Rắc rối tiềm ẩn
Nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, điều đó sẽ gây ra rắc rối, không chỉ cho Panasonic mà còn cho tất cả các đối thủ của hãng ở châu Á.
Với nhu cầu từ Tesla ổn định, Panasonic đã và đang đầu tư mở rộng công suất tại Mỹ. Ngành công nghiệp xe điện của Mỹ đang phát triển nhanh chóng nhờ các khoản tín dụng thuế và nguồn tài trợ từ chính quyền của Tổng thống đương nhiên Joe Biden, vốn muốn thúc đẩy sản xuất xe điện và pin trong nước.
Khoảng 128 tỷ USD đã được đầu tư kể từ khi Đạo luật giảm lạm phát hay IRA được thông qua vào năm 2022. Dự báo doanh số bán xe điện dựa trên tác động của IRA có thể vượt 4,6 triệu vào năm 2030, cao hơn gấp đôi so với kỳ vọng trước đó là 2 triệu, theo S&P Global ước tính.
Các đối thủ như LG Energy Solution của Hàn Quốc và SK Innovation cũng đã bổ sung công suất mới theo luật đó, đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng các nhà máy pin của Mỹ vào năm ngoái.
Điều này có thể trở thành một vấn đề khi các cuộc thăm dò cho thấy một cuộc bầu cử chặt chẽ trong năm nay. Các ứng cử viên cho đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024 ít hào hứng hơn với xe điện và nhìn chung ủng hộ việc hỗ trợ các lĩnh vực tiêu thụt nhiên liệu hóa thạch. Ông Donald Trump đã từng nói về “trò lừa bịp lố bịch về xe chạy hoàn toàn bằng điện”. Đưa chủ nghĩa Trump sang một bên, có những lo ngại rằng ngành công nghiệp xe điện đang thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc gây tổn hại đến việc làm ở Mỹ.
Những thay đổi về quy mô tài trợ của chính phủ Mỹ dành cho các nhà sản xuất pin sẽ giáng một đòn nặng nề vào các nhà sản xuất châu Á. Lợi nhuận kỷ lục của Panasonic trong sáu tháng tính đến tháng 9 một phần nhờ vào khoản trợ cấp 27,6 tỷ yên từ chính phủ liên bang Mỹ. Dự báo của họ về lợi nhuận ròng hàng năm kỷ lục bao gồm khoản tăng thêm 110 tỷ Yên dưới hình thức trợ cấp của Mỹ, khoảng 1/4 tổng sản lượng.
Cổ phiếu của Panasonic tăng 28% trong năm qua, phản ánh niềm hy vọng rằng điều này sẽ tiếp tục. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, sự suy giảm nhu cầu điện tử tiêu dùng ở châu Á và thiết bị tự động hóa nhà máy ở Trung Quốc sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho thu nhập của Panasonic.
Công suất dư thừa trong lĩnh vực pin EV hiện cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Sản lượng của khoảng 50 nhà sản xuất pin đang trên đà vượt nhu cầu gấp 4 lần vào năm 2025. Việc đầu tư mạnh tay vào công suất mới ở Mỹ trong những năm gần đây đồng nghĩa với việc cuối cùng, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng trong những tháng tới, chính trị Mỹ sẽ có những biến động thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư đối với các nhà sản xuất pin ở châu Á.
Ông Trump có thực sự muốn chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của ngành ô tô Mỹ?
Đó là câu hỏi được một số nhà phân tích đặt ra trong những ngày gần đây, nêu bật nỗi lo ngại của các nhà sản xuất ô tô rằng ý định của ông Trump nhằm loại bỏ đạo luật năng lượng xanh nền tảng của Joe Biden - Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) - có thể làm suy yếu doanh số bán và đầu tư vào xe điện nếu ông tái đắc cử Tổng thống vào tháng 11 sắp tới.
