Ngày 19/5, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ nhằm tháo gỡ khó khăn, kích thích tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thực tế vẫn chưa ấn định ngày thực thi. Dù vậy, thông tin trên đã khiến thị trường xe sôi động trở lại sau chuỗi ngày dài đóng băng vì đại dịch Covid-19. Lượng khách hàng xem và mua xe tăng lên.
Phí trước bạ chưa giảm, khuyến mãi đã bị rút bớt
Tuy nhiên, theo phản ánh của Zing.vn, nhiều đại lý bắt đầu hạ mức khuyến mãi và điều chỉnh giá một số dòng xe. Cụ thể, khảo sát một số showroom Toyota ở Hà Nội, các dòng xe CKD ăn khách của Toyota như Vios, Innova hay Fortuner đều có mức giảm giá ít hơn từ 10-15 triệu đồng so với thời điểm đầu tháng 5. Cụ thể, các phiên bản Toyota Vios trước kia được giảm giá từ 20-30 triệu đồng thì nay ưu đãi giảm xuống còn từ 10-15 triệu đồng. Trong khi đó, Toyota Innova hiện giảm khoảng 35 triệu cho xe sản xuất năm 2020 thay vì mức trên dưới 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho các phiên bản Fortuner lắp ráp trong nước hiện cũng đã tạm dừng.
Tương tự, các showroom Mazda tại Hà Nội cũng áp dụng mức giảm giá ít hơn cho các mẫu xe CKD của hãng như Mazda3 hay Mazda CX-5. Nếu trước kia Mazda3 giảm giá từ 30-60 triệu và Mazda CX-5 giảm từ 55-85 triệu tại đại lý thì nay được ưu đãi ít hơn khoảng 10-20 triệu đồng.
Diễn biến thị trường này khiến không ít khách hàng bức xúc. Thậm chí, trong một bài viết đăng trên VnExpress, một độc giả đã nói rằng “Người mua ôtô luôn ở 'kèo dưới' so với đại lý”. Việc đại lý tăng giá xe khi có thông tin giảm phí trước bạ một lần nữa khẳng định họ luôn là kẻ làm chủ cuộc chơi trong giao dịch mua-bán ôtô.
Thời gian này, người mua xe đang lưỡng lự giữa việc nên mua xe luôn để hưởng giá ưu đãi hay đợi phí trước bạ giảm mới mua. Tưởng rằng có thể chủ động chọn lựa, song các đại lý lại tung chiêu dọa tăng giá xe trong những tháng tới. Những mức khuyến mại sâu như giai đoạn tháng 3, tháng 4 ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bắt đầu bị cắt giảm.
“Viễn cảnh hưởng lợi từ phí trước bạ giảm trở nên nhỏ lại về giá trị. Khách hàng ở vào thế tưởng chừng có thể chủ động được việc mua xe, nhưng theo toan tính của đại lý, thực tế không hoàn toàn như vậy”, độc giả Ngô Bình viết trên VnExpress.
Ưu đãi rơi vào túi đại lý?
Báo điện tử VietNamNet phản ánh, trước thông tin nhiều đại lý cho biết giá xe sẽ không còn giảm sâu như hiện nay, vì khách hàng đã có ưu đãi 50% trước bạ khiến đa phần khách hàng không khỏi bức xúc. Có khách hàng cho rằng ưu đãi bỗng dưng rơi vào túi đại lý!
Anh Trần Hùng, một khách hàng ở Cầu Giấy, Hà Nội nói: "Tưởng giảm thuế phí là để kích cầu tiêu dùng khi xảy ra Covid-19, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp ô tô nội địa, ai ngờ các đại lý bán xe chưa gì đã muốn tăng giá xe. Xét cho cùng nếu điều đó xảy ra thì người mua xe chả được lợi ích gì từ quyết định này mà chỉ doanh nghiệp lắp ráp ô tô hưởng lợi".
Trong khi đó, theo báo Thanh Niên Online, nhiều đại lý còn "dọa" khách hàng sẽ tăng giá xe trở lại sau khi lệ phí trước bạ giảm 50% để khách hàng mau chóng "chốt" mua xe sớm.
Tình trạng “dọa tăng giá” hay hạ mức khuyến mãi xảy ra với hầu hết các dòng xe CKD của các hãng xe như Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda và Ford….
Mua xe trước, nộp phí trước bạ sau?
Trước tình thế này, không ít khách hàng chọn cách đặt cọc trước để được hưởng mức giá xe đang có khuyến mãi tốt, song chưa vội trả hết tiền ngay, mà chờ khi quy định giảm lệ phí trước bạ được áp dụng mới lấy xe.
Thậm chí, có những người đã mua xe, trả đủ tiền, nhưng chưa làm các thủ tục về thuế, phí mà cố chờ để được hưởng ưu đãi từ chính sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian “cố chờ” này không thể quá lâu, vì theo quy định, người mua sẽ bị bị phạt hành chính nếu đăng ký sở hữu trễ 30 ngày kể từ lúc đại lý xe xuất hóa đơn.