VinFast lần đầu bán nhiều xe con nhất Việt Nam
Hãng xe Việt cho biết doanh số tháng 7 của VinFast vẫn duy trì đà tăng trưởng của tháng trước. Cụ thể, VinFast đã bàn giao cho khách hàng 2.928 xe Fadil, 778 xe Lux A2.0 và 76 xe Lux SA2.0 trong tháng 7/2021.
Trong đó, VinFast Fadil tiếp tục giữ vững vị thế là mẫu xe bán chạy nhất khi đạt mức tăng trưởng 14,7% so với tháng 6/2021.
Bên cạnh ba mẫu xe đang góp mặt trên thị trường, VinFast cũng đã mở bán mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34 từ cuối tháng 3/2021. Tính đến nay, VinFast đã nhận được hơn 25.000 đơn đặt cọc mua xe điện VF e34, trong đó gần 10.000 đơn được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến.
Mới đây, VinFast chính thức triển khai mô hình kinh doanh trực tuyến với tất cả các mẫu xe, cung cấp cho khách hàng giải pháp mua ô tô toàn diện đầu tiên tại Việt Nam. Thông qua website www.vinfastauto.com, khách hàng có thể tìm hiểu, so sánh các mẫu xe; đặt cọc và thanh toán (đối với khách hàng mua trả thẳng), nộp hồ sơ vay và duyệt khoản vay online (đối với khách hàng mua trả góp) trực tiếp cho VinFast mà không cần thông qua showroom/nhà phân phối; đồng thời có thể đặt lịch bảo dưỡng, sửa chữa trong suốt quá trình sử dụng xe.
Để khuyến khích khách hàng lựa chọn hình thức mua xe trực tuyến để đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, VinFast sẽ dành tặng gói bảo dưỡng miễn phí 3 năm trị giá lên tới 23 triệu đồng cho tất cả khách hàng đặt mua trực tuyến 3 dòng xe Fadil, Lux A2.0, Lux SA2.0 từ nay đến hết ngày 31/8/2021.
Ngoài ra, VinFast vẫn đang triển khai các chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng tốt bậc nhất thị trường như bảo hành 5 năm hoặc 165.000 km đối với dòng xe Lux, miễn phí cứu hộ 24/7 trong suốt thời gian bảo hành với tất cả các dòng xe, hay gửi xe miễn phí 6 tiếng/lần tại các cơ sở Vincom, Vinhomes trên toàn quốc…
MG Việt Nam trả lời về lỗi cảm biến
Trong tháng 7, một khách hàng tại Thanh Xuân, Hà Nội mua xe tại MG Lê Văn Lương cho biết, xe của anh liên tục báo lỗi trên bảng đồng hồ, kèm với đó là hiển thị thông báo Maitenance Vehicle Imediately (bảo trì phương tiện ngay lập tức) và Rear Drive Assist Sensor Blocked (cảm biến hỗ trợ lái phía sau bị khoá). Sự cố xảy ra khi xe đang vận hành, và xe mới mua được 2 tháng.
MG cho biết hiện tượng này là do hệ thống cảm biến điểm mù xuất hiện lỗi ngẫu nhiên (xác suất trong quá trình sản xuất linh kiện bị hỏng) khiến cho cảnh báo cảm biến hỗ trợ lái phía sau (RDA) nhấp nháy trên bảng điều khiển.
Hãng cũng cho biết giải pháp khắc phục là thay mới cảm biến radar của hệ thống cảnh báo điểm mù (BSD). Theo chia sẻ từ MG, sau khi thay xong thì xe đã hết báo lỗi và hoạt động bình thường.
Hiện tại có hai khách hàng gặp phải trường hợp này đều ở Hà Nội, một trường hợp đã được MG thực hiện thay mới cảm biến là khách hàng tại Thanh Xuân. Một trường hợp khác mua xe tại MG Long Biên, đã được hẹn lịch xử lý sau khi hết giãn cách.
MG Việt Nam cho biết vì lỗi xác suất, không phải tất cả nên chưa tính tới việc triệu hồi HS liên quan tới lỗi này. Hãng khuyến nghị khách chủ động đưa xe tới các đại lý để kiểm tra.
MG là thương hiệu xe từ Anh, hiện thuộc sở hữu của công ty Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC). Thương hiệu này từng được phân phối ở Việt Nam từ khá lâu nhưng đã rút lui khỏi thị trường. Đến tháng 7/2020, MG đã trở lại thông qua nhà phân phối là Tan Chong với 2 mẫu xe MG HS nhập khẩu từ Trung Quốc và ZS nhập từ Thái Lan.
Mỹ: 1.000 ô tô dồn ứ mỗi ngày để đợi chip
Dây chuyền sản xuất của General Motors làm ra mỗi ngày khoảng 1.000 mẫu bán tải và SUV cỡ lớn, nhưng không thể đưa tới đại lý vì thiếu chip.
