Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2020, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 3.996 ô tô nguyên chiếc, đạt giá trị kim ngạch hơn 95 triệu USD.
Đáng chú ý là các loại xe có xuất xứ từ các nước khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan và Indonesia, đang ngày càng áp đảo xét cả về số lượng lẫn giá trị.
Cụ thể, trong tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 1.703 ô tô nguyên chiếc từ Indonesia, tương ứng với mức giá trị kim ngạch hơn 20 triệu USD.
Lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan còn nhiều hơn với tổng cộng 1.832 chiếc, giá trị kim ngạch đạt trên 41,5 triệu USD.
Như vậy, các loại ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ 2 nước nằm trong khối ASEAN tháng đầu năm đã gần như áp đảo hoàn toàn thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam.
Chi tiết hơn, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chiếm đến 88,46% về lượng và 64,55% về giá trị trong tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô tháng 1/2020 tính theo xuất xứ.
Đây là hiện tượng hoàn toàn dễ hiểu bởi các loại xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đang ngày càng chiếm lợi thế.
Theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giữa các nước nội khối đã giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018.
Sau quãng thời gian nửa đầu năm gặp khó khăn do các quy định mới tại Nghị định 116 của Chính phủ, đường về của ô tô nhập khẩu đã thông thoáng khi các doanh nghiệp hoàn thiện đầy đủ thủ tục.
Với lợi thế về thuế nhập khẩu và cả các chi phí vận chuyển, kho vận, ô tô nhập khẩu Đông Nam Á ngày càng tỏ rõ ưu thế so với xe nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ khác.
Đơn cử như năm 2019, cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi ra đến trên 1,5 tỷ USD (tương đương hơn 35.000 tỷ đồng) để nhập khẩu ô tô từ Thái Lan. Số tiền người Việt chi ra để nhập khẩu 46.563 xe từ Indonesia cùng quãng thời gian này là 626 triệu USD.
Có thể nhận thấy khá rõ một thực tế là ở thị trường ô tô phổ thông, đa số các thương hiệu đều được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia bất chấp việc đang có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam.
Chẳng hạn trong danh mục sản phẩm của Honda, chỉ có duy nhất mẫu xe City được lắp ráp tại nhà máy đặt ở tỉnh Vĩnh Phúc, còn lại 6 mẫu xe khác đều được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.
Toyota cũng không quá khác biệt khi chỉ còn duy trì lắp ráp trong nước 3 mẫu xe gồm Vios, Corolla Altis và Innova. Liên doanh Nhật Bản mới đây cũng đã đưa mẫu SUV 7 chỗ ngồi Fortuner trở lại lắp ráp trong nước song vẫn giữ 1 phiên bản nhập khẩu từ Indonesia. Còn lại, tất cả các mẫu xe khác đều nhập khẩu và chủ yếu từ Indonesia và Thái Lan.
Rõ ràng, đứng trên góc độ kinh doanh, các hãng xe hoàn toàn có lý do tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn bởi những lợi thế khi nhập khẩu xe phổ thông từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù vậy, trong một vài năm tới, trạng thái cân bằng hoặc thậm chí có thể được đảo ngược khi các hãng xe đang dần tăng trở lại danh mục xe lắp ráp trong nước.
Chẳng hạn như trường hợp Toyota đưa mẫu xe Fortuner quay trở lại lắp ráp hay từ nửa sau của năm ngay, mẫu xe đắt khách nhất của Mitsubishi là Xpander cũng sẽ xuất xưởng ngay tại Việt Nam thay vì tiếp tục về từ Indonsia.
Bên cạnh đó, thương hiệu xe phổ thông hoàn toàn được lắp ráp trong nước là Hyundai đang ngày càng nắm giữ vững chắc vị thế xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Kỳ vọng về thế cờ với ưu thế của xe lắp ráp trong nước cũng hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, cùng thời điểm ban hành Nghị định 116, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 125 với nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.