phương tiện với các loại xe ô tô điện chạy pin và xe ô tô điện sử dụng nhiên liệu hydro.
Ngoài ra, Hàn Quốc đã ban hành chương trình khuyến khích xe ô tô điện chạy pin từ năm 2011 với rất nhiều các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế với các vùng trên cả nước.
Chính phủ nước này cũng đã đưa ra hỗ trợ giá 13.000 USD đối với các phương tiện chạy điện hoàn toàn, tuy nhiên khoản trợ cấp này đã giảm dần từ 2014 đến 2020.
Với các ưu đãi về thuế, năm 2015, Hàn Quốc đã có khung ưu đãi đối với xe ô tô điện chạy pin như: Giảm tối đa 2.000 USD thuế tiêu dùng cá nhân (thuế đóng một lần); Giảm tối đa 1.400 USD thuế mua xe.
Trung Quốc: Miễn thuế tiêu dùng khi mua xe ô tô điện chạy pin, giảm 50% lệ phí đăng ký đối với xe ô tô điện chạy pin.
Indonesia: Giảm hoặc miễn thuế hàng hóa xa xỉ cho xe ô tô điện chạy pin. Từ 2021, tăng thuế suất TTĐB xe điện lai sạc pin (PHEV) lên 5%. Đối với các dòng xe hybrid khác (full hybrid và mild hybrid), tăng lên từ mức 2% - 12% lên 6% - 12%. Thuế suất 0% đối với các dòng xe ô tô điện chạy pin. Có lộ trình tăng thuế suất lên 8% với xe PHEV, 10% - 14% với xe hybrid khác.
Ngoài ra, Indonesia còn có các ưu đãi tín dụng dành cho các tổ chức/cá nhân đủ điều kiện bao gồm: Miễn thuế nhập khẩu đối với xe ô tô điện chạy pin ở dạng rời rạc hoàn toàn (CKD) hoặc rời rạc không hoàn toàn (IKD) và đối với các cụm linh kiện chính của xe ô tô điện chạy pin với số lượng nhất định trong một khoảng thời gian nhất định; Giảm hoặc miễn thuế bán hàng đối với hàng xa xỉ; Giảm hoặc miễn thuế do chính quyền vùng hoặc chính quyền trung ương banhành, bao gồm việc giảm hoặc miễn thuế xe cơ giới và chuyên quyền sở hữu xe cơ giới; Miễn thuế nhập khâu máy móc, vật tư và thiết bị sử dụng để sản xuất xe ô tô điện chạy pin; Ưu đãi cho sản xuất thiết bị trạm sạc xe ô tô điện chạy pin; Ưu đãi về phí đỗ xe do chính quyền khu vực ban hành.
Thái Lan: Từ 2016 giảm thuế suất thuế TTĐB với xe ô tô điện chạy pin theo mức độ phát thải CO2 dưới 100g/km thì giảm thuế suất từ 10% xuống 5%; dưới 150g/km thì thuế suất giảm từ 20% xuống 10%; dưới 200g/km thuế suất 12,5%.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5-8 năm.
Các nhà sản xuất sản xuất nhiều hơn một linh kiện chính của xe ô tô điện chạy pin có thể được miễn thuế thêm một năm cho mỗi linh kiện chính nhưng tối đa là 10 năm.
Các nhà sản xuất xe hybrid sạc ngoài được hưởng ưu đãi ít hơn: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm và miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị.
Nhà sản xuất các linh kiện chính, như đối vớixe ô tô điện chạy pin, sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 1 năm đối với mỗi linh kiện, tối đa không quá 6 năm.
Các dự án đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin được miễn thuế nhập khâu đối với máy móc, thiết bị liên quan.
Malaysia: Áp dụng một mức 10% thuế TTĐB cho toàn bộ các dòng xe ô tô điện chạy pin (xe xăng và dầu chịu thuế TTĐB thuế suất 60-105%), thay thế quy định thuế suất TTĐB theo mức phát thải CO2 để tránh phức tạp trong khâu quản lý.
Tháng 4/2021, Chính phủ Malaysia đã có đề xuất thực hiện chính sách mới áp dụng mức thuế suất 0% thuế nhập khâu và thuế TTĐB đối với xe ô tô điện chạy pin nhập khẩu nguyên chiếc.
Tuy nhiên, số lượng xe ô tô điện chạy pin được hưởng ưu đãi này bị giới hạn ở mức 10.000 chiếc xe nhập nguyên chiếc và chỉ có hiệu lực đến hết năm 2022.
Theo cổng thông tin của Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, từ 2023-2025, xe ô tô điện chạy pin nhập khẩu nguyên chiếc sẽ được miễn 50% thuế nhập khẩu và thuế TTĐB.
Singapore: đang áp dụng một mức thuế suất thuế TTĐB là 20% đối với tất cả các loại xe (bao gồm cả xe ô tô điện chạy pin và xe chạy xăng), hiện đang xem xét cân nhắc việc hỗ trợ thuế cho các dòng xe ô tô điện chạy pin.
Nhật Bản: Áp dụng các chính sách thuế ưu đãi với xe ô tô điện chạy pin và xe có lượng phát thải thấp, cụ thể:
Thuế mua xe (Automobile Acquisition Tax): Khi một chiếc xe có lượng phát thải thấp được mua, thuế mua xe được giảm 2.7% (đối với xe hybrid được giảm 2.2%).
Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp: Khi một chiếc xe có lượng phát thải thấp được mua, chủ sở hữu xe có thể được chọn tăng mức khấu hao thêm 30% trong năm đầu hoặc giảm 7% thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản sau không được áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn lưu động hơn 100.000 USD).
Mỹ: Ở cấp tiểu bang, áp dụng chính sách ưu đãi (miễn/giảm thuế TTĐB, khấu trừ thuế, hoàn tiền, giảm phí đăng ký, giảm phí đỗ xe, hỗ trợ việc lắp đặt các trạm sạc điện...) nhằm khuyến khích việc mua và sử dụng xe hybrid và xe ô tô điện chạy pin.
Phần Lan: đánh thuế 3% khi đăng ký xe ô tô điện chạy pin (so với mức thuế 18% đối với xe chạy bằng xăng).
Na Uy: Sử dụng xe ô tô điện chạy pin tại Na Uy cũng sẽ được miễn nhiều loại phí khi di chuyên trên đường, như phí phát thải, phí bảo trì đường, được chạy vào đường xe bus, miễn phí chỗ đỗ ở bãi xe công cộng.
Ucraine: Không đánh thuế TTĐB đối với xe ô tô điện chạy pin.
Ngoài ra, theo nguồn tài liệu Bộ Công Thương cung cấp, các ưu đãi thuế TTĐB về thuế suất của các nước ASEAN đều dành cho xe ô tô thân thiện với môi trường và có lượng khí thải thấp như Thái Lan, Indonesia...
Chính sách ưu đãi thuế suất của thuế TTĐB cũng được các nước ASEAN được áp dụng trong khoảng thời gian nhất định (5 năm) cho xe thân thiện môi trường, để khuyến khích việc phát triển công nghệ, nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, hạn chế ô nhiễm môi trường.