Theo hãng tin Bloomberg, cách tiết kiệm chi phí này của BMW chưa quyết liệt như việc đối thủ Audi sa thải hàng nghìn nhân viên, nhưng là một bằng chứng nữa cho thấy các hãng xe Đức đang đối mặt sức ép lớn trong việc thích nghi với một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ô tô.
Trong một cuộc họp công ty ở Munich ngày 27/11, BMW và nhân viên đã nhất trí về một công thức tính thưởng mới - tân Tổng giám đốc (CEO) của BMW, ông Oliver Zipse, cho hay. Nếu áp dụng công thức này với việc tính thưởng cho nhân viên vào năm 2018, thì số tiền thưởng đã giảm 20%.
“Chúng tôi đã nhất trí về một giải pháp” nhằm giảm chi phí nhân sự, ông Zipse nói. “Việc này sẽ giúp công ty tránh được những biện pháp mạnh tay mà các công ty khác đang phải áp dụng để tiết giảm chi phí”.
Giảm thưởng là một phần trong nỗ lực của BMW nhằm cắt giảm hơn 12 tỷ Euro, tương đương 13 tỷ USD, chi phí để có thêm nguồn lực cho việc phát triển công nghệ mới.
Ông Manfred Schoch, người đứng đầu hội đồng nhân viên của BMW, ủng hộ cách tính thưởng mới và nói rằng mức thưởng của công ty “vẫn hấp dẫn”.
Các hãng xe Đức đang gặp nhiều khó khăn, từ các quy định khí thải ngày càng siết chặt và tình hình kinh tế toàn cầu đi xuống.
Với các quy định về khí thải của xe trở nên ngặt nghèo hơn, các hãng chỉ có thể đáp ứng được bằng cách tăng doanh số xe chạy điện, trong khi người tiêu dùng vẫn còn khá thờ ơ với loại xe này. Cùng với đó, thương chiến Mỹ-Trung gây giảm tốc kinh tế toàn cầu, kéo tụt nhu cầu tiêu thụ ôtô, đặc biệt là ở Trung Quốc - thị trường xe lớn nhất thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của CEO Zipse, kết quả kinh doanh quý 3 của BMW đã có thấy những dấu hiệu khởi sắc. Tỷ suất lợi nhuận ở mảng ô tô của hãng tăng lên mức 6,6% từ 4,4% cùng kỳ năm ngoái, dù còn thấp hơn so với mức mục tiêu 8-10%.
Tình hình kinh doanh của Mercedes-Benz, kỳ phùng địch thủ của BMW, cũng không khá khẩm hơn. Hãng này dự báo chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận 4% trong năm 2020.
Để tiết kiệm 6 tỷ Euro chi phí, hãng Audi - một công ty con của tập đoàn xe Đức Volkswagen - hôm thứ Ba tuần này công bố một kế hoạch cắt giảm chi phí mạnh tay, bao gồm sa thải 9.500 nhân viên ở Đức và thu hẹp hoạt động tại hai nhà máy chính của hãng ở quê nhà.
Tuy nhiên, các hãng xe được dự báo sẽ còn phải nỗ lực nhiều. Việc chuyển đổi đòi hỏi vốn đầu tư lớn, do đó một số công ty buộc phải tìm kiếm đối tác hoặc nhắm tới thâu tóm các công ty khác.
Tháng trước, Fiat Chrysler và Tập đoàn PSA - sở hữu Peugeot, tuyên bố kế hoạch sáp nhập, nhằm tạo ra một công ty lớn mạnh hơn. Hai nhà sản xuất ôtô của Đức BMW và Daimler cũng đã thành lập liên doanh để phát triển công nghệ xe tự lái. Hãng xe Nhật Honda cũng đã đầu tư vào mảng phát triển ôtô tự lái của General Motors (GM).
Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh doanh số ôtô toàn cầu đang sụt giảm và có thể trở nên tồi tệ hơn khi các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng giảm tốc hoặc rơi vào suy thoái. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 25/11 dự báo doanh số ôtô toàn cầu sẽ giảm khoảng 3,1 triệu chiếc trong năm nay - mức giảm thậm chí còn lớn hơn vào năm 2008, khi thế giới chìm trong khủng hoảng tài chính.