Khan hàng, giá xe tăng
Hãng xe Nhật cho biết sẽ tăng giá chính thức từ 1/5 tới với hai dòng xe lắp ráp Vios, Innova và 7 dòng xe nhập khẩu, mức tăng cao nhất 40 triệu đồng.
Trong khi hai dòng xe lắp ráp có mức tăng thấp nhất, chỉ 5-6 triệu, thì các dòng xe nhập sẽ tăng 16-40 triệu. Mức giá này sẽ được áp dụng cho các đơn hóa xuất xe từ 1/5.
Như vậy, khách hàng sẽ còn một tháng để mua các dòng xe trên với mức giá không tăng. Các dòng xe không tăng giá đợt tới là Wigo, Corolla Altis, Avanza Premio, Veloz Cross, Fortuner. Trong khi các dòng như Hilux, Rush không có xe bán.
Trước đó, nhiều đại lý đã lợi dụng tình trạng khan hàng để bán xe “kênh giá”, trong khi trên thị trường có không ít mẫu xe khác đang được giảm giá để hút khách. Nên chấp nhận bị “ép” mua giá cao để có xe sớm hay bình tĩnh cân nhắc lựa chọn mẫu xe phù hợp, giá hợp lý là câu hỏi của nhiều khách hàng vào thời điểm này.
Theo khảo sát của PV, thông tin từ một số đại lý của Toyota cho biết, với hai mẫu xe Veloz và Raize, do là xe nhập khẩu nên không được hưởng chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ. Các chương trình khuyến mãi cũng như chính sách ưu đãi của hãng hiện không có.
Mặc dù không được ưu đãi về giá, song thời gian nhận xe lâu cũng là một thiệt thòi khá lớn đối với người tiêu dùng.
“Với Veloz G màu đen thì giờ ký đặt cọc mua xe thì tháng 6 có xe. Còn với Raize ký chờ thì tháng 11 – 12 năm nay mới có xe”, nhân viên của đại lý Toyota Từ Liêm cho hay.
Đối với Toyota Raize thì thậm chí một số đại lý của hãng còn không có hàng cũng như không còn nhận đặt xe.
Bán hàng kiểu "bia kèm lạc", hoặc yêu cầu khách trả thẳng khoản chênh giá nếu muốn nhận xe sớm là hai kiểu phổ biến nhất mà nhiều showroom bán xe Toyota hiện đang áp dụng với những mẫu xe "hot", khan hàng.
Không ngoại lệ với thương hiệu Hyundai, các mẫu xe đang bị bán chênh giá gồm: SantaFe, Tucson và Creta. Đây đều là các mẫu xe có lượng bán tốt. Cụ thể, Tucson 2022 mới ra mắt đang được bán cao hơn đề xuất tới 100 triệu đồng, tùy từng phiên bản; còn SantaFe đội giá khoảng 40-70 triệu đồng.
Trong khi đó, Creta là tân binh trên phân khúc crossover hạng B tại Việt Nam; nếu muốn nhận xe sớm, khách sẽ phải trả thêm 20-40 triệu đồng so với mức công bố của hãng, tùy khu vực thị trường nếu không, có thể phải chờ 2 tháng. Với các đại lý Hyundai, khách mua xe không mua kèm phụ kiện, mà phải trả thẳng khoản chênh lệch.
Ngược lại với tình trạng trên, nhiều mẫu xe khác lại đang được ưu đãi, giảm giá mạnh tay để hút khách. Ví dụ như Kia hiện tại đang có chương trình giảm giá xe đối với mẫu Kia Morning phiên bản MT (số sàn) là khoảng 275 – 279 triệu đồng. So với giá niêm yết trước đây (304 triệu đồng), giá xe KIA Morning MT hiện đã giảm 25 - 29 triệu đồng. Ngoài ra, mua xe tại thời điểm này, khách hàng còn được hưởng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ. Với những người đăng ký biển tỉnh, tổng chi phí lăn bánh chỉ khoảng 290 triệu đồng.
Hay Mitsubishi hiện tại cũng đang giảm giá đối với mẫu Xpander. Cụ thể phiên bản MT giảm ít nhất, 40 triệu, trong khi bản AT tiêu chuẩn giảm cao nhất 70 triệu. Khách hàng có thể chọn mua bản AT với giá 560 triệu hoặc 565 triệu và nhận thêm dán phim cách nhiệt, trải sàn.
Trong khi đó, dù mới vừa ra mắt tại Việt Nam được hơn một tháng, mẫu Honda Civic 2022 đã được các đại lý giảm giá với các bản E và G. Cụ thể, mức giảm tại khu vực Hà Nội có thể lên đến 30 triệu đồng trừ trực tiếp vào giá bán hoặc giảm tiền 20 triệu đồng và tặng thêm gói phụ kiện trị giá 20 triệu đồng.
Khách hàng mua xe loay hoay
Có thể thấy việc các hãng đồng loạt tăng giá và tình trạng khan hàng khiến cho người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc mua xe.
Không những bị tăng giá mà thời gian chờ xe còn rất lâu nếu không mua “bia kèm lạc”, một số mẫu xe nhập khẩu cũng không được hưởng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ hay chương trình khuyến mãi của hãng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người mua xe.
Bên cạnh đó, việc các đại lý “thổi giá” mỗi nơi một kiểu khiến cho khách hàng cảm thấy “chán nản”, “mệt mỏi”. Thậm chí một số người sẵn sàng bỏ cọc, “quay xe” vì không chấp nhận việc giá tăng mà thời gian chờ xe quá lâu.
Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng có nhu cầu thực sự và bình tĩnh theo dõi tình hình thị trường thì thực tế vẫn còn nhiều lựa chọn khác.
Tại thời điểm này đối với xe lắp ráp trong nước là một phương án có thể đáng lưu tâm khi nhiều dòng xe vẫn đang được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cũng như những chính sách khuyến mãi khác của hãng và không phải chờ đợi xe nhập về.
Hoặc một số người có kinh tế eo hẹp hơn lại quay sang tìm đến những mẫu xe “lướt” trên thị trường ô tô cũ.
Chấp nhận mua “bia kèm lạc” hay chờ đợi? hoặc lựa chọn sang những mẫu xe khác? hoàn toàn là quyết định của mỗi người, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, nhu cầu sử dụng, nhưng trên hết, người tiêu cần có sự tỉnh táo nhận định thị trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.