LG Energy Solution, SK Innovation và Samsung SDI là ba nhà sản xuất pin lithium-ion của Hàn Quốc, chiếm gần một nửa lượng pin EV lithium-ion trên toàn cầu vào năm 2020.
Ngành kinh doanh pin xe điện của Hàn Quốc đang mơ về một tương lai tươi sáng phía trước, khi thị trường xe ô tô điện dự kiến sẽ tăng trưởng bùng nổ. Nhưng, giấc mơ ngày càng xa. Các nhà sản xuất ô tô, từng là khách hàng của các hãng pin, hiện đang tìm cách tự sản xuất pin. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu với tốc độ báo động.
SNE Research cho biết thị phần toàn cầu của ba công ty Hàn Quốc đã giảm 11,7% trong năm nay tính đến tháng Hai, xuống mức 29,5% so với 41,2% năm ngoái.
Hãng xe “tự xử”
Gần đây, Volkswagen ra thông báo cho biết họ sẽ dần dần tự cung cấp pin cho mình. Volkswagen là nhà sản xuất ô tô Đức đứng thứ 2 thế giới về doanh số bán xe điện, sau Tesla. Công ty cam kết xây dựng sáu nhà máy pin ở châu Âu vào năm 2030 để sản xuất công suất 240 gigawatt giờ (GWh) mỗi năm thông qua các liên doanh.
“Với tình hình nguồn cung cấp pin toàn cầu hiện nay và cơ cấu chi phí, việc các nhà sản xuất ô tô tự phát triển pin sẽ chỉ là chuyện sớm muộn”, Kim Gui-yeon, nhà phân tích ô tô của Heungkuk Securities cho biết.
Trong khi đó, LG Energy Solution và SK Innovation lại dính vào một cuộc tranh chấp pháp lý kể từ năm 2019, liên quan đến những chiếm đoạt bí mật thương mại và vi phạm bằng sáng chế. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã ra phán quyết có lợi cho LG, cấm SK Innovation kinh doanh pin EV tại Mỹ trong 10 năm tới.
Ford và Volkswagen, hai hãng xe đã ký hợp đồng cung cấp pin với SK Innovation, được gia hạn lần lượt 4 và 2 năm để tìm kiếm nhà cung cấp khác.
Park Chul-wan, giáo sư kỹ thuật ô tô tại Đại học Seojeong, cho biết: “Một khi các nhà sản xuất ô tô thành công trong việc lắp đặt dù chỉ một lượng nhỏ pin tự sản xuất, đó sẽ là sự khởi đầu của một thảm họa với các nhà sản xuất pin”.
“Họ sẽ cố gắng đẩy giá pin của các nhà cung cấp xuống và các nhà sản xuất pin sẽ không có khả năng đàm phán như bây giờ".
Tesla, nhà bán xe điện lớn nhất thế giới, hồi năm ngoái đã thông báo sẽ sản xuất pin EV hình trụ của riêng mình. Gã khổng lồ ô tô Nhật Bản Toyota cũng cho biết họ đang nghiên cứu phát triển loại pin thể rắn.
Hyundai Motor và Kia gần đây đã củng cố đội ngũ nghiên cứu và phát triển pin tại Trung tâm R&D Namyang, mặc dù họ phủ nhận sẽ sử dụng pin “nhà làm” trong tương lai gần.
Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc chơi
Tình hình trở nên khó khăn hơn khi các công ty Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu với tốc độ đáng kể. Các nhà sản xuất ô tô đang củng cố mối quan hệ đối tác của họ với các nhà sản xuất pin Trung Quốc vì đây là điều kiện tiên quyết để bán các mẫu xe điện của họ tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới - Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc không trợ cấp cho xe điện được trang bị pin không phải của Trung Quốc.
Volkswagen gần đây thông báo rằng sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác với CATL. Tập đoàn ô tô Hyundai cũng báo cáo vào đầu năm nay rằng họ đã chọn CATL làm nhà cung cấp chính cho lô xe điện thứ ba được sản xuất trên nền tảng mô-đun chuyên dụng E-GMP. Hợp đồng cung cấp lô thứ ba được báo cáo trị giá 9 nghìn tỷ won (8 tỷ USD).
Theo các nguồn tin trong ngành, pin Trung Quốc rẻ hơn trung bình từ 10 đến 20% so với pin của Hàn Quốc, mặc dù không có số liệu cụ thể nào được xác nhận. “Chắc chắn là chúng rẻ hơn, nhưng về mặt công nghệ, các công ty Trung Quốc, đặc biệt là CATL, cũng không đi sau quá nhiều”, Giáo sư Park nói.
CATL đang hợp tác với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu để nâng cao công nghệ pin của mình. Hiện tại, hãng đã thành lập liên minh với Daimler của Đức và Honda của Nhật Bản để cùng phát triển công nghệ pin.
Năm ngoái, thị phần toàn cầu CATL và LG Energy Solution chỉ chênh lệch 0,5%, so với mức chênh lệch 17,1% vào năm 2019, theo SNE Research.
Khoảng cách lại tiếp tục được nới rộng trong năm nay, CATL chiếm 31,7% thị trường tính đến tháng Hai trong khi LG Energy Solution chỉ chiếm 19,2%.
Các công ty Trung Quốc sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường pin EV trong tương lai gần, trong đó CATL đứng đầu.