Thị trường ngày càng rộng mở
Nhắc đến dòng xe Hybrid tại Việt Nam, cách đây 5 năm, người tiêu dùng không có nhiều thông tin tham khảo, đối chiếu. Người ta chỉ biết rằng xe Hybrid về cơ bản là một dòng xe lai giữa xe dùng động cơ đốt trong (ICE) và xe điện chạy bằng pin (BEV). Cụ thể, một chiếc xe Hybrid thường sở hữu một động cơ chạy bằng xăng và một mô tơ chạy bằng điện. Trừ Plug-in Hybrid (xe lai sạc điện) vẫn cần điện để sạc vào pin, đa số dòng xe Hybrid chỉ cần bơm nhiên liệu (xăng) vào là có thể vận hành, tương tự ICE.
Nếu chỉ dừng lại với những thông tin sơ lược này, rất khó khiến người tiêu dùng chấp nhận bỏ thêm khoảng 100 triệu đồng để sở hữu một chiếc xe Hybrid. Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, công nghệ Hybrid đang góp phần đem lại nhiều thay đổi đáng giá cho tiến trình điện khí hóa, hướng đến cắt giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Hiện nay, xe Hybrid được phân thành 3 loại cấu trúc truyền động cơ bản, bao gồm: hybrid mắc nối tiếp, hybrid mắc song song, hybrid kết hợp. Trong đó, đối với cấu trúc Hybrid mắc nối tiếp, hệ thống dẫn động hoàn toàn nhờ động cơ điện, còn động cơ đốt trong chỉ có nhiệm vụ nạp điện cho ắc quy và cung cấp năng lượng cho động cơ điện. Đối với cấu trúc Hybrid mắc song song, hệ thống dẫn động được truyền lực từ cả động cơ đốt trong và động cơ điện hoạt động cùng lúc, hoặc hoạt động độc lập, tùy thuộc thiết lập của bộ điều khiển trung tâm. Đối với cấu trúc Hybrid kết hợp, đây là sự kết hợp những ưu điểm và khắc phục nhược điểm của cả hai loại cấu trúc trước đó.
Toyota là hãng xe tiên phong về xe Hybrid với hàng loạt mẫu xe đang chào bán tại Việt Nam gồm: Camry Hybrid, Corolla Altis Hybrid, Corolla Cross Hybrid, Alphard Hybrid, Yaris Cross Hybrid, Innova Cross Hybrid. Các phiên bản này đều được phát triển dựa trên nền tảng sẵn có từ phiên bản động cơ đốt trong. Trong khi đó, Suzuki có chiến lược riêng khi phát triển dòng xe Hybrid độc lập với mẫu xe Ertiga Hybrid. Gần đây, nhiều hãng xe khác cũng bắt đầu đầu tư phát triển dòng xe Hybrid gồm Haval (H6 Hybrid), KIA (Sorento HEV/PHEV), Honda (CR-V Hybrid)...
Đặc biệt, kể từ khi các nhà sản xuất tách bạch doanh số xe Hybrid ra khỏi doanh số chung (đầu năm 2024), các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã có thêm những thông tin chi tiết, cụ thể hơn về xu hướng vận động, phát triển của dòng xe này tại Việt Nam. Lượng truy cập, tìm kiếm thông tin về xe Hybrid cũng được tăng lên trên các nền tảng tìm kiếm, mạng xã hội, báo chí và các trang thông tin điện tử.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số xe Hybrid đang trong xu hướng tăng nhẹ kể từ đầu năm 2024. Cụ thể, doanh số xe Hybrid tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm lần lượt đạt 576 xe, 205 xe và 645 xe. Trong đó, lũy kế 3 tháng, những mẫu xe Hybrid bán chạy nhất gồm: Suzuki Ertiga Hybrid (632 xe), Honda CR-V Hybrid (294 xe), Toyota Innova Cross Hybrid (243 xe), Toyota Yaris Cross Hybrid (124 xe). Cá biệt, với phiên bản Innova Cross vừa ra mắt tháng 10/2023, doanh số bản Hybrid thậm chí còn cao hơn cả bản chạy xăng. Doanh số Honda CR-V Hybrid chiếm 27% tổng lượng xe CR-V bán ra tại Việt Nam.
Ngược lại, doanh số một số mẫu Hybrid ra mắt cách đây 5 năm như Toyota Corolla Altis HEV, Camry Hybrid có xu hướng giảm nhẹ. Điều này cho thấy, tương tự dòng xe “thuần” điện (BEV), người tiêu dùng cũng có xu hướng lựa chọn những mẫu Hybrid thế hệ mới để được trải nghiệm những công nghệ mới nhất mà dòng xe này mang lại. Đây có thể coi là cơ hội để các nhà sản xuất gia tăng đầu tư phát triển và giới thiệu các mẫu xe mới tại Việt Nam trong thời gian tới.
Khả năng giảm phát thải tức thì
Lý giải cho xu hướng chuyển đổi sang xe Hybrid, theo thông tin từ Toyota Việt Nam, các mẫu xe Hybrid của hãng đều thuộc dòng Full Hybrid, đem lại hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu đến 50% so so với phiên bản xe chạy xăng. Cụ thể, khi xe bắt đầu di chuyển, bộ điều khiển sẽ quyết định cho xe vận hành bằng điện, bằng xăng hoặc kết hợp cả hai, tùy thuộc vào tốc độ của xe.
