Theo Luc Chatel, người đứng đầu bộ phận vận động hành lang ô tô La Plateforme Automobile, ngành công nghiệp ô tô Pháp - quê hương của các thương hiệu ô tô Peugeot, Citroen và Renault - có thể chứng kiến khoảng 100.000 trong số 400.000 việc làm bị mất trong thập kỷ tới khi kỷ nguyên của động cơ đốt trong kết thúc.
Chatel cho rằng chính phủ sẽ cần giúp đỡ các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng trong các chi phí của quá trình chuyển đổi. PFA ước tính ngành ô tô sẽ cần khoảng 17 tỷ euro (19,7 tỷ USD) trong vòng 5 năm.
“Chúng tôi vẫn chưa giải quyết được vấn đề cạnh tranh của mình”, Chatel phát biểu tại một hội nghị ngành, lưu ý rằng chi phí lắp ráp ô tô tại Tây Ban Nha và Đông Âu rẻ hơn đáng kể. “Nhiều công ty ô tô của Pháp phải căng thẳng trong cân đối tài chính kế toán”.
Áp lực lên các nhà sản xuất ô tô như Renault SA và Stellantis NV - chủ sở hữu của các thương hiệu Peugeot và Citroen - đã tăng mạnh khi mẫu xe Tesla Model 3 bán chạy hơn tất cả các đối thủ động cơ đốt trong, trở thành chiếc xe bán chạy nhất ở châu Âu vào tháng trước.
Theo Giám đốc điều hành của Renault, Luca de Meo, chi phí lao động của Pháp cao hơn 30% so với mức trung bình của châu Âu, trong khi chi phí sản xuất cao hơn 1/5. Công ty đang có kế hoạch ngừng sản xuất xe tại một nhà máy bên ngoài Paris trong những năm tới.
Tổng thống Emmanuel Macron, người sẽ bước vào cuộc bầu cử vào năm tới, muốn thể hiện rằng ông đang tìm cách đảo ngược sự suy giảm công nghiệp của Pháp. Đầu tháng này, ông đã tiết lộ kế hoạch trị giá 30 tỷ euro bao gồm mục tiêu sản xuất 2 triệu xe điện và hybrid tại Pháp.
Renault, công ty có nhà nước là cổ đông quyền lực nhất, đang tạo ra một trung tâm sản xuất xe điện ở miền bắc nước Pháp, bao gồm cả một nhà máy pin. Nhà sản xuất ô tô cũng đã cam kết sản xuất 700.000 chiếc xe trong nước vào giữa thập kỷ này, họ muốn cắt giảm khoảng 6.600 việc làm trong nước. Công ty đã sản xuất 686.000 xe tại Pháp vào năm 2019 và 514.000 vào năm 2020.
Pháp đang chống lại mục tiêu của Liên minh Châu Âu trong việc loại bỏ doanh số bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035. Quốc gia này đưa ra một mục tiêu khiêm tốn hơn vào cuối thập kỷ này và đồng thời kéo dài thời gian đối với các mẫu xe plug-in hybrid.
Một quan chức trong văn phòng của Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ Pháp ủng hộ mục tiêu giảm 55% lượng khí thải ô tô vào năm 2030 và để xe hybrid tồn tại lâu hơn trên thị trường. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu lại đặt kế hoạch yêu cầu giảm 65% lượng khí thải ô tô từ năm 2030 và giảm xuống còn 0% từ năm 2035.
Quan chức này yêu cầu giấu tên theo chính sách của chính phủ, đã bình luận sau khi Macron gặp gỡ các giám đốc điều hành hàng đầu tại các công ty ô tô bao gồm Stellantis NV và Renault SA, cũng như đại diện lao động để thảo luận về việc chuyển đổi sang xe điện. Quốc gia này cũng sẽ xem xét hỗ trợ mới cho ngành công nghiệp để giúp áp dụng các công nghệ mới.