Hiện nay, MIV đang nhập khẩu và phân phối xe Subaru Forester thế hệ thứ 5 được lắp ráp theo hình thức CKD tại nhà máy TCSAT - Nhà máy của Liên doanh giữa Tập đoàn Tan Chong Quốc Tế (TCIL) và Tập Đoàn Subaru Nhật Bản từ tháng 7.2019. Các mẫu xe khác được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản gồm Subaru Outback, Subaru BRZ và Subaru WRX.
Vào ngày 24.05.2024, Tập Đoàn Tan Chong Quốc Tế (TCIL) – Tập đoàn mẹ của Tập đoàn Motor Image cùng với Tập đoàn Subaru Nhật Bản đã thông báo “một quyết định chiến lược liên quan đến Liên doanh và nhà máy TCSAT hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường kinh doanh ô tô khu vực đang biến chuyển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo đó, TCIL và Tập Đoàn Subaru cùng đồng thuận về sự cần thiết phải tìm kiếm một phương thức kinh doanh mới, tiên tiến, hướng đến tương lai để thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, TCIL và Tập đoàn Subaru đã cùng quyết định kế hoạch chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại, bằng việc giảm dần cho đến khi ngừng hẳn hoạt động lắp ráp xe Subaru tại Thái Lan (“hay còn gọi là mô hình “CKD” tại Thái Lan), hiện đã dần không còn phù hợp cho định hướng phát triển dài hạn.
Từ năm 2025 trở đi, các thị trường đang phân phối sản phẩm xe lắp ráp tại Thái Lan: gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia sẽ chuyển sang mô hình kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, (hay còn gọi là xe “CBU” từ Nhật Bản)”
Vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm là ảnh hưởng của việc chuyển đổi này sẽ có những tác động không nhỏ. Tuy nhiên, đại diện Subaru khẳng định việc chuyển đổi không gây ảnh hưởng gì đến nguồn cung cho xe Subaru Forester hiện MIV đang phân phối tại thị trường Việt Nam. Các đại lý ủy quyền của Subaru tại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh xe Forester được lắp ráp và nhập khẩu từ Thái Lan cho đến khi mẫu xe Forester Hoàn Toàn Mới nhập khẩu từ Nhật Bản chính thức được ra mắt.
Theo Subaru, việc chuyển dịch mô hình kinh doanh này sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho Subaru tại thị trường Việt Nam. Bằng việc chuyển sang nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm xe từ Nhật Bản, MIV có thể giới thiệu tới khách hàng Việt Nam nhiều sản phẩm đa dạng và phù hợp hơn, và trong khoảng thời gian được rút ngắn hơn đáng kể tính từ thời điểm một mẫu xe mới được ra mắt lần đầu tại Nhật Bản.
Khách hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận và sở hữu những sản phẩm xe Subaru mới tại Việt Nam sau khi những sản phẩm đó được ra mắt tại Nhật Bản chỉ từ 3 đến 4 tháng. Khách hàng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ tương đồng cho dịch vụ hậu mãi và cung ứng phụ tùng dành cho mọi mẫu xe được nhập khẩu từ Thái Lan và Nhật Bản.
Hiện theo Hiệp định Thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 01/01/2018, các mẫu xe có tỷ lệ nội hóa trong khối ASEAN từ 40% trở lên thì mức thuế nhập khẩu ô tô sẽ là 0%. Trong khi đó, đối với những mẫu xe được sản xuất tại các quốc gia như Pháp, Ý, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc thì phải chịu mức thuế nhập khẩu ô tô từ 56 - 74%. Điều này đồng nghĩa với việc giá xe Subaru tại Việt Nam thời gian tới có thể tăng mạnh. Subaru Forester đang có 3 phiên bản tại thị trường Việt Nam, giá niêm yết từ 969 triệu đến 1,199 tỷ đồng.
Trước đó, theo báo chí Thái Lan, việc sản xuất Subaru tại Thái Lan dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay do doanh số bán hàng tại nước này liên tục sụt giảm.
Điều này khiến Subaru chỉ còn một cơ sở sản xuất bên ngoài Nhật Bản là Mỹ vì hoạt động sản xuất tại Malaysia trước đó của hãng cũng đã bị tạm dừng, nhà máy hiện được sử dụng để sản xuất xe Nissan và Renault.
Nhà máy Tanchong Subaru Automotive Co Ltd Thái Lan (TCSAT), đặt tại Khu công nghiệp Lad Krabang, là liên doanh giữa Tan Chong International Limited (TCIL), nắm giữ 74,9% và Subaru Corporation, nắm giữ 25,1%.
Tổng vốn đầu tư cho cơ sở rộng 100.000 m2 là gần hơn 135 triệu USD, lực lượng lao động 400 người, bao gồm người dân địa phương và người nước ngoài. Công suất sản xuất tối đa là 100.000 chiếc mỗi năm và ban đầu Subaru đặt mục tiêu sản xuất 6.000 chiếc mỗi năm.
Tuy nhiên, doanh số Subaru tại Thái Lan đang giảm dần từ mức kỷ lục 3.952 chiếc vào năm 2019 và doanh số năm 2024 dự kiến sẽ thấp hơn 1.000 chiếc, dẫn đến việc đóng cửa nhà máy.
Trong khi đó, công ty mẹ Tan Chong Motor Holdings Bhd được cho là đang trong tình trạng tài chính eo hẹp với 4 năm thua lỗ liên tiếp - năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31 tháng 12) khoản lỗ ròng lên tới 129 triệu RM.