Xe bị rụng bánh, gãy càng là do tai nạn
Những ngày qua, dư luận bàn tán xôn xao về hàng loạt trường hợp ô tô bị rụng bánh khi đang lưu thông trên đường. Điều đáng nói là có rất nhiều các tài khoản facebook hướng mũi dùi vào các trường hợp xe VinFast và cho rằng xe đang đi thì bị rụng bánh, gãy càng chứ không phải do bị tai nạn.
Như trường hợp một chiếc xe Fadil bị rụng bánh trên cầu Bến Thủy chiều tối ngày 22/2/2021, khi một người đăng ảnh trên Facebook loan tin "xe đang đi tự rụng bánh", gây tranh luận dữ dội. Thông tin này đã được rất nhiều người chia sẻ, bàn luận theo chiều hướng tiêu cực về chất lượng của thương hiệu xe Việt - VinFast.
Để xác minh thông tin, PV Báo Giao thông đã liên hệ với nhân chứng có mặt trực tiếp là chị Phan Thu Lê - Trưởng ca trực thu phí tại trạm Bến Thủy 1 (thuộc chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh, thuộc Cienco 4).
Chị Phan Thu Lê cho biết: "Khoảng 18 giờ ngày 22/2/2021, tôi trực tiếp làm việc tại điểm thu phí đầu cầu nên biết rất rõ đấy là vụ tai nạn giao thông. Chiếc xe Fadil tông vào dải phân cách cứng, chứ không phải do xe tự gãy trục".
"Sau khi TNGT xảy ra, lái xe đã điện báo cho CSGT và đơn vị bảo hiểm đến làm hiện trường rồi mới đưa xe đi. Về phần công trình đường bộ, thiệt hại không đáng kể do chỉ bị mẻ gờ bê tông nên chúng tôi không yêu cầu lái xe phải bồi thường", chị Lê xác nhận sự việc.
Cùng ngày 22/2/2021, lúc khoảng 20h tại TP.HCM - một chiếc xe VinFast LUX A2.0 màu bạc đang lưu thông trên đường Bạch Đằng, hướng từ chợ Bà Chiểu về ngã tư Hàng Xanh, khi xe đi qua trước số nhà 22 Bạch Đằng bất ngờ tài xế mất kiểm soát và tông xe vào dải phân cách giữa 2 làn đường ngược chiều.
Hình ảnh chụp lại từ hiện trường vụ tai nạn cho thấy, chiếc xe VinFast LUX A2.0 xoay ngang với mặt đường và lấn sang làn đường ngược chiều.
Vụ tai nạn khiến xe VinFast LUX A2.0 bị gãy trục bánh trước bên tài, hông xe bên lái xuất hiện nhiều vết móp nặng. Rào chắn giữa đường cao khoảng 90cm cũng đổ nghiêng.
Không dễ rụng bánh xe nếu không phải do tai nạn
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều ngày 22/2/2021, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch (chủ gara ô tô Lê Văn Tạch ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay: "Thông thường, các trục và mâm bánh xe được thiết kế đủ bền để sử dụng cho nhiều tình huống vận hành, nhiều cấu hình xe khác nhau, không dễ bị gãy hay rụng ở điều kiện sử dụng thông thường".
Tuy nhiên, cặp bánh trước có độ "mẫn cảm" hơn các bánh sau do có liên quan đến hệ thống lái, góc đặt bánh xe khi đánh lái, và vì thế cơ cấu giữ bánh trước cũng "mẫn cảm" hơn bánh sau, kỹ sư Tạch lý giải.
Bởi thế, có hai khả năng dẫn đến rụng bánh trước nếu xảy ra va chạm.
Thứ nhất là khi bánh trước lao vào vật cứng vững ở đúng vị trí đang đánh lái (xe không thẳng lái), ví như lao vào "con lươn" cứng ở khúc cua thì khả năng rụng bánh là cao.
Thứ hai là bánh trước bị sập gầm, nói đơn giản là sa vào một hố ga mất nắp (bất kể đang đi nhanh hay chậm), lúc đó gẫy các ốc giữ càng chữ A, cũng có thể rụng bánh.
"Thực tế là có một số khách hàng đã sập hố ga, rụng bánh, phải thuê xe cứu hộ mang đến chỗ tôi để sửa, nên việc chiếc xe rụng bánh là có, nhưng phải sau một va chạm mạnh vào vị trí hiểm yếu của trục bánh thì mới rụng được. Còn bình thường xe chạy cao tốc trên 100km/h mà nổ lốp cũng chưa chắc rụng được bánh", kỹ sư Tạch giải thích.
Theo kỹ sư Tạch, giữ khoảng cách an toàn với vật cứng - cả hai bên và dưới gầm xe - là rất quan trọng để tránh gặp phải các va chạm dẫn tới rụng bánh xe.