Tờ báo Bild nói rằng ông Piech từ trần vào hôm Chủ nhật tại một bệnh viện ở Bavaria, Đức. Ông bất ngờ gục xuống trong một nhà hàng vào buổi tối cùng ngày, khi đang dùng bữa cùng vợ, bà Ursula. Ông được đưa tới bệnh viện gần đó nhưng không qua khỏi - nguồn tin bệnh viện cho hay.
Trong một tuyên bố ra ngày thứ Hai, bà quả phụ Ursula Piech nói rằng cái chết của chồng bà là “đột ngột và hoàn toàn bất ngờ”.
Cùng với nhà Porsche, gia tộc Piech nắm cổ phần đa số trong Volkswagen thông qua một công ty gia đình có tên Porsche SE.
Trong thời gian cầm quyền ở Volkswagen, ông Piech đã tiến hành thâu tóm Porsche cùng một loạt thương hiệu xe nổi tiếng khác. Nhờ đó, hãng này trở thành tập đoàn ôtô lớn nhất châu Âu, đồng thời cạnh tranh gay gắt với đối thủ Nhật Bản Toyota để giành ngôi vị hãng xe lớn nhất thế giới trong những năm gần đây.
Ông Piech là cháu ngoại của Ferdinand Porsche, nhà sáng lập hãng xe Porsche. Ông trở thành CEO của Volkswagen vào năm 1993 trong lúc hãng xe này chìm sâu trong thua lỗ.
Ở thời điểm đó, Volkswagen đối mặt hàng loạt vấn đề về chất lượng thấp và chi phí cao. Piech đã thay thế gần như toàn bộ hệ thống lãnh đạo của Volkswagen, cắt giảm chi phí bằng cách thuyết phục các thủ lĩnh công đoàn chấp nhận thời gian làm việc hàng tuần ngắn hơn, đồng thời vạch kế hoạch cải tổ các dòng sản phẩm.
Khi Volkswagen trở nên làm ăn có lãi và sản xuất được những mẫu xe tốt hơn mà không phải thực hiện những đợt sa thải quy mô lớn, Piech - một người vô cùng khắt khe về chất lượng và kỹ thuật - giành được sự ủng hộ của cả giới công đoàn và cổ đông.
“Đầu tiên và trên hết, tôi luôn xem mình là một con người của sản phẩm và dựa vào bản năng để đánh giá nhu cầu của thị trường. Kinh doanh và chính trị không bao giờ khiến tôi phân tâm khỏi phần cốt lõi trong sứ mệnh của chúng tôi: chế tạo và sản xuất những chiếc xe hấp dẫn”, Piech viết trong cuốn tự truyện vào năm 2002.
Ông tiếp tục là người định hướng chiến lược của Volkswagen sau khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Giám sát của hãng vào năm 2002.
“Thành tựu quan trọng nhất của ông ấy là đã xây dựng được công ty xe hơi lớn nhất và thành công nhất trên thế giới”, nhà lịch sử ôtô John Wolkonowicz, người từng làm việc trong Volkswagen tại Đức với tư cách cố vấn hồi thập niên 1990, nhận xét. “Ông ấy đã xây dựng hãng từ gần như con số 0”.
Một trong những việc lớn nhất mà Piech làm được cho Volkswagen là mua lại thương hiệu Porsche vào năm 2012.
Thương vụ này là một cú lội ngược dòng ngoạn mục, bởi mới chỉ 4 năm trước đó, người em họ của Piech là Wolfgang Porsche đã tìm cách đưa Porsche mua lại Volkswagen. Piech đã đứng về phía chính quyền bang Lowe Saxony, một cổ đông chính trong Volkswgen, chặn nỗ lực của Porsche thâu tóm Volkswagen.
Sự kết hợp giữa Volkswagen và Porsche hợp nhất hai hãng xe có cùng nguồn gốc từ ông ngoại của Piech - Ferdinand Porsche, kỹ sư xe hơi huyền thoại đã chế tạo chiếc xe “con bọ” Volkswagen Beetle.
Dưới thời Piech, Volkswagen nhảy vào lĩnh vực xe cao cấp thông qua mua lại Porsche cùng hai thương hiệu xe cao cấp khác là Bentley và Bugatti. Cùng với đó, ông phát triển mạnh hai thương hiệu xe bình dân của hãng là Seat và Skoda.
Đến cuối năm 2012, Volkswagen đã sở hữu hoàn toàn hoặc nắm cổ phần kiểm soát trong 12 thương hiệu xe, bao gồm siêu xe Lamborghini, hai hãng xe tải nặng MAN và Scania, cùng nhà sản xuất xe mô-tô Ducati.
Niềm đam mê xe hơi của Piech, và mong muốn của ông về sản xuất ra những chiếc tốt nhất có thể, bất chấp giá cả thế nào, cũng khiến Volkswagen phải tiêu tốn rất nhiều tiền.
Thất bại của Volkswagen ở các mẫu xe gồm sedan Phaeton, siêu xe Bugatti Veyron, và hatchback Audi A2 khiến hãng chiếm 3/10 mẫu xe gây thua lỗ lớn nhất trong lịch sử công nghiệp ôtô thế giới - theo một ước tính của Sanford C. Bernstein & Co. Đây cũng chính là “thành tích” tệ hại nhất mà một hãng xe từng trải qua.