Ấn Độ đang đặt mục tiêu loại bỏ hàng triệu chiếc xe ô tô động cơ đốt trong, bao gồm xe chở khách, xe tải và xe buýt đang xả khói gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các tuyến đường. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết kế hoạch này của Ấn Độ sẽ thu hút được khoản đầu tư mới trị giá hơn 100 tỷ rupee (1,3 tỷ USD).
Ông Modi, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh nhà đầu tư ảo hôm thứ Sáu (13/8) ở Gujarat, cũng đã cung cấp thêm chi tiết về cái gọi là chính sách phế liệu của Ấn Độ. Chính sách này lần đầu tiên được công bố trong ngân sách ngày 1/2, khẳng định những người giao xe cũ của họ để tái chế sẽ không phải trả lệ phí trước bạ cho một chiếc xe mới mua và sẽ được giảm thuế đường bộ.
Modi cho biết các đơn vị thu mua “xe phế liệu” và các trung tâm kiểm tra tự động được ủy quyền cũng sẽ được xây dựng trên toàn quốc, mặc dù ông không nói rõ nguồn đầu tư mới sẽ đến từ đâu.
“Ấn Độ đang tiến tới việc đi lại sạch sẽ, không tắc nghẽn và thuận tiện vì đó là nhu cầu của thời đại”, thủ tướng Ấn Độ nói. “Chương trình này sẽ tạo ra một cú hích lớn cho các ngành công nghiệp ô tô và kim loại. Chính sách này cho thấy cam kết của chúng tôi trong việc giảm thiểu ô nhiễm”.
Điều quan trọng đối với Ấn Độ là loại bỏ các phương tiện gây ô nhiễm để hạn chế chất lượng không khí xấu của quốc gia. Ấn Độ vốn được đánh giá là một trong những nơi có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm không khí khiến quốc gia này thiệt hại 8,5% tổng sản phẩm quốc nội. Trung tâm Khoa học và Môi trường dự báo đến năm 2025, Ấn Độ sẽ có khoảng 20 triệu phương tiện cũ sắp hết niên hạn sử dụng, điều này sẽ gây ra thiệt hại lớn về môi trường.
Loại bỏ các phương tiện cũ cũng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào các quốc gia khác về kim loại. Năm ngoái, Ấn Độ đã nhập khẩu 230 tỷ rupee phế liệu thép vì “phế liệu ở Ấn Độ không hiệu quả, năng lượng thu hồi hầu như không có gì và các kim loại quý không được thu hồi”, ông Modi nói. Ông cho biết chính sách mới này cũng sẽ giúp thu hồi kim loại đất hiếm.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giảm nhập khẩu càng nhiều càng tốt cho chuỗi giá trị liên quan đến sản xuất ô tô. Ngành công nghiệp ô tô “cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.