IRA đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước của Mỹ bằng cách khuyến khích người tiêu dùng nếu họ mua ô tô chạy pin với các bộ phận được cung cấp từ Mỹ hoặc các đối tác thương mại của nước này, thay vì chuyển sang các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc - mối đe dọa được nhấn mạnh bởi dữ liệu mới cho thấy BYD của Trung Quốc đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
Nhưng với việc các nhà sản xuất pin Trung Quốc chiếm hơn 2/3 nguồn cung thế giới và Trung Quốc kiểm soát 2/3 công suất lọc lithium, các hạn chế của chính phủ đã khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải trả giá, vốn phải đối mặt với sự chuyển dịch tốn kém sang các nhà cung cấp Hàn Quốc và Nhật Bản. Các quy định mới được đưa ra cũng có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ xe điện: số lượng mẫu ô tô đủ điều kiện nhận tín dụng thuế của Mỹ hiện đã giảm từ 43 xuống còn 19.
Doanh số bán xe điện vẫn đang tăng trên toàn thế giới, chủ yếu ở những khu vực có nhiều ưu đãi hào phóng, mặc dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại ở các thị trường lớn như Mỹ do lo ngại về giá cả và tính phí.
Trong khi đó, BYD và các nhà sản xuất Trung Quốc khác đã tận dụng quyền kiểm soát của đất nước họ trong việc sản xuất hầu hết các nguồn lực, vật liệu và linh kiện cần thiết cho xe điện. Ví dụ, BYD kiểm soát các mỏ cũng như sản xuất pin và chip.
Tiến bộ về xe điện giữa các nhà sản xuất ô tô truyền thống còn chắp vá. Sự phát triển hứa hẹn nhất gần đây là thông báo của Toyota - vẫn là nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới - rằng việc sản xuất hàng loạt pin thể rắn là trong tầm tay.
Ở cấp độ chính sách, EU vẫn đang tìm cách cạnh tranh với các khoản trợ cấp của Mỹ, vốn đang thu hút các công ty pin xuyên Đại Tây Dương và làm chậm tiến độ hướng tới chuỗi cung ứng không có Trung Quốc, mặc dù hy vọng rằng khoản hỗ trợ tài chính 3 tỷ euro sẽ giúp khởi động ngành công nghiệp nội địa.
Trở lại Mỹ, một số người tin rằng ông Trump khó có thể thực hiện lời đe dọa rút lại các ưu đãi vì một lý do đơn giản đó là các bang do đảng Cộng hòa bỏ phiếu là những bang được hưởng lợi lớn nhất từ việc đầu tư.
Ông Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vẫn đang cạnh tranh nhau trong nhiều cuộc thăm dò cho cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 11. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng các hãng xe điện Hàn Quốc như Hyundai Motor và Kia sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Trump giành lại quyền lực Tổng thống, với lý do Mỹ sẽ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ.
Tập đoàn ô tô Hyundai đã liên kết chặt chẽ hơn với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Biden, mục đích chính là cung cấp các khoản tín dụng thuế tốt hơn cho xe điện sử dụng pin khi các nguyên liệu quan trọng của chúng được chiết xuất hoặc xử lý ở Mỹ hoặc ở các quốc gia có các hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi Trump chỉ ra rằng ông sẽ bãi bỏ IRA, các nhà sản xuất xe điện Hàn Quốc đang bắt đầu định hình lại chiến lược của họ để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất nếu ông thắng cử.
Kim Pil-soo, giáo sư công nghệ ô tô tại Đại học Daelim, cho biết: “Trên thực tế, việc bãi bỏ IRA là khó khăn vì chương trình nghị sự sẽ cần phải được Quốc hội thông qua, nhưng vẫn có cơ hội sửa đổi. Khi Trump đang thể hiện những cử chỉ chính sách tiêu cực đối với xe điện và năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, điều này là điềm xấu cho các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc không chỉ trong lĩnh vực ô tô mà còn cả lĩnh vực pin”.
Triển vọng bi quan có thể kìm hãm sự tăng trưởng nhanh chóng của hai hãng xe Hàn Quốc tại thị trường Mỹ. Theo dữ liệu từ Hyundai Motor America, nhà sản xuất ô tô này đã đạt doanh số bán xe kỷ lục hơn 800.000 chiếc tại thị trường Mỹ vào năm ngoái, tăng 11% so với năm trước. Điều này giúp công ty đạt được thị phần 10,9% tại đó.
Tuy nhiên, chuyên gia ô tô này cho rằng khó có thể làm gì để giảm thiểu hậu quả tiềm ẩn sau chiến thắng của Trump.