Hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control)
Hệ thống kiểm soát hành trình (viết tắt CC) đã xuất hiện trên những chiếc xe đời đầu của Wilson-Pilcher (một công ty ô tô của Anh) từ những năm 1900. Họ sử dụng một cần gạt trên cột lái để đặt một tốc độ tối đa cho động cơ. Tác dụng chính của hệ thống này là hạn chế lái xe tốc độ cao, gây tốn nhiên liệu, hao mòn lốp và gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại đô thị. Tuy nhiên, phải đến những năm 1980, các kỹ sư mới thiết kế ra một bảng mạch cho hệ thống kiểm soát hành trình điện tử dành cho các mẫu xe thương mại. Từ đầu những năm 2000, CC chủ yếu xuất hiện trên các mẫu ô tô hạng sang như Mercedes-Benz, BMW, Lexus, Audi...
Phiên bản nâng cấp tiếp theo là hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control - ACC) cũng được các hãng xe hơi nghiên cứu, áp dụng trên các mẫu xe sang từ sau năm 2000. Ngoài chức năng giữ vận tốc theo cài đặt của người dùng như CC, ACC sử dụng hệ thống cảm biến để duy trì khoảng cách an toàn với phương tiện phía trước.
Hiện nay, hệ thống CC hay ACC đều đã xuất hiện trên các mẫu xe tầm trung thuộc phân khúc hạng B hoặc hạng C như Toyota Corolla Cross, Honda Accord, Honda Civic, Mazda 3, Mazda 6. Cá biệt, Hyundai Grand i10 là mẫu xe duy nhất trong phân khúc sedan hạng A sở hữu hệ thống CC, trở thành một trong những điểm nhấn gia tăng khả năng cạnh tranh với các mẫu xe đối thủ.
Động cơ Turbo “chấm” nhỏ
Động cơ Turbo thường được sử dụng trên các mẫu xe đua đường phố. Một quan niệm đã lỗi thời đó là động cơ “chấm” càng lớn, sức ngựa (hp) càng nhiều thì xe càng khỏe. Thay vào đó, các hãng xe đua sử dụng các loại động cơ Turbo, giúp tăng mô-men xoắn cực đại và tốc độ tối đa cho xe, nhưng lại giảm được kích thước, trọng lượng, giúp xe có hiệu suất hoạt động cao hơn so với các mẫu xe khác.
Tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, động cơ Turbo trên các mẫu xe cỡ nhỏ ngày càng được ưa chuộng do xe đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng là kích thước nhỏ gọn, phù hợp với đường sá chật hẹp, đông đúc; nhưng vẫn có khả năng bứt tốc mạnh mẽ dành cho đối tượng khách hàng trẻ.
Tại Việt Nam, theo Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014, Chính phủ định hướng phát triển ngành ô tô tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông đô thị. Số “chấm” càng lớn, tương ứng với dung tích xi lanh càng lớn. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ô tô có dung tích xi lanh càng lớn sẽ chịu thuế suất thuế TTĐB càng cao. Do đó, việc một số hãng ô tô tìm cách nén sức mạnh vào các khối động cơ nhỏ bằng công nghệ Turbo tăng áp sẽ giúp ô tô của mình có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường nhờ được hưởng mức thuế suất thấp. Tiêu biểu trong chiến lược này là các mẫu xe như Nissan Almera, Hyundai Elantra, Honda Civic, Kia K3 bản Sport...
Đèn chiếu sáng dạng LED
Công nghệ LED ngày càng phổ biến trên tất cả các mẫu xe từ hạng B trở lên. Hệ thống đèn LED giúp tăng khả năng chiếu sáng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi. Đèn LED có ưu điểm vượt trội như tuổi thọ cao hơn, tiêu thụ năng lượng ít hơn, có khả năng điều chỉnh mức độ sáng. Một ưu điểm khác của đèn LED là kích thước nhỏ, gọn, giúp các nhà sản xuất dễ dàng tùy biến hơn trong thiết kế ngoại thất.
Nhiều người sở hữu các phiên bản xe đời cũ, chỉ được trang bị đèn halogen đã gặp khá nhiều khó khăn khi di chuyển vào buổi tối. Nếu chấp nhận bỏ thêm tiền “độ” đèn LED, xe có khả năng cao không được đăng kiểm. Đặc biệt, một số mẫu xe đời mới đều được trang bị đèn sương mù dạng LED, rất cần thiết trong điều kiện sương mù ở miền Bắc.
