Triển lãm Ôtô Quốc tế Frankfurt (IAA) sẽ chính thức mở cửa cho công chúng vào ngày 12/9, trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đối mặt hàng loạt thách thức chưa từng có tiền lệ.
Diễn ra hai năm một lần từ năm 1897 và là triển lãm ôtô lớn nhất thế giới, đón khoảng 850.000 lượt khách tham quan mỗi lần tổ chức gần đây, IAA luôn là một sự kiện được các hãng xe và giới mộ điệu chờ đợi. Tuy nhiên, trước thềm triển lãm năm nay, nhiều dấu hiệu bi quan đã lộ rõ.
Đầu tiên phải kể đến một số lượng lớn hơn bình thường các hãng xe không dự triển lãm. Theo thông cáo báo chí của ban tổ chức, vắng mặt tại IAA 2019 là một loạt cái tên lớn như Aston Martin, Bugatti, Citroën, Ferrari, Fiat, Jeep, Kia, Lancia, Mazda, Renault-Nissan, Peugeot, Rolls-Royce, Suzuki, Subaru, Tesla, Toyota và Volvo.
Những xu hướng mới
Tại một cuộc họp báo vào tuần trước, ông Bernhard Mattes, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ôtô Đức (VDA) đã dành nhiều thời gian để nói về những thách thức mà ngành này đang gặp phải, cũng như ảnh hưởng của những thay đổi đang diễn ra trong ngành đối với kỳ triển lãm năm nay.
“IAA lần này, cùng với môi trường xã hội và chính trị, rất khác so với những sự kiện trước”, ông Mattes nói. “Các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch trong thời gian diễn ra IAA. Chúng tôi đã đề nghị đối thoại với các tổ chức phi chính phủ này”.
Nhiều tổ chức và các nhà hoạt động môi trường đã vạch kế hoạch biểu tình bên ngoài nơi diễn ra IAA để kêu gọi chấm dứt việc sử dụng xe hơi chạy động cơ đốt trong, đặc biệt là những chiếc xe SUV cỡ lớn.
Ông Mattes nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp ôtô ngày nay “đang trải qua một cuộc chuyển mình lớn” dưới sức ép của ba vấn đề lớn: chống biến đổi khí hậu và các mục tiêu mới về khí thải CO2; số hóa và tự động hóa; chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nổi lên trên toàn cầu.
Với kỷ nguyên của động cơ đốt trong dần đi tới hồi kết và kỷ nguyên của xe chạy điện và xe không người lái đang dần mở ra, những thách thức về địa chính trị hiện nay đặt các hãng xe vào một tình thế khó khăn mà họ chưa từng trải qua.
Tờ báo Berlin Spectator của Đức đồng tình với quan điểm này. “Ảnh hưởng của biến đổi khí hâu, giá xăng dầu, và những ưu tiên mới đã thay đổi mọi thứ. Việc phô trương một chiếc xe mạnh mẽ trước mặt hàng xóm không phải là điều đúng đắn về mặt chính trị nữa. Ở nhiều thành phố lớn, di chuyển bằng xe hơi cũng không còn là điều dễ dàng”, một bài của tờ báo này về IAA viết.
“Động cơ điện thay vì động cơ V8 uống xăng như nước lã; số hóa thay vì những công nghệ cũ kỹ; lái xe tự động thay vì những triệu chứng căng thẳng sau vô lăng; chia sẻ xe thay vì sở hữu xe. Di chuyển đang thay đổi một cách căn bản. Hệ quả logic này sẽ là luồng gió chúng ta chứng kiến ở Frankfurt”, bài báo viết.
Sau vụ bê bối khí thải xe chạy diesel cách đây mấy năm, “đại gia” công nghiệp ôtô Đức Volkswagen, cũng là hãng xe lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh phát triển ôtô chạy điện. Tại Trung Quốc, thị trường xe lớn nhất thế giới, xe chạy điện cũng đang là xu hướng được sự hậu thuẫn của Chính phủ và được các hãng xe hưởng ứng. Nhiều thành phố trên thế giới đã đặt ra mục tiêu cấm hoàn toàn xe chạy xăng dầu sau vài năm nữa.
Bởi vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi những mẫu xe điện mới toanh như Taycan của Porsche và ID.3 của Volkswagen sẽ tốn nhiều giấy mực của báo giới ở IAA năm nay.
“Bóng ma” thương chiến
Quay lại với cuộc họp báo của VDA, Chủ tịch Mattes cảnh báo rằng ba thị trường xe lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu đang đối mặt với sự giảm tốc tăng trưởng do những tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với châu Âu, và bấp bênh xung quanh Brexit.
Dữ liệu mới nhất từ Trung Quốc ngày 11/9 cho thấy rõ điều này. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAMA), doanh số ôtô ở nước này trong tháng 8 giảm tháng thứ 14 liên tiếp.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg ngày 10/9, Tổng giám đốc (CEO) Herbert Diess của Volkswagen cảnh báo rằng căng thẳng thương mại có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, ảnh hưởng tiêu cực đến sức tiêu thụ trên thị trường ôtô thế giới.
“Chúng ta đang bước vào một tình huống nơi chiến tranhh thương mại thực sự ảnh hưởng đến tâm trạng của người tiêu dùng và có khả năng gây gián đoạn kinh tế toàn cầu”, ông Diess phát biểu. “Trung Quốc về cơ bản là một thị trường mạnh, nhưng do thương chiến, thị trường xe của nước này về cơ bản đã suy thoái. Đây là một tình hình mới, rất đáng ngại đối với chúng tôi”.
Tại IAA năm nay sẽ chỉ có 800 thương hiệu xe hơi tham gia triển lãm xe, từ con số 994 thương hiệu vào năm 2017. Sự sụt giảm này phản ánh một xu hướng của các thương hiệu xe trong những năm gần đây là cân nhắc kỹ hơn về việc có nên đầu tư những khoản tiền lớn đề xuất hiện tại các triển lãm ôtô.
Do xe hơi có tính chất công nghệ ngày càng cao, các thương hiệu xe thường chọn không xuất hiện tại các triển lãm nếu như không đưa ra được công nghệ thực sự mới nào. Trong một số trường hợp, các hãng xe lại chọn giới thiệu công nghệ mới của họ tại các sự kiện công nghệ như Triển lãm Điện tử tiêu dùng ở Las Vegas (CES).
“Chúng tôi xem đây là thách thức”, ông Mattes nói. “Chúng tôi muốn làm cho IAA trở nên hấp dẫn đến nỗi những ai không thể tham dự lần này sẽ phải tới IAA lần tới”.
“Vì lý do này, chúng tôi sẽ điều chỉnh để IAA trở thành một diễn đàn quốc tế về di chuyển cá nhân trong tương lai”, vị Chủ tịch VDA nói tiếp, và cho biết triển lãm năm nay sẽ có 200 diễn giả và cuộc thảo luận nói về các khía cạnh của di chuyển trong tương lai (future mobility).