Cũng giống nhiều hãng xe khác, General Motors (GM) phải đối mặt với khủng hoảng linh kiện từ nhiều tháng nay. Thậm chí, các nhà máy sản xuất dòng bán tải cỡ lớn của hãng đã phải tạm dừng hoạt động, nhưng nhà máy ở Texas, nơi sản xuất dòng SUV cỡ lớn, không có thời gian ngừng nghỉ, dẫn tới trình trạng dồn ứ.
Theo một số nguồn tin, vào đầu mùa hè, công nhân ở nhà máy Wentzville tại Missouri đã hoàn thiện khoảng 30.000 mẫu bán tải cỡ trung với linh kiện dự phòng và chuyển xe tới đại lý.
Nhưng tính đến 5/8, còn khoảng 10.579 chiếc SUV cỡ lớn xuất xưởng từ nhà máy Arlington vẫn phải nằm một chỗ quanh khu vực trung tâm Texas để đợi linh kiện trước khi được hoàn thiện và đưa tới các showroom. GM sản xuất các mẫu Cadillac Escalade, Chevrolet Tahoe và Suburban cùng GMC Yukon - đều là SUV cỡ lớn - tại Arlington.
Ở Missouri, khoảng 9.275 mẫu bán tải cỡ trung đến từ Wentzville đang đợi hoàn thiện, tính đến 4/8. Nhà máy ở Wentzville sản xuatas các mẫu Chevrolet Colorado và GMC Canyon. Kế hoạch của hãng xe Mỹ là tiếp tục sản xuất 15.000 chiếc bán tải và cho nằm đợi linh kiện.
Đại dịch Covid-19 dẫn tới những thời kỳ giãn cách và phong tỏa triền miên, khiến nhu cầu về máy tính xách tay tăng vọt bởi xu hướng làm việc từ xa, tăng nhu cầu với các dịch vụ điện toán đám mây và các trung tâm dữ liệu, cũng như nhu cầu về chip cho điện thoại 5G mới. Trong khi đó, năng lực sản xuất bị hạn chế. Ngành công nghiệp ôtô cũng bị tác động.
Tesla phải hoãn sản xuất bán tải điện vì quá đắt
Trong cuộc họp về kết quả tài chính mới đây, Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk nói rằng nếu hãng xe điện nỗ lực sản xuất Cybertruck vào lúc này, có thể đây sẽ là "một thứ giá triệu USD" chủ yếu bởi không thể đủ pin. Vì thế, mẫu bán tải chạy điện đã bị lùi kế hoạch tới ít nhất là 2022.
Lúc này, Tesla đang tập trung vào mẫu Model Y tại nhà máy ở Texas, Mỹ, cũng là nơi sẽ xuất xưởng Cybertruck sau này.
Ngày 21/11/2019, Tesla từng gây chú ý trên toàn thế giới khi ra mắt Cybertruck ở California. Mẫu bán tải điện không sử dụng kết cấu khung gầm rời (body-on-frame) như hầu hết xe bán tải truyền thống hiện nay, mà dùng kiểu liền khối bằng thép không gỉ. Musk thậm chí giới thiệu xe có khả năng chống đạn, nhưng trong thử nghiệm ngay trên sân khấu buổi ra mắt, cửa kính nứt vỡ nghiêm trọng khi bị ném bởi một khối kim loại.
Bất chấp màn ra mắt không diễn ra như mong đợi, giá cổ phiếu giảm gần 7%, chỉ vài ngày sau, Tesla nhận được khoảng gần 150.000 đơn đặt hàng Cybertruck, con số khá ấn tượng với một mẫu xe bán tải, theo Reuters. Khách hàng có thể đặt cọc chỉ với 100 USD để nhận xe vào 2021.
Đến tháng 6/2020, những nguồn tin ước tính tổng cộng khoảng 450.000-500.000 đơn đối với Cybertruck. Giá xe là 40.000 USD cho bản một động cơ điện và bản hai đến ba động cơ là từ 50.000 USD.
Nếu Tesla sản xuất Cybertruck đúng như kế hoạch vào lúc này, số lượng sẽ không đạt, bởi còn nhiều yếu tố như nhà máy chưa hoàn thiện và còn phải tập trung vào sản phẩm khác. Theo Musk, nếu sản xuất Cybertruck với số lượng thấp, chi phí sẽ rất cao. Vấn đề quan trọng nữa là phải có đủ pin 4680, trong khi việc sản xuất linh kiện này không hề dễ dàng.
Pin 4680 từng ra mắt vào tháng 9/2020 và mới đây, hãng xe điện Mỹ cho biết nâng cấp công nghệ cũng như quá trình sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như giảm chi phí. Loại pin này dự kiến sử dụng cho những mẫu xe sắp tới của Tesla, gồm cả Tesla Semi và Model Y, cũng như Cybertruck.