Với mức giảm hơn 3/4 trong chưa đầy một năm, Aston Martin đã trở thành cổ phiếu tệ nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.
Trong phiên giao dịch ngày 31/7, cổ phiếu Aston Martin có lúc sụt giảm 22% sau khi công ty báo lỗ trong nửa đầu năm và cho biết có thể phải huy động thêm vốn. Chốt phiên, cổ phiếu này giảm 17%.
Tuần trước, cổ phiếu Aston Martin “bốc hơi” 39% trong hai phiên giao dịch sau khi hãng cắt giảm dự báo doanh số cả năm.
Với tốc độ giảm “kinh hoàng” như vậy, giá cổ phiếu Aston Martin hiện còn chưa đầy 500 pence cổ phiếu, so với mức 1.900 pence/cổ phiếu khi chào sàn hồi tháng 10/2018.
Là hãng xe nổi tiếng với những mẫu xe được sử dụng trong series phim James Bond, Aston Martin trải qua một kế hoạch tái cơ cấu bắt đầu tư khi Tổng giám đốc (CEO) Andy Palmer lên nắm quyền vào năm 2014. Trong kế hoạch cải tổ này, hãng ra sức làm mới các mẫu xe sẵn có và tăng thêm số mẫu xe, cũng như nhảy vào những phân khúc mới.
Tuy nhiên, tái cơ cấu chưa mang lại cho Aston Martin kết quả như mong muốn.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, Aston Martin lỗ trước thuế 78,8 triệu Bảng, tương đương 96 triệu USD, trong 6 tháng. Cùng kỳ 2018, hãng lãi 20,8 triệu Bảng.
Doanh số xe bán buôn của hãng trong 6 tháng đạt 2.442 xe, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt mục tiêu đề ra. Doanh thu đạt 407 triệu USD, giảm 4%.
Nguyên nhân chính đẩy hãng tới khó khăn hiện nay chính là nhu cầu thấp hơn dự báo đối với các sản phẩm xe Aston Martin ở mức giá hiện nay.
Hãng cũng là một “nạn nhân” của sự suy giảm nhu cầu xe tại thị trường châu Âu. Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu từ năm ngoái đã chứng kiến nhu cầu xe nói chung lao dốc ở Trung Quốc và tình trạng tụt giảm nhu cầu xe chạy diesel ở châu Âu do sự nổi lên của xu hướng xe chạy điện.
Tuần trước, hãng xe Nissan của Nhật công bố lợi nhuận sụt giảm và kế hoạch tái cơ cấu lớn nhất trong 1 thập kỷ, sa thải hơn 10.000 nhân viên, tương đương gần 1/10 lực lượng lao động của hãng.
Ngoài những khó khăn chung của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, Aston Martin còn đối mặt với rủi ro của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, mà không có thỏa thuận nào. Brexit không thỏa thuận có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất hoàn toàn ở Anh của hãng.
Chi phí mở rộng sản xuất khi xây dựng một nhà máy mới ở xứ Wales để sản xuất sản phẩm xe đa dụng có tính năng thể thao (SUV) đầu tiên cũng gia tăng sức ép tài chính lên Aston Martin. Chưa kể, giá bán trung bình của xe Aston Martin cũng giảm xuống, khiến doanh thu giảm.
“Tiền mặt là mối lo lớn nhất của Aston Martin vào thời điểm này”, nhà phân tích George Galliers của ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo.
Theo ông Galliers, dòng tiền tự do di chuyển mà Aston Martin đưa ra trong báo cáo ngày 31/7 ít hơn 96 triệu Bảng (117 triệu USD) so với dự kiến.
Các nhà phân tích của hai công ty nghiên cứu Panmure Gordon và Jefferies đều đang tính đến khả năng Aston Martin sẽ phải huy động vốn, có thể thông qua một đợt phá hành chứng quyền. Kịch bản u ám này được đưa ra sau khi Aston Martin vào tuần trước cắt giảm dự báo doanh số.
Hôm 30/7, Bank of America Merrill Lynch đã cắt giảm khuyến nghị đối với cổ phiếu Aston Martin xuống “trung tính” từ “mua” trước đó. Nhà băng này cho rằng với những khó khăn hiện nay, Aston Martin có thể trở thành mục tiêu thâu tóm.