Hiện tại, một số mẫu xe hạng A cũng đã bắt đầu được trang bị đèn LED như VinFast Fadil (đã ngừng sản xuất), Toyota Wigo, hoặc mẫu xe điện mini giá rẻ Wuling Hongguang MiniEV bản LV2.
Camera 360 độ
Công nghệ ban đầu có tên là Omniview, một công nghệ hỗ trợ đỗ xe được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2007, được ứng dụng trên Nissan Elgrand và Infiniti EX. Nó được thiết kế để hỗ trợ người lái xe giám sát môi trường xung quanh, chẳng hạn như khi đỗ xe trong một không gian nhỏ. Nhờ hệ thống camera, cảm biến được bố trí xung quanh xe, công nghệ Camera 360 giúp xây dựng hình ảnh ở góc từ trên xuống, giống như trong các trò chơi điện tử. Nhờ công nghệ này, người lái xe có thể quan sát rõ ràng các vật cản ở xung quanh 4 phía của xe mình mà không cần quan sát gương chiếu hậu, rất thích hợp khi cần đỗ xe ở góc hẹp, hoặc đi qua những đoạn đường chật hẹp.
Hiện tại, Camera 360 đã xuất hiện trên nhiều mẫu SUV/crossover hạng C, D, xe bán tải và một số mẫu sedan, SUV hạng B như Nissan Almera, MG ZS hay Mitsubishi Xpander.
Ngoài ra, khác với đèn LED, chủ xe hoàn toàn có thể “độ” thêm Camera 360, màn hình ô tô mà không lo bị từ chối đăng kiểm. Đây là trang bị đang được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt đối với “lái mới”.
Màn hình HUD
Công nghệ màn hình HUD đã xuất hiện nhiều trên các bộ phim viễn tưởng của thế kỷ 20 và được ứng dụng trên mũ bảo hiểm của các phi công máy bay quân sự từ đầu những năm 1940. Công nghệ này giúp các phi công có thể luôn nhìn về phía trước mà vẫn nắm bắt được tình trạng cơ bản của máy bay, không cần nhìn xuống các phím chức năng ở bên dưới.
Công nghệ HUD được ứng dụng trên các mẫu xe thương mại từ năm 2012. Theo đó, thông tin được chiếu lên kính chắn gió phía trước tại vị trí người lái xe. Tuy nhiên, khác với màn hình điện tử, thông tin hiển thị trên màn hình HUD khá đơn giản gồm tốc độ của xe, bản đồ định tuyến, cảnh báo lệch làn... dưới dạng ký hiệu đơn giản. Sở dĩ phải làm vậy để tránh gây cản trở tầm nhìn phía trước mặt của người lái.
Hiện nay, một số phiên bản của mẫu xe phổ thông cũng đã được trang bị màn hình HUD như Mazda 3, Mazda 6, Mazda CX-5, Hyundai SantaFe, Toyota Camry 2.5Q. Ngoài ra, tương tự Camera 360, người dùng cũng có thể mua một bộ hub gắn ngoài cho xe để hiển thị HUD.
Công nghệ ADAS
ADAS là tên viết tắt của Advanced Driver Assistance Systems, có nghĩa là hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao. Đây là một hệ thống điện tử hỗ trợ người điều khiển phương tiện lái xe an toàn và thuận tiện hơn.
Hệ thống ADAS bắt đầu xuất hiện tại Mỹ từ những năm 2000, bao gồm một số tính năng cảnh báo an toàn như kiểm soát tầm nhìn ban đêm, điều khiển hành trình bằng laser động, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường…
Đến năm 2014, các nhà sản xuất đã nghiên cứu, phát triển thêm một số công nghệ khác để tăng cường tính an toàn cho phương tiện. Từ đây, một hệ thống hỗ trợ lái an toàn an toàn ADAS đã cơ bản hoàn thiện và nhanh chóng trở thành một xu hướng mới trên toàn cầu.
Tại thị trường Việt Nam, hiện một số dòng xe đã trang bị tính năng này như Hyundai Tucson, Honda CR-V, Mitsubishi Outlander, Toyota Corolla Cross, Kia Sportage...
Nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam, VinFast cũng đã đón đầu xu hướng công nghệ bằng cách trang bị hàng loạt những tính năng ADAS trên dải sản phẩm của mình. Hiện hệ thống ADAS của VinFast đã có tới 25 công nghệ an toàn được tích hợp. Trong đó, có những công nghệ chỉ xuất hiện trên các mẫu xe hạng sang như phanh tự động khẩn cấp, hỗ trợ đỗ xe thông minh, hệ thống giám sát sự tập trung của người lái...