Theo hãng tin Nikkei, tập đoàn VinGroup đang có kế hoạch phát hành trái phiếu mệnh giá bằng tiền Baht tại Thái Lan trong năm nay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh VinGroup, công ty lớn nhất Việt Nam, đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh ô tô thua lỗ và đang cạn kiệt nguồn vốn tài trợ trong nước. Bộ Tài chính Thái Lan cho biết họ đã chấp thuận cho VinGroup phát hành trái phiếu cho đến cuối tháng 9.
Tuy nhiên, theo bình luận của Nikkei, VinGroup sẽ phải chịu nhiều rủi ro tài chính khi phát hành trái phiếu bằng tiền Bath bởi đồng Baht được dự đoán sẽ tăng giá trong năm nay. Do đó, sẽ làm tăng chi phí dịch vụ nợ cho VinGroup. Tập đoàn kinh tế tư nhân này đang trong quá trình tái cấu trúc, tăng cường tập trung vào công nghệ và sản xuất.
Theo các nguồn tin từ VinGroup và các nhà môi giới, chi tiết về việc phát hành trái phiếu "vẫn chưa được xác định". Cụ thể, khi nào phát hành và trái phiếu sẽ được bán cho ai vẫn chưa rõ. Trong khi đó, VinGroup từ chối bình luận về việc sử dụng số tiền thu được từ bán trái phiếu.
Đồng Baht đã tăng 8% so với đồng USD trong năm 2019 bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng Thái Lan nhằm kiềm chế sự tăng giá của đồng tiền này. Xu hướng tăng dự kiến sẽ tiếp tục.
VinFast, công ty sản xuất ô tô rất non trẻ thuộc VinGroup, đang nhập khẩu phụ tùng ô tô từ Thái Lan. Các chuyên gia trong ngành tại Việt Nam cho rằng, nguồn quỹ mới có thể được sử dụng để thanh toán cho số lượng hàng nhập khẩu đó.
Ở một diễn biến khác, nếu VinGroup có ý định đầu tư ra các nước khác, ngoài Thái Lan, sức mạnh của đồng Baht sẽ thu hút các nhà đầu tư mua trái phiếu. Tuy nhiên, cũng chính sức mạnh của tiền tệ này có thể trở thành gánh nặng khi trái phiếu đáo hạn.
Nguồn tin tại VinGroup và các nhà môi giới cũng cho biết, VinGroup đang nghiên cứu khả năng phát hành trái phiếu bằng các ngoại tệ khác ở một số thị trường trong những tháng tiếp theo.
VinGroup niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Công ty đã mở rộng mạnh mẽ trong vài năm qua, chuyển sang sản xuất điện thoại thông minh và ô tô. Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, hãng đột nhiên phát đi tín hiệu thay đổi hướng đi, đưa ra hàng loạt thông báo về những thay đổi danh mục đầu tư mở rộng.
Vào ngày 3/12 vừa qua, tập đoàn đã gây sốc cho thị trường, tuyên bố rút khỏi hoạt động bán lẻ, đóng cửa chuỗi cửa hàng với khoảng 80 địa điểm trên toàn quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, Vingroup tiếp tục ra thông báo thứ ba, hủy kế hoạch tham gia kinh doanh hàng không. "Chúng tôi cần sử dụng tất cả các nguồn lực và tập trung vào ngành kinh doanh công nghiệp và công nghệ của chúng tôi", Giám đốc điều hành VinGroup ông Nguyễn Việt Quang nói trong một tuyên bố ngày hôm đó.
Ban đầu là một nhà phát triển bất động sản, năm 2014 VinGroup bắt đầu đa dạng hóa sang các lĩnh vực bao gồm bán lẻ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. VinGroup gia nhập ngành sản xuất ô tô vào năm 2017 và tiến vào sản xuất hàng điện tử vào năm 2018. Vào tháng 7 năm ngoái, tập đoàn tuyên bố sẽ mở rộng, tiếp cận ngành hàng không, nhưng rồi đã loại bỏ kế hoạch.
VinGroup báo cáo doanh thu 92,61 nghìn tỷ đồng (4 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh liên quan đến bất động sản đạt doanh thu 56,05 nghìn tỷ đồng, giảm 11%, trong khi lợi nhuận đạt 22,95 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước.
Mảng sản xuất của tập đoàn đã lỗ 4,69 nghìn tỷ đồng trên doanh thu 4,51 nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ.
Tổng tài sản của VinGroup trong chín tháng là 357 nghìn tỷ đồng, tăng 33% trong năm. Tuy nhiên, các khoản nợ tăng 36% lên tới 231 nghìn tỷ đồng, tương đương với gần 2/3 tài sản của tập đoàn.
Năm 2017, VinGroup cho biết họ sẽ rót 3,5 tỷ USD cho thương hiệu ô tô VinFast. Tập đoàn đã dành 1,5 tỷ USD xây dựng nhà máy với mục tiêu sản lượng ban đầu là 250.000 xe mỗi năm. Hồi tháng 12/2019, Phạm Nhật Vượng, chủ tịch và là người sáng lập VinGroup, đã nói với hãng tin Bloomberg rằng ông sẵn sàng chi thêm 2 tỷ USD “tiền túi” của mình vào VinFast với mục đích tham gia sản xuất xe điện cho thị trường Mỹ.
Giới phân tích cho rằng VinGroup sẽ cần đầu tư một số tiền khổng lồ để lấn sân sang sản xuất ô tô và điện tử. VinFast tuyên bố hồi tháng 11 rằng họ đang gánh khoản lỗ lên tới 300 triệu đồng cho mỗi chiếc xe bán ra. Mới đây, VinGroup cho biết đã sản xuất 15.000 xe chỉ sau sáu tháng kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất vào tháng 6/2019.
Một nguồn tin quen thuộc thừa nhận các khoản tài trợ cho tập đoàn đã “cạn kiệt”, trong khi đó họ nhận định có thể dễ dàng phát hành trái phiếu baht ở Thái Lan hơn ở các nước khác.
Hồi tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ áp dụng các quy định mới có hiệu lực vào tháng 1/2020, thắt chặt khoản vay của các ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản, hoạt động kinh doanh cốt lõi của VinGroup, để đảm bảo sự bền vững của ngành ngân hàng, vốn chịu các khoản nợ không phù hợp.
"Chính sách cho vay đã được thắt chặt, vốn của các ngân hàng đang cạn kiệt và các khoản vay cho lĩnh vực bất động sản đang đạt trần, buộc các công ty phải phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn đầu tư", Phạm Anh, một cố vấn chiến lược và tăng trưởng kinh doanh độc lập nói.
"Thái Lan sẽ là lựa chọn tốt nhất cho việc phát hành trái phiếu baht của VinGroup vì quy định thị trường của nước này linh hoạt hơn", ông Phạm Anh nói.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Thái Lan tuyên bố "có quyền hạn chế bất kỳ trái phiếu mệnh giá Baht hoặc bất kỳ phát hành nợ nào nếu có sự thay đổi đáng kể về tình trạng tài chính hoặc cấu trúc của các doanh nghiệp”.