Ở vận tốc nhỏ, đạp ga nhẹ nhàng, xe thường sử dụng động cơ điện; khi đạp ga mạnh thì động cơ đốt trong sẽ được kích hoạt để tăng tốc tức thì. Ở vận tốc ổn định từ 50 - 60 km, động cơ đốt trong sẽ tự động ngắt, động cơ điện vẫn tiếp tục hoạt động. Như vậy, nếu duy trì tốc độ ổn định trên đường bằng thì động cơ điện sẽ hoạt động liên tục, còn động cơ xăng chỉ có vai trò hỗ trợ khi xe cần lực kéo lớn, ví dụ khi cần vượt xe khác hoặc leo dốc.
Điều đặc biệt ở công nghệ Hybrid đó là khả năng tiết kiệm nhiên liệu khi xe giảm tốc. Đối với phiên bản chạy xăng, khi giảm tốc độ hoặc khi di chuyển xuống dốc, động cơ vẫn tiêu hao nhiên liệu để ghìm tốc độ. Khi đạp phanh, quán tính của xe bị triệt tiêu một cách lãng phí thông qua ma sát giữa bánh xe và má phanh. Còn đối với xe Hybrid, quán tính sinh ra trong suốt quá trình giảm tốc sẽ làm quay máy phát điện, từ đó giúp tích trữ điện cho pin. Đối với một số mẫu xe sử dụng chế độ vận hành 1 chân ga (e-pedal), khi nhả ga, mô tơ điện truyền động trên xe sẽ hoạt động như một máy phát điện tạo ra lực phanh giúp xe giảm tốc. Khi xe giảm tốc, một phần năng lượng sẽ được thu hồi và sạc lại cho pin, còn được gọi là phanh tái tạo.
Mặc dù vậy, theo khuyến nghị của Toyota Việt Nam, ngoài những tính năng hiện đại mà công nghệ Hybrid hỗ trợ, người lái xe cũng cần lưu ý thao tác điều khiển giúp xe hoạt động hiệu quả, bền bỉ và tiết kiệm năng lượng nhất. Theo đó, luôn ưu tiên sử dụng chế độ EV; kéo dài thời gian hoạt động của động cơ điện bằng cách đạp ga nhẹ nhàng, dứt khoát, duy trì tốc độ ổn định, hạn chế tăng ga đột ngột. Khi phát hiện chướng ngại vật, cần đạp chân phanh sớm và nhẹ nhàng. Không nên đưa cần số về N khi dừng đèn đỏ; nếu thời gian dừng lâu có thể đưa cần số về P. Nên sử dụng hệ thống Cruise Control khi lái xe đường trường. Nên chọn chế độ lấy gió trong khi bật điều hòa.
Một số chuyên gia và người dùng đều chung nhận định, tại Việt Nam, VinFast đang có thế mạnh cạnh tranh rất lớn về dòng xe BEV nhờ mức giá hợp lý, hệ thống trạm sạc rộng khắp cả nước và đi kèm những dịch vụ hậu mãi hấp dẫn. Điều này khiến cơ hội chiếm lĩnh thị phần của các hãng xe khác trở nên rất mong manh. Tuy nhiên, với dòng xe Hybrid, các hãng xe lại có một thị trường đầy tiềm năng và rộng mở khác.
Trước đó, một số ý kiến bày tỏ quan ngại về tương lai của xe Hybrid tại Việt Nam. Lý do bởi mục tiêu cuối cùng theo cam kết của Chính phủ là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nghĩa là 100% xe mới sản xuất không phát thải CO2. Trong khi đó, xe Hybrid chỉ giảm phát thải nhờ việc giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, một số người dùng phỏng đoán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe Hybrid cũng không hề rẻ (đặc biệt khi gặp vấn đề về pin). Mặt khác, việc tiết giảm chi phí đổ xăng chưa đủ để bù đắp cho số tiền chênh lệch khi mua xe Hybrid so với phiên bản động cơ đốt trong.
Trả lời những thắc mắc kể trên, đại diện Toyota Việt Nam cho biết với pin xe Hybrid, không cần bảo dưỡng định kỳ phần pin lưu trữ điện năng cung cấp cho mô tơ điện hoạt động, mà chỉ cần bảo dưỡng một bộ phận duy nhất trên pin Hybrid là lọc gió của bộ làm mát (kiểm tra, làm sạch hoặc thay thế khi cần sau mỗi 10.000 km). Giá của lọc gió xe Hybrid tương đương với các loại lọc gió trên các xe xăng. Ngoài bộ phận này, khách hàng sử dụng xe Hybrid không cần lo lắng phát sinh thêm yêu cầu bảo dưỡng nào khác.
Chuyên gia cũng cho rằng xe Hybrid giúp tiến trình giảm phát thải ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn với lý do dòng xe này không phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc. Bởi lẽ, việc giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực giao thông vận tải không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một doanh nghiệp như VinFast mà cần có sự chung tay của các hãng ô tô, xe máy, các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, rất khó để áp dụng chính sách trợ giá như một giải pháp giúp kích thích tiêu dùng xe “thuần” điện một cách tức thì bởi Việt Nam còn phải tập trung nguồn lực Ngân sách cho các ngành, lĩnh vực trọng tâm, thiết yếu khác. Do đó, trong bối cảnh trạm sạc còn thiếu thốn và VinFast chưa có ý định chia sẻ trạm sạc dùng chung, các mẫu xe BEV thương hiệu nước ngoài rất khó đạt doanh số cao trong vài năm tới. Thay vào đó, việc phát triển dòng xe Hybrid sẽ giúp nhà sản xuất hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư, góp phần giúp bước chuyển từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe “xanh” trở nên nhẹ nhàng, phù hợp hơn.