Mới đây, VinFast đã ra thông báo kể từ ngày 1/11/2019, giá bán lẻ của 2 mẫu xe SUV và sedan của VinFast sẽ tăng thêm 59-65,4 triệu đồng/chiếc.
1 tháng, 2 lần tăng giá
Điều đáng nói là trước đó, chỉ cách đây 1 tháng, VinFast cũng vừa công bố việc tăng giá xe áp dụng từ ngày 1/10. Cụ thể, trong đợt công bố giá xe này, các phiên bản xe VinFast đều đồng loạt tăng thêm 50 triệu đồng/chiếc. VinFast cho biết đây là mức giá đã được hãng tính toán và vẫn hưởng chính sách giá "3 không cộng ưu đãi" đang được áp dụng cho các dòng xe Lux SA2.0 và Lux A2.0, cũng như tình hình thực tế của thị trường.
Như vậy, có thể thấy chỉ trong vòng 1 tháng, VinFast đã 2 lần ra thông báo tăng giá xe. Theo công bố tăng giá mới nhất của VinFast, các dòng xe Việt này đã tăng tới hơn 100 triệu đồng so với mức giá ban đầu. Cụ thể, giá bán lẻ mới áp dụng từ tháng 11/2019 của mẫu SUV Lux A2.0 sẽ là 1,099 tỷ đồng đối với phiên bản tiêu chuẩn; phiên bản nâng cao có giá mới 1,187 tỷ đồng; phiên bản cao cấp có giá 1,337 tỷ đồng hoặc hơn 1,348 tỷ đồng tuỳ theo màu da nội thất.
Mẫu sedan Lux SA2.0 phiên bản tiêu chuẩn có giá bán lẻ mới 1,53 tỷ đồng; phiên bản nâng cao có giá hơn 1,614 tỷ đồng; phiên bản cao cấp có giá 1,8 tỷ đồng hoặc 1,814 tỷ đồng tuỳ chất liệu nội thất.
Lộ trình tăng giá xe VinFast
Việc VinFast liên tục thông báo tăng giá xe có thể không phải là điều quá ngạc nhiên, bởi trước đó hãng đã cho biết lộ trình giá của các mẫu xe hơi. Ngay từ khi ra mắt, hãng xe thuộc tập đoàn VinGroup đã cho biết mức giá gốc bán ra ban đầu là giá áp dụng chính sách “3 không cộng ưu đãi” đối với các 3 mẫu ô tô hiện đang có mặt trên thị trường. “3 không” là không chi phí khấu hao đầu tư, không chi phí tài chính và không lợi nhuận, cộng thêm ưu đãi đặc biệt dành cho các sản phẩm lần đầu ra mắt.
Theo kế hoạch, từ 1/9, chính sách giá “3 không” của VinFast sẽ hết hiệu lực và giá xe sẽ trở về với giá thực tế. Tuy nhiên, đến ngày 1/9, VinFast bất ngờ chưa tăng giá xe! Nhưng từ ngày 1/10, giá các dòng xe VinFast đã chính thức tăng lên, và đến ngày 1/11 tới, giá xe VinFast lại tiếp tục được đẩy lên. Đây là đợt điều chỉnh giá bán lẻ tiếp theo đã được nhà sản xuất ô tô trong nước thuộc tập đoàn VinGroup chia nhỏ dựa trên lộ trình đã được hoạch định từ trước.
Như vậy, có thể thấy việc tăng giá xe VinFast đã được tính toán từ trước. Tuy nhiên, dù có “lộ trình tăng giá”, song gần như chính sách tăng giá này của VinFast lại diễn ra trong bối cảnh hàng loạt mẫu xe trên thị trường được các hãng xe lần lượt công bố giảm giá. Mới đây nhất là việc tập đoàn Thaco công bố mức giá giảm 40 triệu đồng cho cả hai phiên bản Mazda CX-5 2.0 Premium và 2.0 Deluxe, đưa giá mới lần lượt là 949 triệu đồng và 859 triệu đồng. Còn trước đó, như AutoNews đã đưa tin, có rất nhiều mẫu xe được giảm giá trong tháng 10 này, và chỉ riêng VinFast “lội ngược dòng”.
Chính vì thế, việc giá xe VinFast tăng lên lại càng thu hút chú ý và tâm lý e ngại, liệu xe VinFast có cạnh tranh nổi, khi những tháng đầu tiên với khí thế “tinh thần dân tộc” đang dần qua đi, và chiếc xe phải chứng tỏ được chất lượng cũng như giá cả phù hợp, mới mong trụ vững trên thị trường.
Liệu giá xe VinFast có giảm?
Có lẽ nhiều người tiêu dùng Việt Nam cũng mong muốn được sở hữu những chiếc xe ô tô VinFast, hay nói đúng hơn là những chiếc xe mang thương hiệu của người Việt. Điều đó phần nào chính là dòng máu tự hào dân tộc, dù trong cơ chế thị trường, vẫn ngầm chảy trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Tuy nhiên, giấc mơ được sử dụng xe Việt với mức giá phù hợp mức chi tiêu, thu nhập của nhiều người, vẫn còn là … mơ. Theo một bài viết trên báo VnExpress, giá xe VinFast hiện tại không thể thấp hơn bởi phải chịu nhiều thuế phí và ngành phụ trợ chưa phát triển.
Theo bóc tách, giá chiếc xe VinFast Lux A2.0 (bản tiêu chuẩn - 1,04 tỷ đồng) khi đến tay người tiêu dùng, nhà sản xuất thu về khoảng 550 triệu đồng, còn lại là các chi phí thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí bán hàng và thậm chí là các tiền thuế cho linh kiện cấu thành. Bởi vì, theo VinFast, mỗi xe được tạo ra từ 20.000 đến 30.000 linh kiện, mặc dù hãng đặt mục tiêu nội địa hóa lên 60%, nhưng giai đoạn này vẫn phải nhập khẩu hầu hết linh kiện. Với mức thuế nhập khẩu linh kiện từ 10% đến 25%, chiếc sedan VinFast A2.0 có thể mất thêm hơn 100 triệu đồng cho khoản thuế này.
Ở góc độ người tiêu dùng, vấn đề nhìn thấy rõ ở đây là giá hiện tại hai dòng xe Lux của VinFast đang ở mức cao hơn các mẫu xe nhập khẩu phổ biến, trong khi xe của VinFast được sản xuất trong nước. Có thể nói, sản xuất một chiếc xe bán ra thị trường sẽ chịu nhiều khoản thuế phí, khiến giá xe chưa thể thấp như mong đợi.