Về cơ bản, mẫu ôtô bay này là một thiết bị bay không người lái (drone) cỡ lớn với 4 cánh quạt, có khả năng chở người. Khi bay thử ở một khu ngoại ô của Tokyo, chiếc ôtô bay đã cất cánh mà không có hành khách.
Được cung cấp năng lượng bằng pin, chiếc ôtô bay đã đạt độ cao khoảng 3 mét so với mặt đất, trong thời gian khoảng 1 phút, rồi hạ cánh.
Phía sau cuộc bay thử ngắn ngủi này là một tham vọng to lớn: Chính phủ Nhật muốn nước này trở thành quốc gia đi đầu thế giới về ôtô bay.
Mục tiêu trên được đặt ra sau khi đất nước mặt trời mọc bỏ lỡ bước tiến trong nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực di chuyển như xe điện và ứng dụng gọi xe. Lộ trình công nghệ của Nhật Bản là giao hàng bằng ôtô bay vào khoảng năm 2023 và đến năm 2030 hành khách có thể đi ôtô bay tại các thành phố.
“Nhật Bản là một quốc gia có mật độ dân số đông đúc, và điều này đồng nghĩa với việc ôtô bay sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng giao thông trên đường”, ông Kouji Okada, trưởng dự án ôtô bay thuộc NEC, phát biểu. “Chúng tôi đang thiết lập vị trí của mình là người mở đường cho việc đi lại bằng ôtô trên không, thông qua việc cung cấp dữ liệu về vị trí và xây dựng hạ tầng liên lạc cho xe bay”.
Mấy năm qua, Nhật Bản đã chứng kiến sự nổi lên của một cộng đồng đam mê ôtô bay - những người tin rằng nước này có đủ trình độ kỹ thuật và môi trường phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô bay toàn cầu. Các nhà đầu tư mạo hiểm ở Nhật Bản đã mở một quỹ chuyên biệt có tên Drone Fund chuyên rót vốn vào các doanh nghiệp sản xuất thiết bị bay không người lái nói chung, đặc biệt là các công ty về ôtô bay.
NEC là một trong những công ty lớn đầu tiên của Nhật tiến hành thử nghiệm ôtô bay. Tuy nhiên, hãng này không có ý định sản xuất hàng loạt mẫu xe bay này. Thay vào đó, đối tác của NEC trong dự án ôtô bay là Cartivator sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt mẫu xe bay vào năm 2026.
NEC và Cartivator đã dành thời gian khoảng 1 năm để phát triển mẫu xe nói trên. Chiếc ôtô bay có chiều dài 3,9 mét, rộng 3,7 mét, và cao 1,3 mét, trọng lượng khoảng 150 kg.
Cuộc bay thử diễn ra trong một lồng sắt lớn để đảm bảo chiếc ôtô bay không bay vượt khỏi tầm kiểm soát và gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới đặt ra tham vọng lớn trong lĩnh vực ôtô bay. Dubai, Singapore và New Zealand đều đã có các dự án tương tự. Công ty Kitty Hawk của nhà đồng sáng lập Google, ông Larry Page, và công ty ứng dụng gọi xe Uber cũng đang nghiên cứu chế tạo ôtô bay.
Theo dự kiến, chiếc ôtô bay của NEC sẽ sớm được “sổ lồng”, vì Cartivator đã được Chính phủ Nhật Bản cấp phép cho chiếc xe này bay thử nghiệm ngoài trời.